Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
“Ông bạn già” Mothercare có làm nên chuyện tại thị trường bán lẻ mẹ và bé tại Việt Nam?
Anh Hoa - 02/05/2018 09:22
 
Đã có nhiều “người khổng lồ” tham gia thị trường bán lẻ mẹ và bé ở Việt Nam với lợi thế hơn người, nhưng họ đã sớm dừng chân. Giờ thì “kẻ đến sau” Mothercare lại mang đến tham vọng phân chia lại thị trường.

Cú đấm mạnh 

“Welcome ông bạn già, có bạn thêm vui. Việt Nam sẽ rất khác đấy”, là status của ông Đỗ Văn Tuấn, CEO Kidsplaza viết trên facebook cá nhân khi có tin Mothercare đến từ Anh chính thức chuỗi ngày chinh phục thị trường Việt Nam. 

Sau 2 năm tiếp xúc liên tục, Hãng bán lẻ mẹ và bé Mothercare quyết định chọn Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific - IPP Group) làm đối tác nhượng quyền phát triển chuỗi này tại Việt Nam. 

Dù luôn chọn trung tâm thương mại để xuất hiện, nhưng ở Việt Nam, Mothercare sẵn sàng xuất hiện ở các đường phố trung tâm
Dù luôn chọn trung tâm thương mại để xuất hiện, nhưng ở Việt Nam, Mothercare sẵn sàng xuất hiện ở các đường phố trung tâm

Cửa hàng đầu tiên của Mothercare có diện tích 286 m2, đặt tại Tung tâm thương mại Crescent Mall (TP.HCM). Dự kiến, Hãng sẽ mở 3 cửa hàng tại TP.HCM trong năm nay, chủ yếu tại các trung tâm thương mại lớn.  

Từ lâu, giới nhà giàu Việt Nam đã mong chờ sự có mặt của hãng này. Chị em phụ nữ trong giai đoạn chuẩn bị làm mẹ, các bé từ sơ sinh đến 5 tuổi là đối tượng chính của Mothercare.

Sự xuất hiện của Mothercare được cho là “cú đấm” với thị trường bán lẻ mẹ và bé khi giới phân tích cho rằng, với nhiều lợi thế, hãng này sẽ phân chia lại thị phần. 

Mothercare ra đời tại Anh từ năm 1961. Ban đầu, công việc kinh doanh của Hãng tập trung vào xe đẩy, đồ dùng cho trẻ sơ sinh và quần áo thai sản, nhưng sau đó đã mở rộng quần áo cho trẻ em từ 5-8 tuổi. Hiện, công ty này cung cấp hàng loạt sản phẩm trang phục cho trẻ sơ sinh, đồ đạc và trang trí nội thất, giường ngủ, thức ăn cho trẻ em, đồ tắm, thiết bị du lịch và đồ chơi. 

Thông qua nhượng quyền thương mại, Mothercare đã có 1,300 cửa hàng tại 61 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp châu Âu, châu Á, Trung Đông và châu Mỹ Latin. Riêng tại châu Á đã có 237 cửa hàng đặt tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia... 

Với dân số gần 100 triệu người, là một trong 6 quốc gia có chỉ số phát triển bán lẻ cao nhất toàn cầu trong năm 2017. Trong đó, quy mô giá trị ngành bán lẻ mẹ và bé ước tính khoảng 7 tỷ USD. Trước đây, đã có nhiều “người khổng lồ” tham gia thị trường này ở Việt Nam như chuỗi Akachan Honpo (số 1 Nhật Bản), hay Kids World (Vin Group)… với lợi thế am hiểu thị trường, có tiềm lực tài chính mạnh và có mô hình kinh doanh gần gũi hơn với đại đa số người dân Việt Nam. Tiếc là họ đã sớm dừng chân. 

Gần đây, thị trường Việt Nam chào đón thêm các thương hiệu như Zara Kids, H&M Kids, Gap Kids và nay là Mothercare… hiện diện ở các trung tâm thương mại, đánh vào phân khúc khách hàng cao cấp. Điều mà các tên tuổi trong nước vì nhiều lý do mà chưa thể chạm đến. 

Bà Trịnh Lan Phương, CEO Bibo Mart  tin rằng, những thương hiệu như Zara, Mothercare sẽ mang đến luồng gió mới cho thị trường bán lẻ của Việt Nam, góp phần mang thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng và thêm động lực cho doanh nghiệp Việt chuyển mình. “Mỗi khi thêm một doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm, một tay chơi ngoại mới gia nhập thị trường, tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt phải tăng tốc hơn nữa”, bà Phương nói. 

Các thương hiệu nội địa có tuổi đời khoảng 10 năm ở Việt Nam như Bibo Mart, Kidsplaza, Con Cưng… đang chứng minh sự lớn mạnh của mình. Với sự “chống lưng” của các quỹ đầu tư, họ đang tăng tốc ở mọi trận địa. 

Trong đó, Bibo Mart có ACA Investments - Công ty quản lý quỹ của Nhật Bản (thuộc Tập đoàn Sumitomo) đã đạt 139 cửa hàng, mục tiêu đến cuối năm 2019 đạt hơn 500 cửa hàng, với doanh thu tối thiểu 300 triệu USD và giá trị doanh nghiệp 500 triệu USD. Dự kiến đến năm 2020, Công ty sẽ chính thức IPO. 

Kidsplaza có Quỹ đầu tư VI Group (Vietnam Investments Group) đạt 68 cửa hàng và đặt mục tiêu đạt 220 cửa hàng năm nay và 300 cửa hàng vào năm 2019. 

Trong khi đó, chuỗi Con Cưng với sự tham gia của Quỹ Daiwa-SSIAM đã có tới 302 cửa hàng và  mục tiêu đến hết năm nay sẽ có 500 cửa hàng. Dự tính, đến 2020 Con Cưng sẽ có 1.000 cửa hàng. Ngoài ra, một số thương hiệu nhỏ khác cũng có số lượng cửa hàng đáng kể, như: Shoptretho với 37 cửa hàng, TutiCare với 28 cửa hàng...

Ai làm chủ cuộc chơi?

Về cơ bản, trước mắt, Mothercare chưa phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu trong nước vì mô hình kinh doanh khác nhau.

Theo ông Đỗ Văn Tuấn, CEO Kidsplaza, Mothercare chỉ tập trung ở trung tâm thương mại và chủ yếu bán hàng họ tự sản xuất (made in China) với mức giá cao.  Họ có nhiều nhà cung cấp quốc tế uy tín và sẽ kéo theo số nhà cung cấp này đến Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại không bán tã và sữa. “Thị trường họ khác, họ rất khó thắng thị trường Việt Nam”, ông Tuấn nói, nhưng cũng tiết lộ Kidsplaza phải điều chỉnh một chút về ngành hàng trong chiến lược kinh doanh.

Bà Võ thị Phi Phương, Giám đốc điều hành ACFC thừa nhận, thị trường mẹ bé Việt Nam rất cạnh tranh, nhưng thiếu những sản phẩm ở phân khúc trung và cao cấp, sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thiết kế đẹp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

“Khách hàng trong phân khúc này hiện chưa tìm được những sản phẩm ưng ý trong những chuỗi cửa hàng hiện tại, mà thường phải ra nước ngoài để chọn”, bà Phương nói. 

Theo bà Phương, Mothercare tin mình sẽ thành công vì có hơn 50 năm kinh nghiệm và đã chinh phục được những thị trường có sự cạnh tranh cao như Hồng Kông, Singapore. Ngoài ra, hãng sẽ giúp cho khách hàng chọn lựa được chính xác những gì phù hợp với nhu cầu. Từ việc tư vấn lựa chọn một chiếc áo ngực phù hợp cho mẹ bầu, cho tới tư vấn lắp đặt đúng kỹ thuật ghế ngồi xe hơi cho bé. 

Bà Phương cũng cho rằng, Mothercare sẽ có sự linh động sao cho phù hợp với thị trường tiêu dùng Việt Nam. Ngoài việc có mặt ở trung tâm thương mại, nếu chưa đáp ứng được nhu cầu của khách, hãng sẵn sàng xuất hiện ở các đường phố trung tâm nhằm tiện đường mua sắm.  

Điều đáng chú ý, trong khi ở các thị trường khác, Mothercare bán các sản phẩm từ sơ sinh đến 8 tuổi thì ở Việt Nam chỉ có đến 5 tuổi. Theo bà Phương, đây chính là xu hướng chính trong tương lai của Mothercare trên toàn cầu. Mục đích là để tập trung tốt hơn, tạo ra những sản phẩm với chất lượng cao nhất dành cho khách hàng. Việt Nam là một trong những thị trường mới nên sẽ đi đầu theo xu hướng này. 

Chìa khóa bán lẻ đa kênh

Giống như nhiều nhà bán lẻ khác trên thế giới, thương mại điện tử (e-Commerce) đang trở thành kênh hái ra tiền cho Mothercare nhờ nâng cao sự tiện lợi, trải nghiệm mua sắm cho khách hàng. Khoảng 41% doanh số bán hàng tại Anh của Hãng đến từ e-Commerce, với 83% doanh số bán hàng đến từ smartphone. 

Trong năm tài chính 2017, doanh số e-Commerce của Mothercare tăng 7,8% lên khoảng 172 triệu bảng. Hãng xác định e-Commerce là một phần của trải nghiệm mua sắm đa kênh khi khách hàng kết nối đang di chuyển “liền mạch” giữa trực tuyến và cửa hàng, vì khoảng 40% doanh số bán hàng trực tuyến đến từ online, trong khi 25% đơn đặt hàng đến từ các cửa hàng offline. Bên cạnh đó, việc thuê các địa điểm đặt cửa hàng đang được rút ngắn tối đa khoảng 5 năm cũng là lý do để Hãng đẩy mạnh bán hàng online. 

Như vậy, Mothercare rất mạnh về bán lẻ đa kênh. Tại Việt Nam hãng cũng sẽ sớm triển khai hình thức này bên cạnh việc mở chuỗi cửa hàng. 

Các thương hiệu trong nước cũng có sự đầu tư bài bản cho sự chuyển dịch digital này.

Theo bà Trịnh Lan Phương, CEO Bibo Mart, doanh thu e-Commerce của công ty hiện chiếm 14,5% doanh số tổng và dự kiến tăng lên hơn 30% trong 5 năm tới. Kiến trúc và chiến lược phát triển công nghệ giai đoạn 5 năm 2018-2023 của Bibo Mart được xây dựng bởi các chuyên gia công nghệ hàng đầu người Mỹ từ Silicon Valley. 

Tuy nhiên, bà Phương cho rằng, Việt Nam là một thị trường đặc thù. Thương mại điện tử ở Việt Nam còn nhiều rào cản. Bán lẻ đa kênh đòi hỏi sự đầu tư bài bản và dài hạn. Mô hình kinh doanh thành công phải là mô hình vì khách hàng và hiểu khách hàng, linh hoạt điều chỉnh theo sự chuyển dịch nhu cầu của khách hàng. 

“Nhà bán lẻ nào sở hữu công nghệ tốt, am hiểu thị trường và luôn vì lợi ích khách hàng chắc chắn sẽ thành công”, bà Phương nói. 

Và còn quá sớm để nói “ông bạn già” Mothercare có làm nên chuyện ở thị trường Việt Nam hay không, nhưng rõ ràng, các tay chơi non trẻ trong nước cũng tỏ ra không kém cạnh trong cuộc so kè này.

Có vốn Nhật, Bibo Mart tham vọng thống trị mảng bán lẻ mẹ và bé trị giá tỷ đô
Khoản đầu tư từ quỹ Nhật sẽ giúp Công ty cổ phần Bibo Mart có được vị thế mong muốn trong thị trường hàng tiêu dùng mẹ và bé được ước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư