CTCK Vietcombank (VCBS)

CTCP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (mã NTP) là một doanh nghiệp dẫn đầu ngành nhựa với tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng năm rất tốt, dòng tiền kinh doanh đều đặn và sức khỏe tài chính vững mạnh.

Câu chuyện hiện tại của NTP xoay quanh vấn đề bảo vệ và mở rộng thị phần trước các đối thủ cạnh tranh. Có thể nhận thấy chiến lược của NTP và đối thủ lớn nhất BMP khác nhau khá rõ khi BMP tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận nhiều hơn. NTP đã giảm thiểu hóa rủi ro cạnh tranh bằng cách chuyển sang chiến lược mới tập trung vào mảng ống cấp nước dùng cho các công trình với tỷ lệ tăng trưởng cao hơn ống nhựa dân dụng.

Chúng tôi đánh giá đây là một bước đi quan trọng và phù hợp với triển vọng ngành nhựa hiện nay. Tuy nhiên, NTP cũng có một số rủi ro nhất định như (1) biến động giá nguyên liệu đầu vào, (2) tỷ lệ chiết khấu và thưởng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận và (3) rủi ro tỷ giá.

Về câu chuyện thoái vốn của SCIC, chúng tôi cho rằng khả năng cao SCIC sẽ khó thoái hết trong 1 lần do nhiều lý do, trong đó, cần cân nhắc những động thái của cổ đông người Thái là The Nawaplastic Industries với tỷ lệ sở hữu 23,8%. Tuy vậy, với những thông tin từ việc thoái vốn này, giá cổ phiếu NTP đã tăng mạnh 62% kể từ đầu năm.

Với EPS năm 2017 đạt 4.723 đồng/cổ phiếu và PE forward 2017 của NTP đạt 17, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cho cổ phiếu NTP.

2. Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BMI

CTCK MB (MBS)

Công ty cổ phần Bảo Minh - BMI là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bảo hiểm. Công ty có triển vọng tăng trưởng nhờ mảng bảo hiểm cho xe cơ giới khi số lượng tiêu thụ ô tô trong nước ngày càng tăng, cùng với đó là sự chú ý tới bảo hiểm của người dân cũng tăng cao. Hiện tại công ty đang chuyển hướng sang các khoản đầu tư mạo hiểm và có xuất sinh lời cao hơn. 

Bảo Minh đang thực hiện tái cơ  cấu danh mục đầu tư, xử lý các hoạt động đầu tư không hiệu quả, và ghi nhận lãi từ một số các khoản đầu tư dài hạn. Công ty cũng đã tái cơ cấu khi rút vốn hoàn toàn khỏi Chứng khoán Bảo Minh với việc bán toàn bộ 21 triệu cổ phiếu cho một cá nhân. Chúng tôi đánh giá điều này khiến hoạt động chính của Công ty chuyên sâu và hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong 2016, và giúp giảm gánh nặng trích lập dự phòng trong các năm tới.

Cổ đông lớn nhất của BMI là SCIC với 50,7% cổ phần. Hiện nay BMI là một trong những doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC, vì vậy đang được nhiều nhà đầu tư chú ý. Dự kiến BMI sẽ được thoái vốn vào đầu năm 2017.

Trong quý III/2016, BMI đạt 686,4 tỷ đồng doanh thu kinh doanh bảo hiểm, tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ đạt 49 tỷ đồng. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng nhẹ 5% lên 664,6 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng gấp 5 lần cùng kỳ ở mức 40,2 tỷ đồng.

Kết thúc quý III, lãi trước thuế của Công ty đạt 23,3 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế đạt gần 20 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của ban lãnh đạo, sự tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đến chủ yếu từ sự gia tăng doanh thu thuần trong khi chi phí bồi thường sụt giảm.

Lũy kế 9 tháng, BMI ghi nhận 1897,5 tỷ đồng doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt 59% kế hoạch. Lãi trước thuế 122,6 tỷ đồng, tăng 9,5%, thực hiện 81% kế hoạch.

Với kết quả kinh doanh khởi sắc và triển vọng khả quan của công ty trong thời gian tới, chúng tôi dự phóng giá hợp lý trong năm 2016 của BMI ở mức 31.000 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu tại vùng giá hiện tại với mức sinh lời kỳ vọng 15%.

3. Khuyến nghị mua trung và dài hạn cổ phiếu DBC

CTCK Vietcombank (VCBS)

Với kế hoạch phát triển dài hạn chúng tôi đánh giá CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) là một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt và bài bản. Trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng với tốc độ đầu tư mở rộng sản xuất như dự kiến, DBC sẽ bắt kịp quy mô chăn nuôi sản xuất ngang tầm với các công ty FDI trong nước nói riêng, cũng như các công ty trong khu vực Việt Nam ký kết hợp tác thương mại tự do nói chung trước khi các hiệp định này có hiệu lực.

Theo đó, EPS forward 2016 của DBC sẽ ở mức 7.067 đồng/CP, tương đương với mức P/E là 5,38 lần. Nếu loại bỏ phần lợi nhuận đột biến từ Khu công nghiệp Quế Võ 3, EPS forward 2016 của DBC được chúng tôi dự báo ở mức 3.589 đồng/CP, cao hơn mức EPS 2015 pha loãng theo số lượng cổ phiếu lưu hành của 2016 là 3.358 đồng/CP.

EPS forward 2017 của DBC sẽ ở mức 5.523 đồng/CP, tương đương với mức P/E là 6,88 lần. Đây là mức P/E này được đánh giá là khá hấp dẫn cho một doanh nghiệp đang tăng trưởng như DBC. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu DBC cho trung và dài hạn.