Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nhiều nhà đầu tư khát khao Habeco
Thanh Hương - 20/03/2018 10:06
 
Không chỉ Carlsberg đang nắm trong tay 17,3% cổ phần muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), mà một số đại gia nước ngoài khác cũng muốn có phần.

Carlsberg nhiều khát vọng 

Ông Cees‘t Hart, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Carlsberg tuần qua đã có mặt tại Hà Nội để tìm kiếm những giải pháp cụ thể hơn cho việc gia tăng mức độ sở hữu của hãng bia Đan Mạch tại Habeco - nơi mà Carlsberg đang có 17,3% cổ phần.

Vị đại diện Carlsberg bày tỏ mong muốn “tiếp tục tăng cường tỷ lệ sở hữu ở Habeco để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của công ty”.

Habeco hiện chiếm khoảng 16% thị phần bia ở Việt Nam, là “miếng bánh” mà nhiều doanh nghiệp ngoại nhắm đến.
Habeco hiện chiếm khoảng 16% thị phần bia ở Việt Nam, là “miếng bánh” mà nhiều doanh nghiệp ngoại nhắm đến.

Carlsberg đang tham gia thảo luận với đại diện Bộ Công thương, các cơ quan có liên quan và Habeco về quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp này. Đáng nói là, dù đạt được nhiều tiến triển tích cực trong thời gian gần đây, nhưng quá trình thảo luận cũng đầy phức tạp về mặt pháp lý.

Dích dắc dường như xoay quanh việc hãng bia Đan Mạch cho là có “quyền ưu tiên mua” cổ phần của Habeco khi doanh nghiệp này thoái vốn tiếp.

Trước đó, vào quý III/2017, Thoả thuận hợp tác chiến lược và Hợp đồng mua bán cổ phần giữa Habeco và Carlsberg được ký với thỏa thuận, khi Habeco niêm yết, Carlsberg có quyền ưu tiên mua cổ phần.

Dẫu vậy, một chuyên gia đã nghiên cứu các tài liệu nói trên cho phóng viên Báo Đầu tư hay, Hợp đồng mặc dù hợp pháp, nhưng không còn phù hợp với nhiều quy định của luật pháp hiện hành, thậm chí có những điều mà nếu thực hiện sẽ vi phạm một số quy định cấm của pháp luật hiện nay.

Bộ Công thương đang nắm giữ 81,8% cổ phần tại Habeco và có kế hoạch thoái vốn trong năm 2018. Hiện bộ này cũng được giao nhiệm vụ rà soát lại “quyền ưu tiên” của Carlsberg trong việc mua tiếp cổ phần tại Habeco.

Năm 2016, Carlsberg từng đưa ra đề nghị được xem là “khôn hết phần người khác”, khi muốn mua tiếp gần 82% cổ phần của Habeco theo cách của mình. Cụ thể, doanh nghiệp này đề nghị Bộ Công thương bán 20% cổ phần theo phương thức chào giá cạnh tranh và Carlsberg được quyền tham gia chào giá, nhưng không phải thực hiện quyền mua, mà chỉ lấy giá này để trả cho việc mua 61,79% cổ phần thuộc quyền ưu tiên của mình sau đó.

Ở thời điểm hiện nay, cho rằng mình là đối tác chiến lược của Habeco với quyền ưu tiên mua, nhưng Chủ tịch kiêm CEO của Carlsberg cũng cho rằng: “Habeco là một tài sản tốt và chúng tôi sẽ trả mức giá công bằng để mua tài sản đó”.

Đại gia khác nhăm nhe

Cổ phiếu BHN của Habeco hiện có giá tham chiếu là 134.500 đồng/cổ phiếu với mức vốn hóa 31.751 tỷ đồng ở thời điểm ngày 15/3/2018. Đặt giả thiết Habeco sẽ bán tiếp 51% cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại đây để tạo ra động lực mới cho những tên tuổi mới gia nhập cuộc chơi và nâng cao hiệu quả trong quá trình thoái vốn, số tiền có thể thu được cũng cỡ 16.000 tỷ đồng, tương đương hơn 700 triệu USD theo mức giá tham chiếu ngày 15/3.

Không chỉ có mình Carlsberg nhăm nhe mua tiếp cổ phần của Habeco. Những cái tên đang được chú ý có thể tham chiến lần này là Heineken và AB Inbev.

Theo ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), nếu mua được Habeco, Heineken hay Carlsberg hoặc AB Inbev sẽ có cơ hội bứt phá ngoạn mục về thị phần hiện nay. Điều này khác hẳn với việc mua Sabeco, bởi một số nhãn hiệu như Heineken khi kết hợp với Sabeco sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh vì thị phần trở nên quá lớn.

Hiện Sabeco đang chiếm khoảng 41-43% thị phần về sản lượng, Heineken đứng thứ 2, nhưng chỉ chiếm cỡ 25-27%; tiếp đó là Habeco với khoảng 16%, Carlsberg chưa đến 10% và phần còn lại thuộc về các hãng bia khác.

Trong thương vụ Sabeco, việc AB Inbev không xuất hiện được xem là tình huống bất ngờ, bởi doanh nghiệp bia lớn nhất thế giới này nổi tiếng với các vụ thâu tóm các hãng bia địa phương. Và nếu trong thương vụ Habeco, AB Inbev cũng không quan tâm nốt thì thị phần của ông lớn này sẽ rất “lẹt đẹt” tại Việt Nam.

AB InBev hiện là người khổng lồ đứng đầu của ngành bia thế giới, đang nắm giữ 500 nhãn hiệu bia (trong đó có 7 nhãn hiệu hàng đầu thế giới), chiếm 1/3 thị phần sản lượng bia thế giới, với doanh thu hàng năm trên 45 tỷ USD và lợi nhuận khoảng 30% doanh thu.

Thành quả này có sự hỗ trợ không nhỏ từ các vụ mua bán - sáp nhập của AB Inbev khi giúp doanh thu tăng nhanh, độ phủ sóng toàn cầu lớn hơn. Mặt khác, việc mua lại cũng được đánh giá không quá tốn kém so với chi phí đầu tư các nhà máy mới và xây dựng thị trường mới. Đặc biệt, AB InBev có truyền thống thích mua những đối thủ cạnh tranh trong ngành nhằm giảm chi phí và hướng người tiêu dùng đến những sản phẩm có giá cao hơn.

Với Heineken, việc mở rộng thị phần tại Việt Nam thông qua mua cổ phần tại Habeco dường như rất được quan tâm. Trường hợp Heineken nắm cổ phần chi phối tại Habeco, thị phần của Heineken tại Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng mà vẫn không vi phạm Luật Cạnh tranh.

Trở lại thương vụ thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Với hình thức đấu giá công khai và tỷ lệ cổ phần được bán vượt quá 51%, Việt Nam đã thu về khoảng 4,8 tỷ USD khi bán đi 53,59% vốn của mình tại Sabeco với mức giá cao ngất, 320.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều các mức giá được dự đoán trước đó về Sabeco.

Bởi vậy, kịch bản nào cho Habeco để tối ưu hóa lợi nhuận của Nhà nước thu về khi quyết định bán tiếp một “con gà đẻ trứng vàng” là điều tất cả các bên đang rất quan tâm.

Thị trường bia Việt: Sabeco đột phá, Habeco trầm lắng
Với sự có mặt của ông chủ nước ngoài, Sabeco sẽ gia tăng mạnh sản lượng bia khiến các nhãn hiệu khác đứng ngồi không yên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư