Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Tư lệnh ngành Giao thông nêu 4 bài học từ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Ninh Bình - Nghệ An
Anh Minh - 08/09/2023 14:03
 
Quá trình xây dựng 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 từ Ninh Bình đến Thanh Hóa vừa được đưa vào khai thác đã để lại cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhiều bài học, kinh nghiệm quý.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao thưởng cho các đơn vị có thành tích nổi bật khi t
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao thưởng cho các đơn vị có thành tích nổi bật khi thi công cao tốc Bắc Nam, đoạn Ninh Bình - Thanh Hoá.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị sơ kết thực hiện Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Ninh Bình - Nghệ An được tổ chức tại TP. Thanh Hoá vào sáng nay (8/9).

Những khó khăn chưa có tiền lệ

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 bao gồm gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km. Trong đó, có 8 dự án thành phần với được đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 3 dự án thành phần được đầu tư theo phương thức PPP.

Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến đầu tháng 9/2023, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 171,85 km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1 km, Ninh Bình 24,4 km, Thanh Hóa 98,8 km, Nghệ An 43,5 km).

Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2/2022; đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 đưa vào khai thác tháng 4/2023 và 2 đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023.

“Việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3 - 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ; giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 1; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hoá, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ”, ông Tiến cho biết.

Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ sau 3 năm, Bộ GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác 649 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến thời điểm hiện nay là 1.822 km. 

“Cao tốc Bắc - Nam kết nối với Thanh Hóa qua 7 nút giao. Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường kết nối cao tốc với các trung tâm kinh tế có quy mô 4 – 6 làn xe. Đây là điều kiện để các địa phương có tuyến đường đi qua có một lực đẩy quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đồng thời nghiên cứu mở ra những không gian phát triển mới”, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết.

Cũng như các dự án khác triển khai thời gian vừa qua, để 4 dự án cao tốc đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An khánh thành, thông xe đúng chỉ đạo của Chính phủ, sớm đưa các tuyến đường cao tốc vào phục vụ nhân dân, Bộ GTVT và các đơn vị thi công đã phải vượt qua nhiều thách thức, trong đó có những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Đặc biệt, đối với dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, trong quá trình triển khai thi công, bên cạnh những thuận lợi, đã có những thời điểm gặp không ít khó khăn.

Khó khăn lớn đầu tiên là cả 4 dự án thành phần đều triển khai trong giai đoạn cả nước tập trung phòng chống đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường; Khó khăn lớn thứ hai là các dự án đi qua khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, nền đất yếu đòi hỏi phải theo dõi, điều chỉnh kịp thời về thiết kế kỹ thuật để đảm bảo chất lượng.

Khó khăn thứ ba là giá nhiên liệu, vật liệu có thời điểm tăng cao đột biến, đặc biệt là giá thép, giá xăng dầu trong khi cơ chế điều chỉnh giá trong giai đoạn đầu chưa tiệm cận với thực tế đã khiến các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.

Khó khăn lớn thứ tư là sự khan hiếm, thiếu hụt về việc khai thác, cung ứng nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đất đắp nền đường.

Khó khăn lớn thứ năm là thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ khiến nhiều thời điểm không thể thi công…

"Những khó khăn này gần như đến cùng một thời điểm thực sự là thử thách chưa từng có tiền lệ đối với các đơn vị thi công chúng tôi", ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc VINACONEX cho biết.

Các công nhân tranh thủ thời tiết nắng ráo thi công giữa trưa để thảm bê tông nhựa tại Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ảnh chụp vào tháng 2/2023).
Các công nhân tranh thủ thời tiết nắng ráo để thảm bê tông nhựa cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ảnh chụp vào tháng 2/2023).

Vượt nắng, thắng mưa

Đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ dự án, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp, tháo gỡ khó khăn; đã ban hành nhiều Nghị quyết với cơ chế đặc thù để giải quyết vướng mắc, khó khăn về nguồn vật liệu. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, vượt qua mọi khó khăn, giải quyết dứt điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. 

“Đây là những nền tảng quan trọng giúp các đơn vị thi công từng bước vượt qua khó khăn, kịp đưa tiến độ các dự án trở lại quỹ đạo dự kiến”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.

Đối với ngành GTVT, việc hoàn thành các Dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng đã trở thành danh dự, trách nhiệm của ngành trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Từ Bộ trưởng đến các Thứ trưởng, các cơ quan trực thuộc, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư/nhà thầu thi công vào đã thực sự vào cuộc quyết tâm, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm để phân bổ nguồn lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra”. 

Bộ GTVT cũng đã phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai 3 ca 4 kíp, thi công xuyên Lễ, xuyên Tết.

Với tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, lan toả sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Ban quản lý Dự án đã tập trung giải quyết nhanh những thủ tục liên quan cho nhà thầu; nhanh nhạy, linh hoạt trong việc áp dụng mọi cơ chế giải ngân nhằm hỗ trợ, duy trì năng lực tài chính cho các nhà thầu tăng tốc thi công; bên cạnh đó, các Ban quản lý Dự án đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ từng khâu, từng thủ tục đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, sai phạm; kiểm soát nghiêm chất lượng thi công của nhà thầu.

Các đơn vị tư vấn đã bám sát hiện trường, luôn có cán bộ thường trực giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công, đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán, kịp thời xử lý ngay những điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật nếu có. Các nhà thầu đã vượt qua những khó khăn chưa từng có như đã nêu trên, linh hoạt điều chỉnh tiến độ thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính… tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ, bù lại phần khối lượng bị chậm và thực hiện đúng với cam kết thi đua về tiến độ hoàn thành gói thầu, đảm bảo hoàn thành Dự án đúng tiến độ yêu cầu; tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.

Nắng đủ thì thi công bê tông nhựa, mưa nhiều chuyển sang làm cầu, cống, hộ lan, biển báo. Thời tiết có thể bất lợi nhưng sản lượng không thể không lũy tiến.

“Tinh thần ấy, khí thế ấy, giải pháp linh hoạt ấy đã tạo nên đột phá ấn tượng tại các công trường”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, quá trình triển khai 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Ninh Bình - Nghệ An cũng để lại cho ngành GTVT những bài học kinh nghiệm quý.

Một là, cần bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách giải quyết theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện.

Hai là, công tác giải phóng mặt bằng luôn là đường găng của các dự án. Do vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng “xôi đỗ” gây khó khăn trong quá trình thi công; cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của người dân bị ảnh hưởng, nhanh chóng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.

Ba là, nhu cầu vật liệu đắp nền đường rất lớn, các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của Dự án; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.

Bốn là, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế, huy động đầy đủ nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị hiện đại, tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; chú trọng chăm lo quyền lợi chính đáng, đời sống tinh thần, động viên cổ vũ người lao động.

Đặc biệt là phải tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của Dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

“Từ những bài học, kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi công, Bộ GTVT đang huy động toàn lực để phấn đấu đến cuối năm 2025, sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau và cả nước sẽ có 3.000 km đường bộ cao tốc; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra”, Bộ trưởng Bộ GTVT chia sẻ.

4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa gồm: đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2 km, tổng mức đầu tư 1.607,4 tỷ đồng do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37 km, tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng do Ban quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư; đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43,28 km, tổng mức đầu tư 5.534,5 tỷ đồng do Ban quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, tổng mức đầu tư 7.293,2 tỷ đồng do Ban quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2/2022; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đưa vào khai thác tháng 4/2023 và 2 đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 01/9/2023.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư