Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thu hẹp hiện diện, PVN quay về dầu – khí
Thanh Hương - 30/04/2018 14:27
 
Thay vì phát triển ở 5 lĩnh vực kinh doanh chính như hiện nay, sau năm 2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ hướng vào 3 lĩnh vực chính là thăm dò và khai thác, khí, chế biến dầu khí.

Thu hẹp hiện diện 

Động thái mới nhất của PVN trong hoạt động tái cơ cấu tập đoàn chính là việc thay thế đồng thời cả Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò - Khai thác dầu khí (PVEP) hiện tại. 

PVEP là doanh nghiệp chủ chốt của PVN, hoạt động trong khâu đầu tiên của dây chuyền tìm kiếm - thăm dò - khai thác - chế biến dầu khí. Hơn 50% sản lượng dầu thô của PVN được đóng góp bởi PVEP, thông qua các hợp đồng phân chia sản phẩm với đối tác nước ngoài hợp tác với PVN. 

PVN sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là thăm dò và khai thác, khí, chế biến dầu khí
PVN sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là thăm dò và khai thác, khí, chế biến dầu khí

Phần sản lượng dầu thô còn lại của PVN được đóng góp bởi Công ty liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các dự án dầu khí ở nước ngoài. 

Cho tới thời điểm hiện nay, không kể Công ty mẹ - PVN và Công ty Đóng tàu Dung Quất do thua lỗ nên chưa thể tiến hành cổ phần hoá, chỉ còn lại PVEP là đơn vị cấp tổng công ty thành viên vẫn đang hoạt động theo mô hình 100% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ. 

Vấn đề tái cơ cấu mô hình hoạt động PVEP đã được PVN đặt ra. Đáng chú ý ở thời điểm này, PVEP đang rơi vào trạng thái khó khăn trong hoạt động với việc lợi nhuận giảm sút. Năm 2016, PVEP lần đầu bị lỗ hợp nhất 1.980 tỷ đồng. Bước sang năm 2017, tuy lợi nhuận sau thuế tăng, nhưng PVEP phải đối mặt với hàng loạt thách thức về cơ chế để có thể bật dậy mạnh mẽ. 

Theo kế hoạch được PVN đặt ra, cổ phần hoá PVEP sẽ được thực hiện sau năm 2020 với điều kiện đảm bảo lợi ích cao nhất cho phía Việt Nam. 

Thoái vốn tại các đơn vị, lành mạnh hóa cơ cấu tài chính tại các đơn vị/dự án thua lỗ; thực hiện tái cơ cấu, đổi mới mô hình tổ chức bộ máy quản lý điều hành công ty mẹ - PVN theo hướng gọn nhẹ, năng động, chuyên nghiệp và phù hợp với mô hình công ty dầu khí quốc gia tiên tiến là những mục tiêu đang được PVN tích cực thực hiện. 

Theo lộ trình cụ thể, đến năm 2020, PVN sẽ tiếp tục duy trì 5 lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm: tìm kiếm - thăm dò - khai thác, khí, chế biến dầu khí, điện và dịch vụ dầu khí. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, mảng dịch vụ dầu khí sẽ không còn là lĩnh vực kinh doanh chính của PVN và sau năm 2025, mảng điện cũng có số phận tương tự. Sau năm 2025, PVN sẽ chỉ tập trung vào ba lĩnh vực chính trong liên kết hữu cơ gồm thăm dò - khai thác, khí và chế biến dầu khí.

Đây cũng là 3 mảng hoạt động chính của PVN trước khi có sự phình to bất thường về diện hoạt động lẫn số lượng thành viên. Ở thời điểm đỉnh cao năm 2011, PVN đã có hơn 250 doanh nghiệp thành viên tính đến cỡ công ty cấp 4 (công ty chắt). 

Theo đánh giá của Đề án, giai đoạn 2011-2016, cơ cấu phân bổ vốn đầu tư đã được điều chỉnh dần theo hướng tập trung đầu tư cho các lĩnh vực kinh doanh liên quan đến hoạt động dầu khí và giảm vốn, thoái vốn từ những hoạt động ít liên quan. 

Tập trung vào dầu - khí

Việc thu hẹp vùng hoạt động chỉ còn 3 mảng kinh doanh chính là khai thác dầu - khí - chế biến dầu khí dường như xuất phát từ việc lợi nhuận của các mảng kinh doanh này chiếm tỷ trọng lớn trong kết quả kinh doanh của PVN. 

Theo Đề án, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PVN giai đoạn 2011-2016 đạt trên 274.000 tỷ đồng, có đóng góp lớn nhất từ thăm dò khai thác dầu với 60,4%. Tiếp đến là lĩnh vực khí với 21,7% và chế biến dầu khí với 7,8%. Điện chỉ đóng góp 2,8% và dịch vụ đóng góp 7,2%. 

Năm 2011, PVN có 29 tổng công ty, công ty thành viên trực thuộc và 224 công ty hàng cháu, chắt. Trước năm 2011, PVN đã cổ phần hoá được 18 doanh nghiệp; giai đoạn 2011-2017 chỉ cổ phần hoá được 1 doanh nghiệp. Năm 2018 đang thực hiện cổ phần hoá 3 doanh nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2025, PVN duy trì nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 3 đơn vị là PVEP, Vietsovpetro; PV GAS; nắm dưới 50% vốn điều lệ tại 12 đơn vị như: BSR (43%), PVFCCo, PVCFC, PV Power và PV Trans (36%), PTSC và PVD (dưới 30%), PV OIL (35,1%)…; thoái hết vốn tại DQS, Petro Camranh. 

Cũng trong thời gian này, xét về chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), lĩnh vực khí là cao nhất với bình quân 30,2%/năm; tiếp đó là lĩnh vực thăm dò khai thác với 16,5%/năm; chế biến dầu khí với 8,4%/năm; điện là 7,9% và dịch vụ là 6,3%. 

Đến nay, lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí vẫn đóng vai trò quan trọng và là tiền đề, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác trong chuỗi dầu khí dù đang bị nhiều yếu tố khách quan chi phối như tài nguyên cạn kiệt, chi phí và giá thành gia tăng, nguồn tài chính khó khăn.

Mảng kinh doanh khí được xem là rất triển vọng, khi tài sản và vốn chủ sở hữu không lớn, nhưng lại mang tới hiệu quả cao nhất trong 5 lĩnh vực kinh doanh chính của PVN hiện tại (ROE trung bình 30%/năm) và tương đối ổn định trong giai đoạn 2011-2016, ít chịu tác động của giá dầu. 

Bởi vậy, không khó hiểu khi PVN quyết tâm tái cơ cấu và tập trung vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cao nhất. 

Theo đánh giá của PVN, năng suất lao động của ngành chưa cao, bình quân theo doanh thu đạt 500.000 - 600.000 USD/người/năm, bằng 50% của Petronas (Malaysia) và bằng 20% của Công ty Dầu khí Thái Lan (PTT). Ngoài ra, thời gian làm việc, tích luỹ kinh nghiệm để có thể làm việc độc lập mất 11-15 năm, trong khi nhân sự các công ty dầu khí trong khu vực chỉ mất 8-10 năm. 

Bởi vậy, khi sắp xếp, tái cơ cấu, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là điều được PVN đặc biệt quan tâm, vì điều này sẽ tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Năm 2017, PVN thực hiện tiết kiệm được hơn 3.830 tỷ đồng
Theo Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, năm 2017,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư