Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
"Ẩn nấp" trong tín dụng tiêu dùng, vốn vào bất động sản vẫn bị siết
 
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng và tăng trưởng tín dụng bền vững, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.

Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng, nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2017, tín dụng dần chuyển dịch vào các lĩnh vực ưu tiên. Tăng trưởng tín dụng đến cuối năm đạt 18,17%, trong đó dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.

Trả lời báo chí tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành năm 2018 được tổ chức ở TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ tăng 8,56% so với năm trước và chiếm tỷ trọng 6,53% dư nợ nền kinh tế (tương đương khoảng 400.000 tỷ đồng). Tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng khoảng 7,43% và hiện chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng.

“So với các lĩnh vực khác, tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản chiếm tỷ lệ không cao, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ động yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ, kể cả tín dụng vào lĩnh vực tiêu dùng”, ông Hùng nói.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng bất động sản đang “ẩn nấp” trong tín dụng tiêu dùng. Số liệu của cơ quan này cho biết, năm 2017, tín dụng rót vào bất động sản chỉ chiếm 5,9% tổng dư nợ toàn hệ thống, giảm mạnh so với mức hơn 8% năm 2016. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng lại tăng rất mạnh, cao gấp 3 - 4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước. Đặc biệt, tín dụng mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5% và hiện chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.

Thực tế, hiện có nhiều dòng tiền đang chảy mạnh vào bất động sản. Điều này cho thấy sức hút rất lớn của thị trường này, nhưng cũng gây không ít lo ngại. Theo chuyên gia tài chính - kinh tế Đinh Thế Hiển, giai đoạn này, cần thúc đẩy dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh để tạo việc làm, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không nên dồn mạnh vào nhà đất.

Nếu ngân hàng tiếp tục cho phép tăng trưởng tín dụng tiêu dùng đổ vào bất động sản, một bộ phận giới đầu tư dưới chuẩn - tức là thay vì dựa trên nguồn vốn của mình để đầu tư bất động sản dài hạn thì lại dựa vào vốn vay ngân hàng, tạo ra bong bóng thị trường và hệ lụy từ đó với nền kinh tế và ngành ngân hàng rất nặng nề.

Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2018, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, dù có thuận lợi và thành tựu từ năm 2017, nhưng ngành ngân hàng vẫn đứng trước nhiều thách thức vì độ mở cửa của kinh tế Việt Nam khá lớn, cộng với các biến động trên thị trường quốc tế.

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, nỗ lực thực hiện Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về một số giải pháp xử lý nợ xấu. Về tín dụng, sẽ định hướng tăng trưởng quy mô 17%. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ “room” tín dụng xuống các ngân hàng thương mại. 

Nhìn lại chính sách tiền tệ năm 2017
Trong một hội nghị mới đây của NHNN với các định chế tài chính và TCTD nước ngoài hoạt động tại Việt Nam mới đây, nhiều ý kiến cho rằng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư