Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Uber rút lui, ứng dụng gọi xe Việt “bung lụa”
Hữu Tuấn - 17/04/2018 09:24
 
Ngay sau khi ứng dụng công nghệ gọi xe Uber sáp nhập Grab, nhiều ứng dụng gọi xe Việt Nam đã ra mắt thị trường với kỳ vọng chiếm thị phần của Uber để lại.

“Ủ mưu” 3 năm, tung ra sau 3 tuần

Chỉ khoảng 3 tuần sau khi Uber rời khỏi thị trường, sáp nhập vào Grab, một ứng dụng mới mang tên Fastgo sẽ chính thức trình làng vào ngày 1/5/2018. Fastgo là một sản phẩm ứng dụng gọi xe do Mpos âm thầm xây dựng và phát triển từ 3 năm nay. Giải pháp này được xây dựng cho một tập đoàn taxi lớn ở Indonesia và hãng Taxi Open99 Việt Nam. Hệ thống giúp công ty taxi truyền thống bỏ hoàn toàn bộ đàm, báo cáo, quản lý xe, linh hoạt trong hình thức thanh toán. 

.
.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc Mpos cho biết, Fastgo sẽ liên kết tất cả các hãng với hệ thống thanh toán và ứng dụng, đồng thời cũng cho phép các xe tư nhân tham gia. Fastgo không thu phí chiết khấu với xe, chỉ thu một phần nhỏ phí tham gia. Về phía khách hàng đi Fastgo sẽ có giá luôn rẻ hơn thị trường taxi truyền thống và cả Grab, được bảo hiểm hành trình và được thanh toán thấu chi (đi trước, trả tiền sau).

Nhìn vào thông báo tuyển dụng của Fastgo như tuyển Giám đốc vận hành, Giám đốc Kinh doanh ở Hà Nội và TP.HCM có thể thấy, Fastgo sẽ thâm nhập thị trường 2 thành phố này trước, sau đó mới phát triển ra các địa phương khác.

Hiện Fastgo chưa tiết lộ nhiều về chiến lược, nhưng với kinh nghiệm phát triển ứng dụng 3 năm, với lợi thế công nghệ, tích hợp với lợi thế thanh toán và đặc biệt, với sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược đã từng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp xuất sắc (Unicorn) của thế giới, rất có thể Fasgo sẽ “làm nên chuyện”.

Bạo tay chi 100 triệu USD cho ứng dụng gọi xe

Cũng ngay sau khi Uber tuyên bố rút lui khỏi thị trường, Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (Futabus Lines) tuyên bố rót 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ đồng) để đầu tư vào lĩnh vực gọi xe công nghệ qua phần mềm với tham vọng lấp khoảng trống trước mắt tại thị trường Việt Nam. 

Theo đó, Phương Trang sẽ đầu tư 100 triệu USD vào ứng dụng Vivu và đổi tên ứng dụng này thành VATO. Nền tảng của VATO là ứng dụng Vivu ra mắt lần đầu vào tháng 3/2016, với tên gọi FaceCar, do ông Trần Thành Nam sáng lập. Sau một năm ra mắt, FaceCar đổi tên thành Vivu, nhưng không được quảng bá rộng rãi và ít được biết đến. Ông Nam và các cộng sự vẫn đang hoàn thiện ứng dụng này. 

Bản nâng cấp VATO sau khi Phương Trang đầu tư không đơn thuần chỉ là ứng dụng gọi xe, mà tích hợp nhiều chức năng đi kèm, tạo thành một hệ sinh thái các ứng dụng, bao gồm thanh toán, gọi điện thoại, vận tải, giao hàng… Để thu hút người dùng, cũng như Uber và Grab những ngày đầu ra mắt, VATO không giấu ý định dốc tiền cho các hoạt động khuyến mãi dành cho hành khách lẫn tài xế.

Theo đánh giá của khách hàng, Vivu có hạn chế số lượng xe, nhưng có lợi thế là cho phép người dùng mặc cả với lái xe (với giá tối thiểu Vivu đưa ra), để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi. Hiện giá cước của VATO ở mức 8.500 đồng/km, tương tự GrabCar, nhưng chiết khấu với tài xế chỉ 20% (mức cao nhất Grab áp dụng với tài xế là gần 30%). 

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Phương Trang, doanh nghiệp này đã để ý thị trường ứng dụng gọi xe từ 3 năm nay và đã đi những bước chuẩn bị như xây dựng nền tảng dữ liệu khách hàng, xây dựng chiến lược rồi mới triển khai mua lại ứng dụng Vivu và đổi tên thành VATO, để tạo một hệ sinh thái thương mại điện tử. Đây chưa phải là số tiền quá lớn và việc đầu tư không chỉ dừng ở con số này nếu VATO phát triển tốt.

Khởi đầu cuộc cạnh tranh mới

Cùng với Fastgo, VATO, nhiều ứng dụng gọi xe Việt cũng chớp thời cơ, đẩy mạnh đầu tư, quảng bá hòng “chia lại miếng bánh ngọt”. Mới đây, Skysoft vừa ra mắt thị trường ứng dụng gọi xe mới có tên là Xelo, hay như DiDi Việt Nam ra mắt ứng dụng gọi xe DiDi Việt Nam vào ngày 16/4 

Nhiều ứng dụng gọi xe Việt chớp thời cơ, đẩy mạnh đầu tư, quảng bá nhằm “chia lại miếng bánh ngọt” mà Uber để lại.

Ông Nguyễn Trường Giang, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe Xelo cho rằng, nếu các ứng dụng Việt được phát triển bài bản, hỗ trợ khách hàng tối đa, có chế độ tốt thì có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, thay thế cho sự vắng mặt của Uber.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận xét, việc Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber, là ví dụ rất sinh động các doanh nghiệp ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình. Điều này tạo cảm hứng và niềm tin tốt đẹp cho doanh nghiệp Việt.

“Tất nhiên, không có cơ hội nào không bao hàm thách thức. Nhưng tôi cho rằng, cơ hội hiện nay rõ rệt hơn. Câu chuyện của Grab thực sự cổ vũ cho sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam trong việc chinh phục thị trường nội, thậm chí có thể vươn ra các quốc gia khác”, ông Hùng nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải  (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng: “Nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp với sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng. Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, người dân mong muốn sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng gọi xe. Thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn thì người dân càng được hưởng lợi”.

Ứng dụng gọi xe tại Việt Nam: “Cựu binh” ngã ngựa, “tân binh” thế chỗ
Thị trường Việt Nam sẽ có nhiều xáo trộn lớn, khi ứng dụng gọi xe Uber rút lui, bán lại cho Grab và ứng dụng Go-Jek “thế chỗ”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư