Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thu hút FDI 11 tháng: Dấu ấn Nhật Bản và hiệu ứng APEC
Nguyên Đức - 30/11/2017 08:27
 
Thu hút đầu tư nước ngoài trong 11 tháng qua đã tăng tốc ngoài dự báo, đạt trên 33 tỷ USD, tăng hơn 82% so với cùng kỳ. Có được điều đó là nhờ những dấu ấn đặc biệt của nhà đầu tư Nhật Bản và cả những hiệu ứng tích cực từ APEC 2017.
Nhà máy Panasonic Vietnam Co.,Ltd tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh
Nhà máy Panasonic Vietnam Co.,Ltd tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh

Dấu ấn Nhật Bản

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, từ đầu năm tới ngày 20/11/2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 33,09 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Còn nhớ, tháng trước, khi Cục Đầu tư nước ngoài công bố con số trên 28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 10 tháng - con số mà trước đó dự kiến cả năm 2017 mới đạt được - dư luận đã không khỏi bất ngờ. Bất ngờ vì liên tục các kỷ lục được “xô đổ”. Bây giờ, sau một tháng, con số còn “khủng” hơn nữa - hơn 33 tỷ USD, có nghĩa là chỉ trong một tháng qua, đã có 4,85 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.

Không khó để tìm ra căn nguyên của sự tăng tốc này, bởi trong tháng 11/2017, đã có 2 dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư. Một là Dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), với tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD. Dự án do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đầu tư. Hai là Dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, vốn đầu tư 2,58 tỷ USD của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).

Cả hai dự án trên đều đã được các nhà đầu tư đề xuất từ lâu, thậm chí, Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 được Sumitomo đề xuất từ 11 năm trước. Sau hơn một thập kỷ kiên trì chờ đợi và chuẩn bị, dự án nhiệt điện than có công suất 1.320 MW này cuối cùng đã có được giấy chứng nhận đầu tư, để dự kiến khởi công xây dựng vào đầu năm tới.

Điều quan trọng, với dự án này, các nhà đầu tư Nhật Bản lại một lần nữa vượt Hàn Quốc để trở thành nhà đầu tư đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng qua.

Quả thực, 11 tháng qua, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đánh dấu sự trở lại rất ấn tượng bằng một loạt dự án quy mô lớn. Ngoài Nhiệt điện Vân Phong 1, các nhà đầu tư Nhật Bản còn đăng ký đầu tư 2 dự án tỷ USD khác vào Việt Nam, là Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, vốn đăng ký 2,79 tỷ USD và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD.

Đã từ rất lâu, các nhà đầu tư Nhật Bản mới có các dự án tỷ USD đăng ký vào Việt Nam. Đó là một cú hích quan trọng để họ trở lại với vị trí quán quân. Trong 11 tháng qua, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,94 tỷ USD, trong khi Hàn Quốc đứng thứ hai, với 8,18 tỷ USD.

Hiệu ứng APEC

Có một thông tin được Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh công bố tại phiên họp báo kết thúc Tuần lễ Cấp cao APEC, diễn ra tại Đà Nẵng hồi đầu tháng 11/2017, đó là, bên lề Tuần lễ, đã có 121 thỏa thuận với trị giá hơn 20 tỷ USD được ký kết giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới với các doanh nghiệp Việt Nam.

Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 cũng đã được trao giấy chứng nhận đầu tư trong dịp này. Ngoài ra, một loạt thỏa thuận khác đã được ký giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chẳng hạn, Biên bản Hợp tác về lĩnh vực năng lượng giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản; Hợp đồng Nhà máy Nhiệt điện than Nghi Sơn 2; Hợp đồng mua bán điện ký tắt của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Mitsubishi; trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án thành lập Khoa chăm sóc sức khỏe theo công nghệ Nhật Bản tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án khí tự nhiên hóa lỏng giữa Tập đoàn Mitsui Bussan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tổng giá trị của các thỏa thuận này lên tới 5 tỷ USD.

Thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng năm 2017
2.293 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 19,8 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016;
1.100 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2016.
4.535 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn 5,29 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã ký một loạt thỏa thuận thương mại, với tổng trị giá lên tới 12 tỷ USD, bao gồm các biên bản ghi nhớ về Hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay Pratt & Whitney PW1100G-JM trị giá khoảng 1,5 tỷ USD; Dự án Kho cảng khí đốt hóa lỏng tự nhiên Sơn Mỹ trị giá khoảng 1,3 tỷ USD; Hợp tác cung cấp khí đốt hóa lỏng tự nhiên và đầu tư thượng nguồn...

APEC là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút đầu tư. Con số hơn 33 tỷ USD đăng ký vào Việt Nam trong 11 tháng qua và sự xuất hiện của hàng loạt đại gia tên tuổi trên toàn cầu tại Tuần lễ Cấp cao APEC đang thổi những luồng sinh khí mới vào đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong 11 tháng, đã có 33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, trong đó riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tới 27,8 tỷ USD - một con số rất đáng ghi nhận. Vốn giải ngân trong 11 tháng đạt trên 16 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu thế vẫn đang lên, và nhiều khả năng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục tăng mạnh, tạo đà cho sự bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm tới.

Hiệu ứng từ APEC, từ các thỏa thuận đã ký kết trị giá lên tới 20 tỷ USD sẽ là chất xúc tác quan trọng để năm 2018, Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài.

Tăng chóng mặt, FDI vào Việt Nam đã đạt trên 33 tỷ USD
11 tháng qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt trên 33 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kỷ lục tiếp tục được thiết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư