Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
ACB đã trích lập đầy đủ cho khoản tiền gửi 400 tỷ đồng tại CBBank chưa thu hồi được
Thùy Vinh - 23/04/2019 17:05
 
Ngày 23/4, ACB đã tiến hành ĐHCĐ thường niên 2019 để thông qua các chỉ tiêu kinh doanh. Mục tiêu lợi nhuận ACB đặt ra cho năm nay ở mức gần 7.300 tỷ đồng trước thuế. ACB vừa được NHNN cấp giấy chứng nhận hoàn tất Basel II và chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu để tăng vốn năm nay.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần 7.300 tỷ đồng

ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 15%, tín dụng tăng 13%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2% và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 7.279 tỷ đồng.

Năm 2019, ngân hàng dự kiến chia cổ tức 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Kết thúc quý đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn của ACB được ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 do nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Cụ thể, tín dụng ACB trong quý 1/2019 tăng 3% và huy động vốn tăng 2%. Lợi nhuận quý I của ACB đạt 1.670 tỷ đồng. Tháng 4/2019, cả tín dụng và huy động vốn đều tăng 1%.

ĐHĐCĐ ACB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5.823 tỷ đồng, chia cổ tức 30%. Tổng tài sản tăng 15%, tín dụng tăng 13% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Ngân hàng dự kiến duy trì ổn định tỷ lệ vay trung - dài hạn ở 50% nhằm đảm bảo thanh khoản và lịch trả nợ.

Hiện ACB đã tất toán hết toàn bộ trái phiếu của VAMC nên không còn áp lực lớn trong việc tăng trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, cổ đông ACB cũng không khỏi lo lắng về khoản tiền gửi 400 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (CBBank) trước đây khi nào sẽ thu hồi được?

Trả lời câu hỏi này của cổ đông, ông Đỗ Minh Toàn cho hay, khoản 400 tỷ đồng trên là ACB gửi tại CBBank vào năm 2012, được đảm bảo bằng 3 tài sản của ngân hàng này. Theo đánh giá của ban điều hành, hiện 3 tài sản có giá trị xấp xỉ 600 tỷ đồng.

ACB đã trích lập dự phòng theo quy định nên không có rủi ro tài chính. Vì thế, nếu sớm xử lý được nợ khoản nợ này sẽ hoàn nhập trích lập dự phòng. Tuy nhiên, ACB chưa biết khi nào xử lý được. Do đề án tái cơ cấu CBBank vẫn đang trong quá trình thực hiện.

ACB cũng cho hay, trong 6.388 tỷ đồng lợi nhuận đạt được của năm 2018, có khoảng 600 tỉ đồng là thu nhập bất thường từ việc xử lý các tài sản thế chấp nợ xấu liên quan đến bầu Kiên trước đó. Năm 2019, ACB tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro theo từng tháng, dự kiến trong chỉ tiêu lợi nhuận 7.279 tỷ đồng của năm này cũng có khoảng 600 tỷ đồng thu nhập bất thường từ việc xử lý nợ xấu.

Tăng vốn điều lệ lên 16.627 tỷ đồng

Cũng trong năm 2019, ngân hàng thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.741 tỷ đồng từ chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông cho cổ đông, tương đương phát hành tối đa thêm hơn 374 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, ACB dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.741 tỷ đồng từ chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông cho cổ đông, tương đương phát hành tối đa thêm hơn 374 triệu cổ phiếu. Tổng vốn điều lệ dự kiến tăng từ gần 12.886 tỷ lên tối đa 16.627 tỷ đồng.

Trên cơ sở khả năng hoàn thành kế hoạch hoạt động năm 2019 với lợi nhuận sau thuế dự kiến của tập đoàn đạt 5.823 tỷ đồng, HĐQT kiến nghị tăng mức thù lao và ngân sách của HĐQT và Ban Kiểm soát năm nay lên 0,6% lợi nhuận sau thuế, từ mức 0,5% hiện tại.

Ngoài ra, để tăng vốn cho hoạt động kinh doanh, HĐQT trình phương án bán cổ phiếu quỹ trong năm, với tổng số lượng dự kiến bán tối đa 6,222 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Hoàn tất Basel II trước hạn quy định

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc ACB đã hoàn thành việc áp chuẩn Bseal II, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, ACB là ngân hàng thứ 5 vừa được NHNN chấp thuận cho áp dụng chuẩn Basel II.

Theo đánh giá của HĐQT ACB, việc áp dụng chuẩn Basel II không ảnh hưởng gì đến tình hình hoạt động của ngân hàng, bởi tỷ lệ an toán vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng là 9%, cao hơn yêu cầu là 8%.

ACB cho biết, không có kế hoạch M&A và đang tập trung phát triển bền vững mạng lưới hiện tại.Chiến lược của ACB trong thời gian tới được HĐQT cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu nhập phi tín dụng ngày càng tăng so với các khoản cho vay và ACB.

ACB đặt mục tiêu thu nhập từ 3 mảng lớn tăng trong năm 2019, gồm bancassurance (tăng gấp 3 lần so với 2018), thẻ (tăng trưởng 40%), thu phí bảo lãnh, thanh toán nước ngoài… (tăng 30%).

Theo Tổng giám đốc ACB, mảng bán lẻ hiện đóng góp khoảng 60% thu nhập của ngân hàng và chiếm khoảng 50% tổng lợi nhuận Ngân hàng. Vì vậy, ACB đẩy mạnh đầu tư số hóa trong ngân hàng và cũng là xu thế tất yếu hiện nay.

Từ năm 2017, ACB bắt đầu đầu tư để số hóa một số quy trình. Việc tự động hóa đang được thực hiện từng bước, hiện có mảng thanh toán nước ngoài, quy trình cấp tín dụng đều đã được tự động hóa. Với mảng thanh toán nội địa, ngân hàng đang có chương tình nâng cấp mobile banking, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 5 - 6/2019.

Không có kế hoạch M&A và chuyển sàn

Về hệ sinh thái khách hàng, trong chiến lược 2019 - 2024 của ngân hàng, ACB chú trọng phát triển cơ sở khách hàng dựa vào các doanh nghiệp quy mô lớn, đồng thời phát triển thông qua bên thứ 3.

ACB đang hợp tác với các tổ chức thanh toán Momo, Moca, Epay... ACB định hướng đây là nhóm khách hàng tiềm năng trong tương lai bởi những đơn vị này đều có lượng khách hàng khá lớn.

Với chiến lược này, ACB đặt mục tiêu đưa khách hàng cơ sở gấp hơn 2 lần so với cuối năm 2017, trong đó khách hàng cá nhân là hơn 5 triệu người và khách hàng doanh nghiệp là 220.000 khách hàng.

ACB hiện có Công ty cho thuê tài chính ACB đóng góp một phần trong việc phát triển tín dụng tài chính thông qua việc cho thuê phương tiện cá nhân. Trong hoạt động của ngân hàng cũng có một phần cho phát triển tín dụng thẻ, tín dụng tiêu dùng tín chấp.

Lãnh đạo ACB cho biết, tổng quy mô tín dụng của ACB trong mảng tiêu dùng trong 2 năm qua tăng khoảng 5.000 tỷ đồng, với biên lợi nhuận tốt đạt khoảng 4 - 4,5% so với giá vốn của ACB.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về giá cổ phiếu của ACB đang thấp so với giá trị thực, Ngân hàng dự kiến sẽ làm gì để nâng giá cổ phiếu, ông Trần Hùng Huy cho hay, giá cổ phiếu của ACB là do định hướng của thị trường.

HĐQT sẽ tăng cường quan hệ với nhà đầu tư để họ thấy được giá trị thực của ACB. Tuy ACB không có kế hoạch chuyển sàn, song theo Chủ tịch HĐQT ACB, Ngân hàng sẽ thực hiện theo lộ trình của cơ quan quản lý sau khi thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Nói về thanh khoản của ACB trên HNX, con số này đang ở mức cao.

Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: ACB đang trở lại đúng quỹ đạo tăng trưởng
Ngày 10/4, đại hội cổ đông thường niên ACB đã diễn ra với sự tham gia của 440 cổ đông, đại diện cho 770.483.623 cổ phần, chiếm 78,15 % số cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư