Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Nhà đầu tư hưởng lợi từ quy định mới về PPP
Bích Thủy - 18/06/2018 09:13
 
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ về những thay đổi tích cực của Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), có hiệu lực từ ngày mai (19/6).

Thưa ông, đâu là những thay đổi quan trọng trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP? 

Nghị định này tập trung nhiều vào việc tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án đang được triển khai, như quy định chặt chẽ hơn trong công tác chuẩn bị đầu tư, bổ sung quy định về việc công bố thông tin hợp đồng dự án, tăng cường sự giám sát của cộng đồng đối với việc triển khai dự án.

.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Theo đó, một số nội dung sửa đổi quan trọng là, quy định rõ về thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; mở rộng các nguồn vốn nhà nước tham gia dự án PPP; quy định chặt chẽ hơn đối với dự án BT; bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án PPP; bổ sung quy trình thực hiện dự án PPP áp dụng công nghệ cao; đẩy mạnh việc phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch thông tin về dự án PPP.

Thay đổi đó tác động thế nào đến các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế?

Những thay đổi trên được kỳ vọng sẽ tạo niềm tin cho cộng đồng các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư công khai, minh bạch. 

Vốn đầu tư từ các khu vực tư nhân thông qua hình thức BOT, BT đã góp phần thay đổi diện mạo của các địa phương, cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, như đã đưa vào sử dụng hàng ngàn ki-lô-mét Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; xây dựng các cầu quy mô lớn (Cổ Chiên, Rạch Miễu, Việt Trì, Yên Lệnh...); xây dựng các công trình xử lý nước thải, rác thải, công trình y tế, giáo dục, thương mại... 

Kết quả nêu trên rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cơ chế PPP không phải là “cây đũa thần” để giải quyết nhu cầu “khát vốn”, cũng như không thể biến một dự án tồi thành một dự án PPP tốt.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa mặn mà với các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. Thưa ông, việc thiếu cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro có phải là điểm nghẽn chính? Nghị định 63/2018/NĐ-CP tháo nút thắt này như thế nào?

Có thể nói, thiếu cơ chế bảo lãnh là một trong những nguyên nhân chính hạn chế sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, còn nhiều việc cần quan tâm, quyết liệt cải cách và triển khai thực hiện mới khơi thông được phương thức đầu tư này, như phải lựa chọn dự án tốt, bố trí đủ nguồn lực tài chính của Nhà nước cho việc lập dự án và tham gia đầu tư, phải đấu thầu cạnh tranh rộng rãi, minh bạch thông tin, tăng cường năng lực về PPP cho các cấp thực hiện dự án.

Cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro đã được thảo luận rất kỹ trong nhiều diễn đàn, hội nghị, tuy nhiên, Nghị định cần tuân thủ các quy định tại các luật hiện hành, nên chưa có đề xuất thay đổi đáng kể nào. Dự kiến, nội dung này sẽ được xem xét, bổ sung trong quá trình dự thảo Luật về PPP trong thời gian tới.

Vậy đâu là giải pháp trong thời gian chờ đợi xây dựng Luật về PPP? 

Khung pháp lý về PPP đã tương đối đầy đủ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, việc thu hút hiệu quả đầu tư PPP không chỉ dừng ở chính sách, mà phải giải quyết bài toán đồng bộ từ việc lựa chọn dự án, bố trí nguồn lực, minh bạch thông tin và tăng cường năng lực cho người làm. Do đó, trong thời gian tới, khi xây dựng Luật về PPP, cần đẩy mạnh các giải pháp để lựa chọn dự án tốt nhất đưa ra thị trường; bố trí đủ nguồn lực để lập dự án và tham gia đầu tư; tăng cường công khai, minh bạch thông tin và luôn quan tâm công tác đào tạo, tăng cường năng lực PPP cho các cấp triển khai. 

Về tiến độ xây dựng Luật về PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ là sẽ trình Quốc hội Dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2019) để cho ý kiến và sẽ được hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

Bài học kinh nghiệm từ các nước để thực hiện hiệu quả các dự án hạ tầng theo hình thức PPP là gì, thưa ông?

Kinh nghiệm các nước cho thấy, PPP không dễ dàng đối với bất cứ quốc gia nào. Do đó, có nhiều nước thành công, nhưng cũng có thất bại, kể cả nước phát triển. 

Hiện được xem là thời điểm rất phù hợp (nhu cầu đầu tư rất lớn, các đối tác trong và ngoài nước quan tâm…) để Việt Nam thu hút đầu tư theo hình thức PPP. Chúng ta phải tận dụng cơ hội này, nếu không triển khai thành công trong vòng 5 năm tới, thì cơ hội sẽ không còn. 

Theo kinh nghiệm quốc tế, để triển khai thành công mô hình PPP, cần đảm bảo một số yếu tố quan trọng dưới đây.

Thứ nhất, phải nhận thức đúng về PPP, đó là khó khăn, phức tạp và dài hạn; đồng thời, có cách làm bài bản, cầu thị và có trách nhiệm cao từ phía các cơ quan có liên quan của nhà nước.

Thứ hai, cần có quyết tâm chính trị cao ở tất cả các cấp và chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, rõ ràng thông qua các kế hoạch ngắn, trung và dài hạn.

Thứ ba, cần khung pháp lý đầy đủ, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ tư, Nhà nước cần bố trí đủ nguồn lực tài chính cho việc lựa chọn dự án tốt, chuẩn bị dự án, tham gia đầu tư và sau này là các cơ chế bảo lãnh (nếu có).

Thứ năm, cán bộ trực tiếp làm PPP cần được bố trí theo chế độ chuyên trách, có chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản.

Thứ sáu, nâng cao trách nhiệm của phía Nhà nước - một bên hợp đồng dự án PPP, hợp tác với nhà đầu tư - với nguyên tắc cùng có lợi.

Tóm lại, để thực hiện được PPP, phải hiểu đúng và có quyết tâm chính trị lớn từ cấp cao nhất; triển khai quyết liệt, đồng bộ; bố trí đủ nguồn lực và với cách làm bài bản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện cam kết hợp đồng PPP
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghĩa vụ đã cam kết trong các Hợp đồng dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư