Kịch bản cứ một phiên hồi phục với thanh khoản thấp, thị trường sẽ lao dốc ngay phiên sau đó được lặp đi lặp lại trong 2 tuần giao dịch vừa qua và tiếp tục diễn ra sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.

Trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ, thị trường đã có phiên hồi phục trong phiên thứ Sáu tuần trước (27/4), nhưng thanh khoản cả 2 sàn đều sụt giảm trong phiên hồi phục này. Giống như các phiên trước đó, dù dư âm của phiên hồi phục này giúp thị trường mở cửa với sắc xanh, nhưng áp lực bán nhanh chóng được tung vào, trong khi bên giữ tiền mặt vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến VN-Index tiếp tục có phiên lao dốc.

Trong phiên chiều nay, dù thị trường có diễn biến khác tích cực khi các chỉ số hồi phục trở lại sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, trong nửa cuối phiên, áp lực bán ồ ạt diễn ra ở các mã lớn đã khiến VN-Index lao thẳng đứng xuống dưới 1.025 điểm trước khi hãm bớt đà rơi cuối phiên, nhưng chỉ số này vẫn đóng cửa đánh mất mốc hỗ trợ 1.030 điểm.

Cụ thể, VN-Index giảm 21,18 điểm (-2,02%), xuống 1.029,08 điểm với 98 mã tăng, trong khi có tới 185 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 183,26 triệu đơn vị, giá trị 5.746,9 tỷ đồng, giảm 4,35% về khối lượng và giảm 2,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,55 triệu đơn vị, giá trị 1.301,47 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 2/5
Diễn biến VN-Index phiên 2/5

Không chỉ GAS, PVD, HSG, phiên giao dịch chiều còn chứng kiến hàng loạt mã khác giảm sàn khác, đáng chú ý là BID, CTG, DXG, NKG, cùng với các mã nhỏ hơn như HII, CMG, ASM, HAG, ITA, KSA, VOS, HVG, PLP…

Trong khi đó, đà giảm của VN-Index được hãm lại nhờ VIC và VRE hồi lại, trong đó VIC chỉ còn giảm nhẹ 0,79%, xuống 125.000 đồng với 5,2 triệu đơn vị được khớp, VRE đứng ở tham chiếu 46.300 đồng với 5,34 triệu đơn vị được khớp.

Cũng hộ trợ cho VN-Index hãm đà rơi còn có SAB tăng nhự 0,05%, lên 213.100 đồng, MSN tăng 1,74%, lên 93.400 đồng, HPG tăng 1,12%, lên 54.400 đồng, PLX tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên 66.000 đồng, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, thậm chí giảm sàn.

Cụ thể, VNM giảm 0,27%, xuống 184.500 đồng, VJC giảm 3,96%, xuống 179.600 đồng, BVH giảm 5,43%, xuống 87.000 đồng, NVL giảm 5,37%, xuống 58.200 đồng, ROS giảm 5,35%, xuống 81.400 đồng, SSI giảm 3,33%, xuống 34.800 đồng…

Trong nhóm ngân hàng, BID giảm sàn xuống 33.600 đồng với 1,87 triệu đơn vị. CTG cũng giảm sàn xuống 27.250 đồng với 5,4 triệu đơn vị. VCB giảm 3%, xuống 58.200 đồng với 2,86 triệu đơn vị. VPB giảm 4,11%, xuống 51.300 đồng với 2,96 triệu đơn vị. MBB giảm 2,01%, xuống 29.300 đồng với 4,9 triệu đơn vị. HDB giảm 1,87%, xuống 42.000 đồng với 1 triệu đơn vị. STB giảm 3,97%, xuống 13.300 đồng với 5,16 triệu đơn vị. EIB giảm 1,66%, xuống 14.850 đồng, hay TPB cũng giảm 1,32%, xuống 29.800 đồng.

Trong Top 5 mã có thanh khoản tốt nhất HOSE hôm nay, có tới 4 mã giảm sàn là ASM, HAG, ITA và CTG, chỉ có duy nhất SBT là tăng giá 1,66%, lên 18.400 đồng với 7,96 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE.

Cổ phiếu HAG giảm sàn là điều dễ hiểu khi bị HOSE đưa vào diện cảnh báo do công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017.

Trên HNX, diễn biến cũng tương tự HOSE khi cố gắng hồi phục trong nửa đầu phiên chiều, nhưng lao dốc trong nửa cuối phiên do áp lực bán diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là ở nhóm HNX30.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,79 điểm (-1,46%), xuống 120,85 điểm với 75 mã tăng, trong khi có tới 108 mã giảm, trong đó có 16 mã giảm sàn. Thanh khoản cũng tiếp tục sụt giảm khi tổng khối lượng giao dịch đạt 45,56 triệu đơn vị, giá trị 695 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 18,3% về giá trị so với phiên trước kỳ nghỉ lễ. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,37 triệu đơn vị, giá trị 52,76 tỷ đồng.

Trên sàn này, sắc xanh của ACB hỗ trợ cho thị trường trong phiên sáng cũng không còn khi mã này đóng cửa giảm 0,94%, xuống 42.000 đồng với 2,67 triệu đơn vị được khớp. SHB cũng giảm 4,39%, xuống 10.900 đồng với 9,6 triệu đơn vị. VCG giảm 3,83%, xuống 17.600 đồng với 1,1 triệu đơn vị. VGC giảm 0,43%, xuống 23.300 đồng với 1,65 triệu đơn vị. PVI, VPI, NTP, DL1, PHP, MBS, SHS cũng chìm trong sắc đỏ.

Thậm chí, PVS giảm sàn xuống 16.400 đồng với 5,92 triệu đơn vị. CEO cũng giảm sàn xuống 15.100 đồng với 2,9 triệu đơn vị và còn dư bán sàn gần 2 triệu đơn vị. VNR cũng giảm kịch sàn xuống 22.500 đồng. DST cũng giảm sàn xuống 4.500 đồng…

Tương tự, UPCoM-Index cũng chìm trong sắc đỏ trong suốt phiên giao dịch chiều và đóng cửa giảm 0,64 điểm (-1,14%), xuống 55,92 điểm với 90 mã tăng và 80 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,47 triệu đơn vị, giá trị 349 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,73 triệu đơn vị, giá trị 188,47 tỷ đồng.

Trên sàn này, chỉ có 3 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị là LPB (1,4 triệu), POW (1,17 triệu) va BSR (1,16 triệu), trong đó chỉ có POW may mắn thoát sắc đỏ khi đóng cửa, còn lại LPB giảm 2%, xuống 14.600 đồng, BSR giảm 7,58%, xuống 18.300 đồng. Cũng có sắc đỏ còn có VGT, VIB, LTG, KLB, MCH, SDI…

Trong khi đó, OIL, HVN, DVN, ACV, TIS, MSR lại đi ngược xu thế, nhưng mức tăng không lớn.