Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 27 tháng 06 năm 2024,
Cụ ông vượt qua 2 bệnh ung thư một cách kỳ diệu
D.Ngân - 20/06/2024 15:06
 
Ông V. (81 tuổi, Hà Nội) mắc 2 ung thư nguyên phát trong vòng 4 năm. Trải qua nhiều đợt điều trị bao gồm phẫu thuật và truyền hóa chất, người bệnh phục hồi ngoạn mục.

Trường hợp của ông Vượng, tuy tuổi cao nhưng người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám định kỳ giúp bác sĩ kịp thời phát hiện và xử lý triệt để tổn thương ác tính. Người bệnh giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ là yếu tố quan trọng giúp đẩy lùi hai bệnh ung thư.

Tỷ lệ mắc bệnh đa ung thư nguyên phát có xu hướng ngày càng tăng.

Năm 2021, ông Vượng bị ung thư dạ dày giai đoạn 3 (giai đoạn muộn), được các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi triệt căn cắt rộng dạ dày và vét hạch D2. Người bệnh tiếp tục truyền thêm các đợt hóa chất bổ trợ sau phẫu thuật giúp ổn định sức khỏe.

Tháng 5/2024, qua nội soi đường tiêu hóa, bác sĩ phát hiện ông có khối u ở trực tràng, kích thước khoảng 5 x 6 cm, bề mặt sần sùi, chưa thấy xâm lấn ra thanh mạc.

Xung quanh có vài hạch nhỏ kích thước khoảng 0,5 - 1 cm. Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô tuyến xâm nhập, biệt hóa vừa, đánh giá là ung thư đại tràng Sigma - trực tràng giai đoạn III-b.

Căn cứ vào tiêu chuẩn và kết quả giải phẫu bệnh lý cho thấy bệnh nhân thuộc nhóm đa ung thư nguyên phát loại tuần tự.

Đa ung thư nguyên phát là tình trạng một cá nhân mắc nhiều bệnh ung thư ở cùng một cơ quan hoặc một cơ quan khác nhưng không bao gồm các trường hợp di căn của bệnh ung thư nguyên phát ban đầu.

Ba tiêu chí cần có để mô tả đa nguyên phát: mỗi khối u phải khác biệt với nhau, mỗi khối u phải có những đặc điểm rõ ràng của bệnh ác tính, phải loại trừ khả năng cái này là di căn của cái khác.

Theo PGS-TS.Triệu Triều Dương, Giám đốc chuyên môn Ngoại khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, việc chẩn đoán xác định đa ung thư nguyên phát, phân biệt với ung thư di căn là điều quan trọng đối với thầy thuốc và người bệnh, từ đó sẽ xác định lựa chọn chiến thuật điều trị phù hợp.

Nhìn chung, tiên lượng điều trị của đa ung thư nguyên phát tương đối tốt. Trường hợp của bệnh nhân Vượng, sau hội chẩn liên khoa, bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi triệt căn cắt đoạn Sigma - trực tràng.

Sau đó nạo vét hạch gốc mạch mạc treo tràng dưới, lấy hết tổ chức mạch treo trực tràng qua nếp phúc mạc.

Bác sĩ mở nhỏ thành bụng vùng rốn và đưa đoạn đại tràng đã cắt ra ngoài, đồng thời nối đoạn đại tràng xuống với trực tràng bằng máy nối tròn.

Hai lần thực hiện cắt dạ dày và sigma - trực tràng có vét hạch triệt căn điều trị ung thư dạ dày và đại tràng được PGS.Dương thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi ít xâm lấn với kỹ thuật hiện đại.

Người bệnh tuổi cao, mắc nhiều bệnh đồng thời như huyết áp cao, phì đại tuyến tiền liệt, bàng quang tăng hoạt, rối loạn tiểu tiện…

Bác sĩ kiểm soát và đánh giá toàn diện sức khỏe, đưa ra phương án phẫu thuật nội soi giảm tối đa các biến chứng hậu phẫu, giúp người bệnh nhanh hồi phục.

Theo PGS.Dương, đây là phương pháp phẫu thuật nội soi triệt căn trên bệnh nhân đa ung thư nguyên phát loại tuần tự được thực hiện ở hai cơ quan là dạ dày và đại tràng cách nhau 4 năm.

Cả hai loại ung thư này đều được tuân thủ kỹ thuật mổ và điều trị theo hướng dẫn của NCCN - điều trị đa mô thức có phẫu thuật triệt căn kết hợp hóa chất bổ trợ. Thực tế kết quả thu được, bệnh nhân đáp ứng rất tốt cả về hiệu quả và phục hồi chức năng sau phẫu thuật.

Theo PGS.Dương, nhiều trường hợp người bệnh khi biết mắc ung thư thứ 2 thường suy sụp tinh thần, lo lắng bất an, thậm chí dẫn đến khước từ điều trị đòi hỏi bác sĩ cần quan tâm, thuyết phục người bệnh, tạo sự đồng thuận giúp việc điều trị thuận lợi.

Trường hợp bệnh nhân Vượng cùng người thân luôn giữ sự bình tĩnh để tiếp nhận thông tin về bệnh, tin tưởng vào thầy thuốc, hỏi kỹ về tiên lượng bệnh để phối hợp với bác sĩ, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Hiệp hội Ung thư Bắc Mỹ chia đa ung thư nguyên phát thành 2 nhóm: Nhóm nhiều loại ung thư nguyên phát xảy ra tại một thời điểm (Synchronous) khi các u nguyên phát được chẩn đoán đồng thời hoặc trong vòng 6 tháng; nhóm các loại ung thư xuất hiện tuần tự (Metachronous), khi thời gian chẩn đoán muộn hơn.

Tỷ lệ mắc bệnh thay đổi từ 2,4% đến 8% và lên tới 17% trong vòng 20 năm qua. Nhóm tuổi 50-64 có tỷ lệ mắc hai loại ung thư trở lên chiếm 35 - 46%.

Nhóm dưới 18 tuổi có tỷ lệ mắc hai loại ung thư trở lên thấp nhất: 4,18%. Nữ giới có tỷ lệ mắc từ 2 bệnh ung thư trở lên (53,52%) cao hơn so với nam giới (47,48%).

Tỷ lệ mắc bệnh đa ung thư nguyên phát có xu hướng ngày càng tăng có thể do các kỹ thuật chẩn đoán được cải thiện, phương pháp điều trị tiên tiến giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ, nâng tỷ lệ sống sau 5 năm cao.

Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như môi trường, mức độ ô nhiễm, tính chất bệnh, đặc biệt là yếu tố di truyền…

Người hút thuốc lá nhiều năm nên tầm soát ung thư phổi
Ông Phong (53 tuổi, Hà Nội) cảm thấy đau tức ngực suốt hơn 1 năm không xác định rõ nguyên nhân, nhập viện do tràn dịch màng phổi, bác sĩ phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư