Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
"TPP mới" không có Mỹ cũng vẫn mang lại nhiều lợi ích
Nhã Nam - 18/11/2017 18:33
 
Một TPP không có Mỹ đang được khởi động đàm phán, nhưng đại biểu Quốc hội lo lắng thiếu Mỹ thì tương lai của hiệp định này sẽ ra sao. Giải tỏa nỗi lo này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, TPP với tên gọi mới (CPTPP) không có Mỹ vẫn mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

CPTPP không có Mỹ vẫn mang lại nhiều lợi ích

Phát biểu tại Quốc hội chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng nhắc lại việc Việt Nam đã tổ chức thành công APEC 2017. “APEC đã gây ấn tượng mạnh mẽ về Việt Nam chúng ta. Chúng ta đã tổ chức hết sức chu đáo. Chính phủ làm hết sức mình để APEC thành công”, Thủ tướng nói.

Một trong những thành công của APEC 2017, đó là các Bộ trưởng Thương mại các nền kinh tế thành viên APEC đã thống nhất đi đến một TPP không có Mỹ, đổi tên gọi mới của TPP thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là một thành công lớn.

Tuy nhiên, chất vấn Thủ tướng, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) bày tỏ băn khoăn một TPP không có Mỹ sẽ mang lại lợi ích gì cho kinh tế Việt Nam, bởi trước đây tham gia TPP, Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường rộng lớn của Mỹ.

.
.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Chính trị đã xem xét kiến nghị của Chính phủ và đồng ý Việt Nam thảo luận ở cấp Bộ trưởng Thương mại các nền kinh tế tham gia về TPP với 11 đối tác.

Theo Thủ tướng, Mỹ là nền kinh tế lớn, nhưng Australia, Nhật Bản, Mexico cũng là những nền kinh tế lớn mà Việt Nam cần thâm nhập. Thông qua đó, Việt Nam vẫn giải quyết được các vấn đề việc làm, xuất khẩu.

“Mỹ là thị trường lớn nên sẽ có lợi hơn, nhưng không có Mỹ vẫn sẽ vẫn có lợi”, Thủ tướng nêu rõ và cho biết, Việt Nam quyết tâm cùng các thành viên tiếp tục nỗ lực sớm triển khai Hiệp định CPTPP trên tinh thần cân bằng lợi ích, bảo vệ lợi ích quốc gia lên trên hết trong quá trình đàm phán.

Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam đặt CPTPP cùng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cũng như các FTA khác, ví dụ FTA với EU, Hàn Quốc… là những hiệp định quan trọng thúc đẩy hội nhập sâu rộng của Việt Nam, từ đó mở ra không gian mới cho nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư.

Với riêng thị trường Mỹ, Thủ tướng cho biết, Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) nếu được thúc đẩy cũng sẽ tạo điều kiện để Việt - Mỹ thúc đẩy hợp tác kinh tế trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

FDI đóng vai trò quan trọng với kinh tế Việt Nam

Một trong những nội dung quan trọng khác được đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đó là thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“Đây là vấn đề tôi rất tâm huyết”, Thủ tướng khẳng định và cho biết, năm nay, Việt Nam sẽ tổng kết 30 năm thu hút FDI và kết quả trong thời gian qua cho thấy, FDI đã đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, giải quyết việc làm, chuyển giao công nghệ và quản lý, đặc biệt góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước. 

Thủ tướng cũng đã nhắc đến nhiều mô hình quản lý, sản xuất - kinh doanh tốt của các doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp FDI bước đầu đã kết hợp được với các doanh nghiệp trong nước, ví dụ Intel (TP.HCM), Texhong (Quảng Ninh)…, thu hút nhiều lao động, chế độ phúc lợi tốt.

“Chúng ta không thể nói một chiều rằng FDI không hay, mà chính FDI đã đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, bên cạnh những tiến bộ, FDI còn một số tồn tại phải xử lý. Đó là công nghệ còn ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá, trốn thuế, vi phạm môi trường trong một số doanh nghiệp FDI.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng khẳng định, quan điểm là xử lý nghiêm và trong thời gian tới, cần phát triển mạnh mẽ FDI trên cơ sở tái cơ cấu FDI.

Cụ thể, theo Thủ tướng, tới đây phải “cần cái gì thì kêu gọi đầu tư”, chứ không phải là kêu gọi đầu tư mọi thứ và kêu gọi đầu tư bằng bất cứ giá nào.

Thủ tướng cũng mong muốn và kêu gọi các bộ, ngành, địa phương cần triển khai mạnh mẽ hơn việc kết hợp giữa FDI và doanh nghiệp trong nước”.

“Hai chủ thể phải cùng phát triển, cùng có lợi”, Thủ tướng khẳng định.

Quốc hội Chất vấn và trả lời chất vấn: Không để những “món nợ” khó trả
Hôm qua, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Như thông lệ, đã có những câu hỏi được đặt ra và tương ứng là những câu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư