Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
TP.HCM
Ám ảnh từ những dòng kênh đen ngòm, ô nhiễm nặng
Gia Huy - 14/07/2017 15:38
 
TP.HCM với hơn 20.000 căn nhà ven kênh rạch, hầu hết rác thải sinh hoạt đều được xả thẳng xuống dòng nước, khiến mạng lưới kênh, rạch tại thành phố lớn nhất Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng. Trong khi đó, việc giải tỏa đang gặp không ít khó khăn.
.
Người dân sinh sống tại những khu vực này đa phần là người lao động nghèo

Nỗi thống khổ sống trên “cầu… tõm”

TP.HCM hiện có 67 tuyến kênh, rạch nằm tại quận Bình Thạnh và các quận 4, 6, 8, 11… với hàng chục ngàn nhà dân nằm san sát phía trên.

Các ngôi nhà ven kênh đều có chung đặc điểm: khoảng 1 đến 2 m phía trước bám vào đường, phía còn lại là cọc đóng trên kênh, sàn là gỗ và tường bằng bạt, gỗ. Mỗi căn nhà có một khu vực nhỏ quây lại làm nơi để tắm, rửa chén, rửa rau và đi… vệ sinh. Mọi chất thải sinh hoạt đều xả trực tiếp xuống dòng nước, khiến các con kênh luôn trong trạng thái đen ngòm và ô nhiễm nặng.

Bà Nguyễn Thị Ấn (quận 4) cho biết, trước đây, kênh Đôi, kênh Tẻ (chảy qua địa bàn quận 4, quận 7) rất sạch sẽ. Chỉ từ những năm 1990, khi người lao động các tỉnh về đây lập nhà sinh sống, từ vài gia đình, rồi thành phường và giờ cả tuyến kênh chật kín những nhà và dòng kênh đã biến thành nhà vệ sinh khổng lồ, “tra tấn” người dân cả vùng bởi mùi xú uế.

Bà Châu Bé Năm sống tại kênh Đôi (quận 8) chỉ căn nhà làm bằng gỗ tạp có tuổi đời hơn 20 năm, giờ đã cũ, mục cho biết: “Nhà tôi có 6 người, mọi sinh hoạt đều phải thải xuống dòng kênh này. Cũng thấy mất vệ sinh lắm, nhưng không thải trực tiếp xuống đây thì thải đi đâu? Mà ở riết rồi cũng quen”.

Trên con kênh Xuyên Tân (quận Bình Thạnh), hay các tuyến kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, Kênh Đôi, Ông Bé, Xóm Củi (quận 8)… đều chung cảnh tượng hàng ngàn căn nhà bám sát dòng kênh. Người dân sinh sống tại những khu vực này đa phần là người lao động nghèo, nên mong muốn cải thiện cuộc sống là quá xa vời.

Nỗ lực trong công tác di dời

Cuộc chiến nhằm chấm dứt cuộc sống mất vệ sinh ven kênh đã được TP.HCM vạch ra và thực hiện từ những năm 2003, nhưng tới nay, vẫn chưa thể giải tỏa được là bao, ngoại trừ dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp đô thị (UBND TP.HCM) cho biết, Thành phố đã rất nỗ lực di dời, tái định cư các gia đình sống ven kênh, song cái khó nhất là không đủ vốn, chính sách chưa hợp lý và ngay cả nơi ở mới cho dân cũng đang thiếu. Thành phố còn không dưới 20.000 hộ  cần phải di dời, trong đó có trường hợp đã đến nơi ở mới, nhưng lại quay về…

Bà Mặn sống trên kênh Tẻ cho biết, bà đã từng được di dời về khu tái định cư Vĩnh Lộc B (quận Bình Tân) hiện đại, sạch sẽ hơn. Nhưng ở gần một năm, cả nhà bà lại quay về sống trên kênh, vì ở chung cư bà không biết làm gì ra tiền…

Tại cuộc họp HĐND Thành phố mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố rất chia sẻ với những khó khăn của người dân tại nơi tái định cư. Nhiều năm qua, đã có một số dự án tái định cư được triển khai, nhưng người dân không ủng hộ, công trình bị bỏ không. Thành phố đang kêu gọi các doanh nghiệp cùng góp vốn theo hình thức PPP, đồng thời tăng giá đền bù cho dân và sẽ liên kết với các KCN, CCN để người dân về sinh sống có công ăn, việc làm.

Theo ông Phạm Văn Hùng, giảng viên Khoa Xây dựng (Đại học Bách khoa TP.HCM), việc di dời những ngôi nhà trên kênh là chủ trương đúng đắn của Thành phố. Nhưng để chủ trương này thu được kết quả, Thành phố cần những giải pháp cụ thể trong việc tạo ra công ăn, việc làm cho người dân tại nơi tái định cư..

Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại TP.HCM: Vẫn chỉ là… kế hoạch
UBND TP.HCM đã có chủ trương di dời 1.400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi Thành phố từ năm 2002, với mục tiêu hoàn thành vào năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư