Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Năm học mới với nhiều bộn bề về giáo viên và chương trình mới
D.Ngân - 03/09/2023 07:02
 
Có thể nói, năm học 2023 - 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện, Chương trình được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học và đã đi được hơn nửa chặng đường. Năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Năm học 2023 - 2024, những việc ngành Giáo dục phải làm phía trước còn rất nhiều và thách thức.

Tiếp tục lộ trình này, năm học 2023 - 2024, khối lượng công việc ngành cần thực hiện sẽ rất lớn, bao gồm: Vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các lớp đã triển khai; triển khai mới với lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.

Trong đó, chuẩn bị sách giáo khoa cho lớp cuối cấp với yêu cầu, đòi hỏi lượng công việc nhiều hơn nữa.

Phạm vi đổi mới rộng, lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn, năm học 2023 - 2024 đòi hỏi sự quan tâm, tập trung cao độ để hoàn thành công việc, tạo đà hoàn thành lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Nói về năm học có ý nghĩa quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, trong đó thiếu giáo viên là vấn đề chủ đạo.

Theo đó, áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống (thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở), một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc, xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do...

Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10 nghìn người. Tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt, giao cho Chính phủ bố trí hơn 27 nghìn biên chế/tổng số hơn 65 nghìn biên chế giáo viên, bù đắp được phần nào nhu cầu tuyển dụng.

Tuy nhiên, so với số lượng còn thiếu thì con số này vẫn khiêm tốn, chưa giải quyết được căn bản tình trạng thiếu giáo viên.

Do đó, quan trọng nhất là làm sao có đủ giáo viên; làm sao để thầy cô thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới.

Do vậy theo người đứng đầu ngành Giáo dục, trong thời gian tới sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn…

Bộ sẽ tăng cường hướng dẫn và nghiên cứu, có điều chỉnh phù hợp để thầy cô giảm bớt khó khăn, đặc biệt ở những môn học tích hợp cấp THCS.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo ráo riết hơn nữa đối với các trường đại học sư phạm trong đào tạo nguồn giáo viên để đủ nguồn tuyển;

Điều chỉnh Nghị định 116 để tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm.

Đồng thời đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng giáo viên mầm non theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ, đặt ra yêu cầu đến năm 2030 thầy cô phải đạt chuẩn.

Đó cũng được coi là biện pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt cho môn Tin học, Ngoại ngữ.

Một số công việc quan trọng khác mà Bộ đang triển khai như phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học; đề xuất thêm chính sách để các tỉnh khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó khăn có thể thu hút, tuyển được giáo viên; đề nghị không giảm biên chế giáo viên một cách cơ học…

Ngoài vấn đề đội ngũ, một khó khăn lớn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học.

Thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, kiến tạo chính sách, chỉ đạo sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm; còn chuẩn bị các điều kiện và triển khai thì địa phương có vai trò rất quan trọng.

Thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị với các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cần đặc biệt quan tâm điều kiện triển khai đổi mới.

Trong các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như chương trình dự án khác, ngành Giáo dục tăng cường việc kiên cố hóa trường học, chăm lo việc xây nhà ở công vụ cho giáo viên, đặc biệt ở các điểm trường, cắm bản, vùng khó.

Sau cùng, người đứng đầu ngành Giáo dục nói rằng, có lẽ cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và trình Chính phủ, Quốc hội các phương án tăng cường điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục.

"Nếu không có những điều kiện tối thiểu như đủ giáo viên, trường lớp; trường lớp được kiên cố, khang trang; đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa; đủ nhà vệ sinh cho trường học; đủ trang thiết bị cho giáo dục; đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động… thì chúng ta có nỗ lực cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.

Nhiều kiến nghị của giáo viên được gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư