Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Aeon bắt tay nhà cung cấp Việt
Hồng Sơn - 10/08/2017 19:21
 
Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đang có nhiều động thái gắn kết, thắt chặt quan hệ với các doanh nghiệp, nhà cung cấp Việt Nam.
.
Các doanh nghiệp, nhà cung cấp Việt có cơ hội để đến với hệ thống Aeon với hàng ngàn cửa hàng tại Nhật Bản và các nước ASEAN

Mở rộng hợp tác trong nước

Thời gian gần đây, trong khi một số đại gia bán lẻ nước ngoài bị tố có nhiều “chiêu” làm khó doanh nghiệp (doanh nghiệp), nhà cung cấp Việt Nam trong việc đưa hàng vào siêu thị, như trường hợp Central Group (chủ sở hữu hệ thống BigC tại Việt Nam), thì một đại gia bán lẻ khác là Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) lại đa dạng các hình thức hợp tác, với nhiều động thái gắn kết hơn với các doanh nghiệp, nhà cung cấp tại Việt Nam.

Mới nhất, hồi tháng 3 năm nay, Aeon đã ký kết hợp tác với một doanh nghiệp trong nước là BIM Group về việc đầu tư Dự án AEON Mall tại quận Hà Đông (Hà Nội).

Trước đó, đại gia này liên tục “kết duyên” với các nhà bán lẻ Việt thông qua việc tăng quyền nắm giữ cổ phần hai hệ thống siêu thị của Việt Nam, gồm Citimart và Fivimart. Trong quan hệ hợp tác này, Aeon cung cấp sản phẩm thương hiệu TopValu do Aeon phát triển cho Citimart và Fivimart tiêu thụ. Bên cạnh đó, Aeon cũng hợp tác với hai đối tác để phát triển sản phẩm và củng cố, mở rộng hệ thống cung ứng, lưu thông...

Chia sẻ tại Diễn đàn Xuất khẩu 2017 vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, tính đến tháng 5/2017, tại Việt Nam có 4 trung tâm Aeon Mall, 26 cửa hàng Fivimart, 33 cửa hàng Citimart, 75 cửa hàng Ministop.

“Hiện có 1.675 nhà cung cấp Việt Nam đang là đối tác của hệ thống Aeon, trong đó, nhà cung cấp thực phẩm chiếm 61%, nhà cung cấp thời trang trẻ em, nội y… chiếm 19% và 20% là nhà cung cấp điện tử, đồ gia dụng”, ông Yasuo Nishitohge nói.

Cũng theo ông Yasuo Nishitohge, 81% sản phẩm bán tại hệ thống là các sản phẩm địa phương; 5% là sản phẩm nhập khẩu và 14% là sản phẩm nhượng quyền.

Hướng ra thị trường ngoài Việt Nam

Theo đại diện của Aeon, các doanh nghiệp, nhà cung cấp Việt Nam không chỉ có cơ hội đưa sản phẩm vào hệ thống của Tập đoàn ở trong nước, mà hoàn toàn có cơ hội để đến với hệ thống Aeon với hơn 14.000 cửa hàng trong khu vực châu Á, trong đó có hơn 11.000 cửa hàng tại Nhật Bản, hơn 2.000 cửa hàng tại các nước ASEAN.

Tất nhiên, các nhà cung cấp cũng phải đáp ứng các tiêu chí do Aeon đưa ra. Ngoài tiêu chuẩn chung, tùy vào từng nhóm sản phẩm mà có các tiêu chuẩn chất lượng khác nhau. Ví dụ đối với ngành may mặc, Aeon yêu cầu nhà cung cấp nghiêm ngặt thực hiện theo tiêu chuẩn, đồng thời thêm một số bước kiểm tra về độ bền màu, độ co giãn của sản phẩm, việc tuân thủ quy định về nhãn dán... Doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi cung ứng của Aeon phải vượt qua 2 cuộc kiểm tra về quy trình chất lượng. Sau đó, Aeon mới bắt đầu lựa chọn nhà cung cấp.

Trong khi đó, ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam nêu ra chuẩn mực “Một Aeon”. Nguyên tắc này dựa trên các vấn đề cơ bản là luôn hướng đến giảm thiểu chi phí, cải thiện chất lượng và tăng cường hiệu quả. Nhà cung cấp và nhà bán lẻ cần phải biết cách để gia tăng giá trị sản phẩm trong cùng một cơ sở vật chất.

“Chúng ta cần một thứ đặc biệt để làm hài lòng người bỏ tiển ra cho sản phẩm, dịch vụ của mình”, ông Yuichiro Shiotani nói về việc hợp tác để đưa sản phẩm Việt vào hệ thống của Aeon tại các nước khác.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đăng ký tham dự Diễn đàn xuất khẩu năm 2017
Với chủ đề “Nhận diện thị trường và quản trị rủi ro trong xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam”, Diễn đàn xuất khẩu năm 2017 quy tụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư