Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 05 năm 2024,
Vì sao không nên biến sở thích cá nhân thành mô hình khởi nghiệp
Đức Thọ - 13/10/2023 08:11
 
Sở thích cá nhân được định nghĩa là những hoạt động tích cực ngoài công việc, đem đến niềm vui và sự thư giãn cho mỗi người. Nhưng khi sở thích cá nhân dính dáng đến tiền bạc, định nghĩa này sẽ thay đổi.

Nhiều doanh nhân khởi nghiệp thành công từ những sở thích cá nhân của mình, như mở nhà hàng dựa trên niềm đam mê với bếp núc, bán đồ thời trang dựa trên niềm đam mê quần áo, bán nước hoa vì yêu thích những mùi hương… Tuy nhiên, Jim Schleckser, tác giả cuốn sách “CEO vĩ đại là những người lười biếng” (Great CEOs are lazy) cho rằng, trước khi biến một sở thích cụ thể thành mô hình kinh doanh, mỗi cá nhân nên có cái nhìn thực tế về quá trình chuyển đổi này.

Theo Jim Schleckser, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một hiện tượng gọi là “hiệu ứng quá mức”, trong đó niềm vui từ một sở thích cụ thể sẽ giảm đi khi sở thích đó bắt đầu liên quan đến tiền bạc. Các nhà nghiên cứu chứng minh, một cá nhân kiếm tiền từ những hoạt động ban đầu họ yêu thích, nhiều khả năng sau này sẽ phải tiếp nhận cảm xúc tiêu cực.

Nguyên nhân là do kinh doanh không phải hành trình đơn giản. Trong quá trình kinh doanh, mỗi người chủ phải đảm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau và dễ rơi vào tình trạng stress. Sở thích họ từng làm vào lúc rảnh rỗi giờ biến thành những công việc bắt buộc thực hiện theo từng mốc “deadline”. Hay những kỹ năng trước giờ chỉ dùng để phục vụ bản thân, thì nay họ phải mang ra để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. Người kinh doanh cũng luôn phải đối phó với sự cạnh tranh từ đối thủ và trong nhiều trường hợp, lời chê bai của khách hàng sẽ làm họ nản lòng.

“Tất nhiên, nhiều người biến sở thích cá nhân thành cơ hội tuyệt vời để kiếm thêm tiền. Nhưng tôi khuyên bạn không nên quyết định vội vàng. Khi đánh giá quá trình chuyển đổi này, bạn hãy cân nhắc tất cả những nhược điểm tiềm ẩn trên con đường bạn sắp đi”, Jim Schleckser nói.

Vị chuyên gia tiết lộ, mình từng là một cựu cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp ở châu Âu trong suốt 15 năm. Khi 6 tuổi, ông tiếp cận bóng rổ như một môn thể thao đơn thuần để giải trí và có thời gian ở bên cạnh bạn bè. Sau này, sở thích chơi bóng rổ biến thành công việc đầy áp lực và trách nhiệm, đến mức vào thời điểm giải nghệ, Jim Schleckser không thể nhớ nổi cảm giác bản thân đã từng vui vẻ thế nào khi được đứng trên đấu trường.

Jim Schleckser nhấn mạnh, ông chia sẻ câu chuyện của mình không phải để ngăn cản bất cứ ai theo đuổi đam mê nghề nghiệp, mà chỉ muốn nói đến tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng trong cuộc sống. Bởi khi biến sở thích thành kế sinh nhai, một cá nhân có nguy cơ đánh mất niềm vui đơn thuần ban đầu mà họ tìm thấy từ những hoạt động đó.

“Có những sở thích chỉ nên là sở thích, nơi bạn tìm thấy một không gian để nạp năng lượng, để khám phá và được là chính mình. Rồi bạn sẽ nhận ra giá trị lớn lao khi giữ cho mình một không gian không bị ràng buộc bởi trách nhiệm, nghĩa vụ và tiền bạc”, vị chuyên gia nhắn nhủ.

Nở rộ xu hướng bỏ phố về quê để khởi nghiệp du lịch
Tận dụng không khí trong lành và nguồn tài nguyên bản địa phong phú, nhiều người trẻ đã mạnh dạn về quê để khởi nghiệp các mô hình du...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư