Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
4 cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/10
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/10 của các công ty chứng khoán.

1. DPM: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 8,1 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Chúng tôi ước tính tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 của DPM đạt khoảng 7.480 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối canh giá phân ure chưa cải thiện, giá phân ure thế giới giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm 2015, mức tăng của doanh thu chủ yếu nhờ sản lượng phân bón kinh doanh tăng lên. Bên cạnh đó, ước tính biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2015 cải thiện mạnh, tăng lên mức 33,6%, tăng 8 điểm phần trăm so với 9 tháng đầu năm 2014.

Nguyên nhân do giá dầu giảm mạnh đã làm giá khí gas đầu vào (chiếm 55% chi phí sản xuất của phân ure) giảm theo. Giá dầu WTI và Brent trung bình 9 tháng đầu năm 2015 giảm lần lượt 48,8% và 47,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 51 USD/thùng và 56,2 USD/thùng.

Theo đó, giá dầu FO trung bình 9 tháng đầu năm 2015 cũng giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 315 USD/mt. Ước tính giá khí gas trung bình trong 9 tháng đầu năm 2015 giảm còn 4,5 USD/mmBTU từ mức 7,4 USD/mmBTU cùng kỳ. Với các chi phí khác biến động không đáng kể, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 kỳ vọng đạt khoảng 1.183 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù giá dầu WTI và Brent có tăng trở lại từ đầu tháng 10 nhưng chúng tôi cho rằng mức tăng này trong ngắn hạn. Trong quý III/2015, giá dầu FO trung bình tiếp tục giảm 26% so với quý II/2015 và giảm 55% so với cùng kỳ 2014.

Theo đó, chúng tôi điều chỉnh dự báo giá khí gas trung bình cả năm 2015 của DPM xuống còn 4,5 USD/mmBTU, giảm khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 2015 ước đạt 1.521 tỷ đồng, tăng 39% so với năm ngoái trong khi doanh thu 2015 dự báo giảm 4% so với năm ngoái, đạt khoảng 9.208 tỷ đồng do giá phân bán ure giảm. EPS 2015 ước đạt 4.005 đồng/CP, PE dự phóng 2015 là 8,1 lần, thấp hơn so với trung bình ngành 10 lần. Mức cổ tức 2015 của DPM là 2.500 đồng/CP, tương đương lợi tức cổ suất 7,7%, cao hơn mức lãi suất ngân hàng.

2. C47: PE khá hấp dẫn, ở mức 6,2x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2015 thông qua cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt 18%/mệnh giá, ngày 12/10/2015 HĐQT CTCP Xây dựng 47 (Mã CK: C47) đã ra nghị quyết về việc thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt. Theo đó, ngày chốt quyền hưởng cổ tức là ngày 30/10/2015 và ngày thực hiện thanh toán là ngày 10/11/2015.

Như chúng tôi đã đề cập trước đó, C47 là cổ phiếu có lợi suất cổ tức cao, phù hợp với các nhà đầu tư ưa chuộng cổ tức cao. Với mức giá giao dịch hiện nay, lợi suất cổ tức tiền mặt đạt 11,3%. Tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt của công ty các năm trước đều duy trì ở mức cao và ĐHCĐ vừa qua cũng nhất trí duy trì tỷ lệ cổ tức 15-20% cho năm 2015.

Trong 6 tháng 2015, công ty ghi nhận doanh thu thuần 662,8 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 11,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,4% so với cùng kỳ. So với kế hoạch SXKD năm 2015 với doanh thu 1.200 tỷ đồng, tăng 18,8% và lợi nhuận sau thuế 32 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm trước, C47 đã hoàn thành 55% mục tiêu doanh thu và 37% mục tiêu lợi nhuận. Lưu ý, theo chu kỳ hoạt động của các công ty xây dựng nói riêng và C47 nói riêng, KQKD thường được tập trung ghi nhận trong các tháng cuối năm.

Với KQKD đạt được trong 6 tháng 2015, EPS bốn quý gần nhất đạt 2.588 đồng/CP. Định giá theo P/E của C47 cũng khá hấp dẫn với P/E bốn quý gần nhất 6,2x.

3. JVC: Có khả năng thực hiện kế hoạch mua cổ phiếu quỹ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

JVC vừa công bố nghị quyết HĐQT ngày 12/10/2015 về việc dự kiến mua lại 5.625.035 cổ phiếu (tương đương khoảng 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) làm cổ phiếu quỹ, theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Cổ phiếu JVC đóng cửa ở mức giá 4.800 đồng trong phiên giao dịch hôm nay (13/10/2015) với khối lượng dư mua trần gần 38.000 cổ phiếu.

JVC cho biết mục đích mua cổ phiếu quỹ là để bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường. Giá cổ phiếu này đã giảm hơn 71% tính từ đầu năm đến nay.

Nguồn vốn để thực hiện là các quỹ và thặng dư vốn cổ phần. Theo báo cáo tài chính quý I/2015 (cho kỳ kế toán từ 01/04 đến 30/06/2015), tổng số dư khoản mục thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển của JVC là hơn 421 tỷ đồng, số dư tiền và tương đương tiền hơn 66,4 tỷ đồng. Giả sử với mức giá đóng cửa hôm nay, JVC cần khoảng 27 tỷ đồng để mua lại lượng cổ phiếu như dự kiến. Như vậy, xét về năng lực tài chính, JVC có khả năng thực hiện kế hoạch mua cổ phiếu quỹ này. Do vậy, khả năng điều này sẽ giúp tâm lý thị trường đối với cổ phiếu JVC trở nên tích cực hơn trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, cần lưu ý là việc mua cổ phiếu quỹ mới chỉ đang là quyết định của HĐQT, trong trường hợp công ty triển khai kế hoạch này, JVC sẽ cần được Uỷ ban Chứng khoán thông qua. Ngoài ra, vẫn chưa có những thông tin chi tiết về thời gian thực hiện cũng như mức giá dự kiến mua. Do vậy, chúng tôi chưa thể đánh giá cụ thể tác động của việc này đến giá cổ phiếu của JVC. Nhắc lại, nghị quyết HĐQT hôm 21/06/2015 của JVC ngoài việc bổ nhiệm chủ tịch HĐQT và giám đốc mới cũng có thông qua chủ trương mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, công ty đã không triển khai thực hiện sau đó.

Tuy nhiên, công ty đã không triển khai thực hiện sau đó. Kết quả kinh doanh quý I/2015 thấp với doanh thu giảm 57,2% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 81,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý I/2015 chỉ đạt vỏn vẹn 2,1 tỷ đồng, giảm mạnh 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

4. VSC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi ước tính VSC có khả năng đạt 221 tỷ đồng doanh thu và 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng trưởng 5% và 6% so với cùng kỳ năm 2014 mặc dù yếu tố thời vụ quý III là quý thấp điểm đối với các doanh nghiệp cảng biển.

VSC có thể đạt 946 tỷ đồng doanh thu và 273 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 6% và 10% so với năm 2014, nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng tích cực và hoạt động của kho CFS mới hiệu quả hơn. Năm 2015, sự tăng trưởng của VSC sẽ đến từ hoạt động khai thác 2 kho CFS hiệu quả hơn và hoạt động khai thác cảng - dù đã đạt công suất toàn dụng - vẫn có sự tăng trưởng nhờ các yếu tố thuận lợi về nhu cầu xuất nhập khẩu của khối FDI và sự trở lại của hàng container lạnh. Với mức giá hiện tại, P/E 2015 của VSC hiện ở mức 7,8 lần, tương đối rẻ nếu so với P/E bình quân ngành cảng biển.

Về dài hạn, VSC đã giải quyết được bài toàn công suất cảng bằng việc hợp tác với VIP xây dựng Cảng VIP Greenport (VGP) tại khu vực Cảng Đình Vũ. VSC hiện tại sở hữu 65% cổ phần tại VGP và vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để nâng tỷ lệ sở hữu và thoái còn 50% tại cảng mới. Cảng mới sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ trung tuần tháng 11/2015 và đóng góp cho sự tăng trưởng của VSC từ năm 2016 với hiệu suất khai thác 60% cho năm đầu tiên hoạt động. Sự phát triển của cảng mới sẽ tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới cho VSC.

Do đó, chúng tôi đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu VSC với giá kỳ vọng 69.700 đồng/cổ phần.

In Tài chính chuẩn bị IPO 9,4 triệu cổ phần
Ngày 26/10/2015, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng đối với hơn 9.448.300 cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư