Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
4 cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/3
 
Đầu tư CK trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 31/3 của các công ty chứng khoán.

1. HBC: Xem xét mua vào trong ngắn hạn

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Giá HBC của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình đang rơi về vùng hỗ trợ mạnh 18.3-18.6, vùng có sự hiện diện của đường MA200 và các mức đỉnh/đáy cũ được xác lập vào tháng 06, 07, 10/2015 và giai đoạn từ tháng 11 đến 12/2015.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy có chuyển biến tích cực, khi giá đang tiếp cận trở về vùng hỗ trợ mạnh. Do đó, mức độ bật tăng trở lại của giá HBC có thể chưa quá xa.

Giá HBC đã hình thành mẫu hình Head and Shoulders, mặc dù khối lượng giao dịch không đột biến trong phiên phá vỡ đường Neckline. Bên cạnh đó, xu hướng tăng trong giai đoạn trước khi xác lập mẫu hình cũng không thật rõ nét. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng. Theo mục tiêu của mẫu hình, giá HBC có thể rơi về vùng giá quanh ngưỡng 16.

Kỳ vọng vào khả năng bật tăng trở lại khi chạm về vùng hỗ trợ mạnh, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào cho mục tiêu ngắn hạn khi giá HBC rơi về vùng 18.3-18.6. Vùng giá kỳ vọng là 19.6-19.7. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 18.

Nhà đầu tư trung hạn vẫn nên tiếp tục quan sát do vẫn cần thận trọng về hiệu ứng của mẫu hình Head and Shoulders. Trong trường hợp tích cực, giá HBC không điều chỉnh theo mục tiêu mẫu hình, nhà đầu tư trung hạn có thể xem xét tham gia khi giá HBC vượt lên trên đường MA100 hiện đang ở quanh ngưỡng 19.6-19.7.

 

2. VHC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Năm 2015, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) đạt doanh thu thuần 6.495,5 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế 320,6 tỷ đồng, giảm 30,7% so với năm trước và hoàn thành 100,2% kế hoạch.

Động lực tăng trưởng doanh thu chủ yếu vẫn đến từ mảng kinh doanh chính của VHC là xuất khẩu cá tra đạt 5.295,1 tỷ đồng, tăng 2,9%  nhờ vào việc tăng trưởng doanh thu tại thị trường Mỹ tăng 9%. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 30,7% do trong năm 2014 VHC có khoản lợi nhuận 192,8 tỷ đồng từ việc bán công ty con là CTCP thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1. Chi phí tài chính cũng tăng mạnh 217% do lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh đến 160,6 tỷ đồng khi VHC vay USD để xây dựng nhà máy Vĩnh Hoàn 5 trong năm 2015.

Tăng trưởng doanh thu nhờ mở rộng thị trường sang Trung Quốc, HongKong và các nước châu Á khác cho đối tượng khách hàng chuộng sản phẩm chất lượng cao. Tỷ lệ tự chủ vùng nuôi cao giúp kiểm soát rủi ro khi giá nguyên liệu tăng đột biến do thiếu nguồn cung. Quy trình sản xuất khép kín từ con giống, thức ăn, nhà máy đến thành phẩm và cả phụ phẩm giúp VHC dễ dàng kiểm soát và nâng cấp nhà máy để đạt tiêu chuẩn đạo luật Farm Bill yêu cầu.

Trong khi đó, tình hình xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến năng suất cá tra dẫn đến khan hiếm nguồn cung và giá cá tra nguyên liệu tăng đột biến, doanh thu xuất khẩu cá tra chủ yếu đến từ thị trường Mỹ (61%) nhưng thị trường này liên tục đưa ra các quy định nghiêm ngặt và tốn kém nhiều chi phí cho việc xuất khẩu.

Năm 2016, dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế ước đạt lần lượt đạt 7.961 tỷ đồng và 329,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 3% so với năm trước, tương ứng với EPS và P/E forward đạt 3.592 đồng và 7,7 lần, mức hợp lý đối với ngành cá tra. Do đó VCBS khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu VHC.

 

3. BTP: Khuyến nghị nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Trong năm 2015, CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP - HSX) đã đạt kết quả kinh doanh tích cực. Tổng sản lượng điện sản xuất cả năm 2015 ước đạt khoảng 1.695 triệu kWh, tăng 12,5% so với cùng kỳ, và vượt kế hoạch 31,5%. Doanh thu đạt 1.832 tỷ đồng, giảm 12,8% so với cùng kỳ và vượt nhẹ mức kế hoạch năm. Mức giá bán điện bình quân trong năm 2015 đạt 1.120 đồng/kWh, giảm 22,4% so với cùng kỳ do mặt bằng giá khí vẫn ở mức thấp.

Lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 đạt 115,6 tỷ đồng, gấp đôi mức kế hoạch đặt ra là 58 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2014 do khoản lỗ lớn 122,9 tỷ đồng ghi nhận trong quý I/2015 chủ yếu do đánh giá lại khoản nợ bằng đồng KRW theo chế độ kế toán mới.

Với kết quả kinh doanh 2015 khả quan, ban lãnh đạo chia sẻ mức cổ tức của năm 2015 có thể tăng lên ít nhất là 10%, cao hơn so với mức kế hoạch 8% đề ra trước đó. Việc chi trả cổ tức sẽ được thực hiện trong quý II/2016, sau khi diến ra Đại hội cổ đông (dự kiến vào ngày 23/5/2016).

Kế hoạch sản lượng năm 2016 là 1.287 triệu kWh, tăng mạnh so với mức kế hoạch cũ đặt ra cuối năm 2015 là 900 triệu kWh do nhu cầu điện tăng năng cao với dự báo tình hình thủy văn tiếp tục diễn biến phức tạp. BTP chưa có ước tính cụ thể về giá bán điện trong năm nay, do đó chưa đưa ra thông tin về kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cụ thể. Ngoài ra, công ty có kế hoạch chi hơn 100 tỷ đồng để đại tu các tổ máy trong năm nay, dự kiến vào tháng 5 hoặc tháng 6 phụ thuộc nhu cầu lưới điện.

Cổ phiếu BTP đã tăng mạnh trong 3 tháng trở lại đây, với mức tăng giá gần 80% so với thời điểm chúng tôi phát hành báo cáo cập nhật vào ngày 21/12/2015. Với nhận định BTP là một cổ phiếu điện mang tính phòng thủ với hoạt động kinh doanh ổn định được EVN bảo lãnh mọi yếu tố bất lợi trong sản xuất kinh doanh, chúng tôi duy trì khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu BTP. BTP đóng cửa hôm nay ở mức 17.900 đồng/cổ phiếu và hiện đang giao dịch với mức P/E 2015 là 9,4 lần và P/B 2015 là 1,1 lần.

4. NTP: Cổ phiếu đáng chú ý trong trung và dài hạn

CTCK FPT (FPTS)

CTCP Nhựa Tiền Phong (NTP - sàn HNX) với những thuận lợi như việc NTP Miền Trung vẫn tiếp tục được miễn thuế đến cuối năm 2017 là điểm cực kỳ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quan tâm, nhất là khi doanh nghiệp có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô của nhà máy lên 25.000 tấn sản phẩm/năm.

Năm 2015, thu nhập không phải chịu thuế từ NTP Miền Trung chiếm 48% trên tổng lợi nhuận trước thuế, đóng góp vào kết quả chung hơn 50% lợi nhuận sau thuế. Có thể nhận thấy NTP đang cố gắng khai thác triệt để lợi thế này.

Nhận định giá dầu vẫn chưa thể tăng mạnh trở lại ngay được nên giá nguyên liệu đầu vào thấp vẫn là một lợi thế đối với NTP.

Việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm HDPE, PPR phục vụ các dự án, các khu đô thị đối với NTP cũng có lợi thế hơn so với các DN khác ở miền Bắc. Lý do vì thị phần nhựa xây dựng nói chung của NTP ở miền Bắc là hơn 60% cùng với kinh nghiệm lâu năm, các mối quan hệ sẵn có, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó NTP có thể sử dụng các nguồn vốn giá rẻ để mở rộng đầu tư cũng là một lợi thế.

Mặt khác, NTP đối mặt với những khó khăn việc phát triển các sản phẩm HDPE, PPR gặp nhiều đối thủ cạnh tranh. Về dòng sản phẩm PVC vẫn tiếp tục phải cạnh tranh với BMP ở phía Nam. Tuy NTP không giảm giá bán nhưng thay vào đó phải tăng chi phí chiết khấu để duy trì, tăng doanh thu và thị phần tại miền Bắc cũng như cả nước, làm cho chi phí bán hàng tăng mạnh. Điều này dẫn đến lợi nhuận trước thuế tăng khá ít so với tốc độ tăng của doanh thu thuần

Như vậy, NTP vẫn là cổ phiếu cơ bản đáng quan tâm trong trung và dài hạn.

Thị trường chứng khoán: Khối ngoại trở lại mua ròng trong quý II
Những nỗ lực tháo gỡ nút thắt trong vấn đề mở room cho nhà đầu tư nước ngoài từ phía các bộ, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích CTCK...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư