Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 06 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 22/5: Điều trị nhiệt kịp thời, tránh biến chứng sức khỏe
D.Ngân - 22/05/2024 10:19
 
Viêm loét miệng, hay còn gọi là nhiệt miệng, là những ổ loét nông, nhỏ trên bề mặt niêm mạc khoang miệng, lưỡi, nướu... gây đau rát.

Điều trị sớm khi bị nhiệt miệng

Chị N.L.P. (30 tuổi, Đồng Nai) đến khám tại bệnh viện với nhiều vết lở ở miệng, lưỡi. Chị tự mua thuốc điều trị 2 tuần bằng thuốc kháng sinh liều cao kèm vitamin, bôi thuốc nhưng những vết lở vẫn không hết. Chị ăn uống, sinh hoạt khó khăn, sụt cân.

Viêm loét miệng, hay còn gọi là nhiệt miệng, là những ổ loét nông, nhỏ trên bề mặt niêm mạc khoang miệng, lưỡi, nướu... gây đau rát.

Người bệnh thấy một năm nay, tình trạng này diễn ra thường xuyên, bệnh ngày càng nặng, vết loét ngày càng lâu lành, chị lo lắng có vấn đề ung thư hay bệnh nguy hiểm khác nên đi khám.

Ông T.T.N. (75 tuổi, TP.HCM) xuất hiện những vết lở ở vùng môi, bôi thuốc thì bớt bệnh nhưng 7-10 ngày lại tái phát. Ông N. thường xuyên uống rượu, ít ăn rau xanh, trái cây. Gần đây, những vết lở xuất hiện khắp miệng họng, ăn uống không được, đau nhiều, tái phát liên tục nên đến bệnh viện khám.

Sau khi khám lâm sàng và nội soi họng các bác sĩ cho biết chị P. và ông N. bị viêm loét niêm mạc miệng, được điều trị nội khoa và tái khám để theo dõi.

Bác sĩ kê đơn thuốc chống viêm, vitamin, súc họng và các loại thuốc bôi có thành phần thuốc giảm đau, chống viêm và hình thành lớp màng bảo vệ viêm loét nhiệt miệng.

Chuyên gia tư vấn người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung rau xanh, trái cây, vitamin. Tái khám sau 1-2 tuần, người bệnh cải thiện tình trạng bệnh, không còn những vết lở.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chủ yếu người bệnh có chế độ ăn uống không khoa học, thiếu rau xanh, ít ăn trái cây, thường xuyên stress, uống không đủ nước, uống nhiều rượu bia, ăn đồ cay nóng nên bệnh tái phát liên tục.

Có trường hợp người bệnh nói uống thuốc lâu nhưng không bớt, đến khi bác sĩ xem loại thuốc thì không đúng loại thuốc điều trị viêm loét miệng.

Viêm loét miệng, hay còn gọi là nhiệt miệng, là những ổ loét nông, nhỏ trên bề mặt niêm mạc khoang miệng, lưỡi, nướu... gây đau rát.

Viêm loét miệng có thể do nhiều nguyên nhân thường gặp như tổn thương có sẵn ở miệng kết hợp với các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, thay đổi nội tiết tố, thiếu hụt chất dinh dưỡng (vitamin B12, kẽm, axit folic, sắt), sức đề kháng suy giảm,…

Các tổn thương ở khoang miệng còn có thể do sử dụng bàn chải đánh răng to hoặc quá cứng, hoặc do vô ý cắn vào niêm mạc miệng, lưỡi.

Nhiệt miệng khiến cho việc ăn uống khó khăn song vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Việc bỏ bữa càng làm suy giảm sức đề kháng khiến bệnh lâu bớt hoặc bớt bệnh rồi lại tái phát.

Những ngày đầu, khi đau nhiều người bệnh có thể bôi thuốc có thành phần giảm đau hoặc uống thuốc giảm đau trước khi ăn 10-15 phút.

Để hạn chế bệnh tái phát, người bệnh nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo các nhóm dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm giảm viêm (sữa chua); thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (sữa, các loại hạt, rau lá xanh, trái cây…); thức ăn mềm, lỏng, ít gia vị; cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng hằng ngày, kiểm soát căng thẳng.

Người bệnh cần hạn chế ăn các loại trái cây nhiều axit như chanh, mận xanh,…; thực phẩm cay, nóng, quá khô hoặc quá cứng; cà phê, nước ngọt; thức ăn nhiều dầu mỡ.

Trong một số trường hợp vết loét ở lưỡi thường xuyên, kéo dài, không dứt và có dấu hiệu khiến bác sĩ nghi ngờ ung thư thì người bệnh phải thực hiện một số xét nghiệm. Nhiều trường hợp ung thư lưỡi nhưng tưởng bị nhiệt miệng vì dấu hiệu của bệnh dễ nhầm lẫn với nhau.

Nếu dấu hiệu của nhiệt miệng là các vết loét nông ở lưỡi, môi, lợi hay má trong, thường dễ tái tạo và làm lành tổn thương thì ung thư lưỡi bắt đầu bằng những vết loét kéo dài ở khoang miệng, đặc biệt là lưỡi; sau đó phát triển thành các ổ loét kích thước to, tổn thương nặng, chai cứng, dễ bị chảy máu khi có va chạm nhẹ, không đáp ứng điều trị.

Ung thư lưỡi có thể điều trị với tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm. Việc phát hiện càng sớm, điều trị càng sớm, kết quả mang lại càng cao.

Qua các ca bệnh trên, các sĩ khuyến cáo, nếu có những dấu hiệu bất thường, các vết loét ở vùng khoang miệng điều trị không dứt với mức độ ngày càng nặng, người bệnh nên đi khám sớm, tầm soát ung thư để chẩn đoán bệnh, điều trị hiệu quả.

Cấp cứu thành công sản phụ bị thuyên tắc mạch ối

Sản phụ đột ngột ngừng tim, co giật, mất ý thức do thuyên tắc mạch ối sau khi sinh con lần thứ 4 đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cứu sống kỳ tích. 

Sản phụ Nguyễn T.L, 35 tuổi nhập viện sinh con lần 4, thai IVF 36 tuần 4 ngày với tiền sử 3 lần đẻ mổ. Trước khi mổ lấy thai, sản phụ có sức khỏe và các dấu hiệu sinh tồn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi Ths chuyên khoa II Trần Ngọc Đính, Trưởng khoa D5 vừa mổ đón bé trai chào đời thì sản phụ đột ngột ngừng tim, co giật, mất ý thức.

Ngay lập tức, ê-kíp các bác sĩ gây mê hồi sức đã tập trung ép tim, cấp cứu đặt nội khí quản, thở máy, làm ngay huyết áp động mạch xâm lấn, đặt huyết áp tĩnh mạch trung tâm bằng catheter 3 nòng, hội chẩn Ban Giám đốc để xử trí sản khoa.

Đồng thời, ê-kíp cũng lấy máu xét nghiệm lấy máu tĩnh mạch trung tâm để tìm tế bào ối, làm xét nghiệm đông máu thì cho kết quả bệnh nhân rối loạn đông máu rất nặng dù bệnh nhân không mất máu nhiều.

TS.Mai Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện ngay tức khắc có mặt tại phòng mổ để trực tiếp chỉ đạo. Sau khi cấp cứu ép tim 5 phút, tim sản phụ đã đập lại. Bệnh viện mời hội chẩn GS-TS.Nguyễn Quốc Kính, Phó chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

GS.Kính trực tiếp đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chỉ đạo khám và hội chẩn bệnh nhân. Giáo sư đề nghị siêu âm tim ngay trên bàn mổ đưa ra chỉ định điều trị và nghĩ tới hướng bệnh nhân bị thuyên tắc mạch ối.

Bệnh nhân sau khi cắt tử cung bán phần để cầm máu cộng với sự nỗ lực hồi sức tích cực cho bệnh nhân từ các bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện, có những lúc phải dùng đến các loại thuốc vận mạch liều cao và truyền 6,4 lít máu, các chế phẩm máu thì dần dần các thông số của bệnh nhân trở lại ổn định.

Theo PGS-TS.Nguyễn Đức Lam, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức tự nguyện, sau khi được hồi sức tim phổi thành công, huyết áp của sản phụ vẫn còn rất thấp, phải duy trì thuốc vận mạch liều cao và băng huyết sau sinh do rối loạn đông máu.

Sau 3 tiếng dốc hết sức để cấp cứu người bệnh tạm thời ổn định. Hai tiếng sau khi phẫu thuật kết thúc, mạch, huyết áp của bệnh nhân ổn định, Bệnh viện đã liên hệ chuyển bệnh nhân đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Một ngày sau bệnh nhân đã được rút nội khí quản và tỉnh táo hoàn toàn, mạch huyết áp ổn định. Sau 2 ngày, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Tim mạch để kiểm tra thêm.

Được biết, trong 10 ngày liên tiếp, các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản đã cấp cứu thành công, cứu sống 2 sản phụ nghi thuyên tắc mạch ối.

Xử phạt thần y chữa bệnh bằng… nước lã
UBND huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội đã xử phạt hành vi quảng cáo thuốc chữa bệnh của ông Nguyễn Tiến Nam (số nhà 47, thôn Đìa, xã Bình Minh, huyện Thanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư