Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Hệ lụy nguy hiểm từ sử dụng bóng cười
N.D - 07/09/2023 07:37
 
Thời gian qua, tình trạng mua bán, sử dụng bóng cười có chứa khí N2O vẫn tiếp diễn tại các địa phương. Đáng lo ngại hơn khi nhiều trường hợp sử dụng bóng cười phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Hiểm nguy đến tính mạng

Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận nam thanh niên (19 tuổi, ở Hà Nội) đến khám do hay quên, bồn chồn, lo lắng, run tay. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết, hơn một năm nay hút bóng cười, cần sa và thuốc lá điện tử. Gần đây, bệnh nhân thấy mệt mỏi, run tay chân, bồn chồn, lo lắng, hay quên, giảm tập trung, giảm các sở thích, khó ngủ, hay cáu gắt, thường xuyên có xung đột với mọi người xung quanh, ăn uống kém ngon miệng... Qua thăm khám cho bệnh nhân, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi.

Mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân 15 tuổi bị tổn thương tủy cổ, tê yếu tay chân do ngộ độc khí N20 sau thời gian sử dụng bóng cười dài ngày.

Cụ thể, bệnh nhân Vũ T. L. A. (15 tuổi, trú tại Quảng Ninh) đến khám tại phòng khám Nội 3, Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng tê bì hai tay, hai chân tê bì, yếu dần, đi lại khó khăn, sụt cân nhiều.

Trước đó, người bệnh đã sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 10 quả.

Kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có hình ảnh tổn thương sừng sau tủy cổ. Căn cứ vào thăm khám lân sàng, cận lâm sàng, kết hợp khai thác thông tin người bệnh, bác sĩ chẩn đoán bệnh do ngộ độc khí N20.

Còn tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do sử dụng bóng cười. Điển hình là trường hợp một nam thanh niên nhập viện trong tình trạng bị liệt tứ chi, tổn thương nghiêm trọng tủy sống, hệ thần kinh sau hơn 2 năm sử dụng bóng cười. Theo các bác sĩ, liệu trình điều trị đối với bệnh nhân này có thể phải kéo dài hàng tháng và để lại nhiều di chứng về sau.

Đáng báo động là, trong những năm gần đây, số trường hợp nhập viện vì bóng cười ngày càng gia tăng. TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, khoảng gần 10 năm trở lại đây, Trung tâm bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc khí N20. Hầu hết các trường hợp là do các bạn trẻ sử dụng bóng cười.

Tính đến nay, theo bác sĩ Nguyên, cơ sở đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm bệnh nhân bị ngộ độc khí N2O. Theo các chuyên gia, việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não.

Siết chặt sử dụng

Thực tế cho thấy, tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí… của một số địa phương có tình trạng mua bán, sử dụng "bóng cười" có chứa khí N2O, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, đồng thời gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, trong đó nêu rõ, N2O là một phụ gia thực phẩm có chức năng làm chất khí đẩy, tạo bọt, chất khí bao gói, chống oxy hóa. Chất này được phép sử dụng trong một số loại thực phẩm, như sữa lên men, cream, quả tươi gọt vỏ hoặc cắt miếng, mì ống, mì sợi… (quy định này phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex).

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm nói chung và khí N2O nói riêng phải tự công bố sản phẩm tại cơ quan quản lý an toàn thực phẩm địa phương và phải đảm bảo yêu cầu đối với phụ gia thực phẩm…

Tuy nhiên, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O trong vui chơi, giải trí (sử dụng bóng cười) đang diễn ra ngày càng nhiều. Khi hít khí này vào cơ thể, nó có khả năng kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo ra cảm giác lâng lâng và gây cười sảng khoái. Việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn về khí sắc, trí nhớ, giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch...

Đặc biệt, sử dụng bóng cười chứa khí N2O rất nguy hiểm khi dùng chung với một số ma túy khác, làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.

Để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an ninh, an toàn cho xã hội, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O đúng theo quy định của pháp luật.

Theo đó, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O; tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O.

Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy định, nguyên tắc sử dụng phụ gia thực phẩm, không được lạm dụng, sử dụng sai mục đích; phải tuân thủ khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí N2O làm phụ gia thực phẩm. Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.n

Cần sa, thuốc lá điện tử, bóng cười... để lại hậu quả khôn lường đến sức khỏe giới trẻ
Nhiều người trẻ sử dụng cần sa, hút thuốc lá điện tử, hít bóng cười..., để lại hệ lụy khôn lường về trí tuệ, tinh thần và sức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư