Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
ADB: Thị trường trái phiếu Việt Nam giảm mạnh nhất khu vực Đông Á mới nổi
T.M - 25/03/2020 11:09
 
Nghiên cứu nhanh về thị trường trái phiếu một số nước Đông Á của ADB cho thấy, đại dịch Covid – 19 và sự bất ổn định kinh tế toàn cầu đang tác động mạnh mẽ tới các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của các nền kinh tế Đông Á mới nổi. Riêng tại Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ đồng loạt sụt giảm 3,9% - mức giảm mạnh nhất khu vực.

Trong báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á vừa được ADB phát hành, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Các thị trường tài chính trong khu vực đang cảm nhận gánh nặng từ tác động của đại dịch COVID-19, với dòng vốn đầu tư nước ngoài và các hoạt động trong lĩnh vực này giảm sút, cộng thêm với các vấn đề thương mại đang tiếp diễn. Những nỗ lực nhằm giảm tác động tiêu cực của đại dịch thông qua các gói kích thích kinh tế và biện pháp tiền tệ để hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp và thị trường tài chính bị ảnh hưởng cần được tiếp tục.”

Chưa có báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu quý I/2020, song báo cáo nhanh về thị trường trái phiếu quý IV/2019 của ADB cho thấy, xu hướng giảm đang khá rõ.

Cụ thể, ở Việt Nam, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam quý IV/2019 giảm 3,9% so với quý trước tính theo giá trị đồng nội tệ, chỉ còn 53,6 tỉ USD vào cuối tháng 12/2019. Sự sụt giảm này phần lớn là do tín phiếu ngân hàng trung ương ngắn hạn đã đến kỳ hạn thanh toán vào quý IV/2019. 

Thị trường trái phiếu chính phủ giảm 3,9% so với quý trước tính theo giá trị đồng nội tệ, xuống còn 49,2 tỉ USD vào cuối tháng 12/2019. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng giảm 4,9% so với quý trước tính theo giá trị đồng nội tệ, xuống còn 4,3 tỉ USD vào cuối năm 2019.

Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc; Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Xét toàn bộ khu vực  Đông Á mới nổi, tổng dư nợ trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường tính đến cuối quý IV/2019 vẫn tăng  2,4% so với cuối quý III/2019. Tuy nhiên, tổng giá trị phát hành trái phiếu của khu vực trong quý IV/2019 giảm tới 9,5% so với tháng 9 cùng năm.  

Tại khu vực Đông Á mới nổi, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của khu vực, chiếm 75,4% tổng giá trị thị trường với 12,1 nghìn tỉ USD vào cuối tháng 12 năm 2019. Trung Quốc đã có mức tăng trưởng theo quý cao nhất trong khu vực vào thời điểm cuối tháng 12/2019, ở mức 2,8% xét theo giá trị đồng nội tệ. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp  ở Trung Quốc tăng 4,1% so với quý trước xét theo giá trị đồng nội tệ. Thị trường trái phiếu chính phủ cũng tăng 5,0% so với quý trước xét theo giá trị đồng nội tệ.

Ngoài Việt Nam, thị trường trái phiếu nội tệ Philippines quý IV/2019 cũng giảm 0,8% so với quý trước. Thị trường trái phiếu Indonesia vẫn đạt mức tăng trưởng nhẹ (tăng 2,5% trong quý IV/2019). Tuy nhiên, đây là sự sụt giảm so với tỉ lệ tăng trưởng theo quý 5,2% trong quý III/2019. Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Thái Lan đã hồi phục trong quý IV/2019 với tỉ lệ tăng trưởng theo quý là 2,2% tính theo giá trị đồng nội tệ, so với mức giảm 0,7% trong Quý 3/2019.

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngân hàng trung ương một số quốc gia, khu vực tại Đông Á mới nổi đã cắt giảm lãi suất để giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, bao gồm Trung Quốc, Thái Lan,  Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam, Hong Kong. Trong tháng 3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất hai lần, đưa lãi suất xuống gần 0%, cùng với những biện pháp khác để hỗ trợ các thị trường tài chính.

ADB công bố hỗ trợ ban đầu 6,5 tỷ USD để ứng phó với đại dịch COVID-19
Trước mắt, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ hỗ trợ 6,5 tỷ USD để các quốc gia thành viên đang phát triển ứng phó với đại dịch COVID-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư