Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Áp lực đang bủa vây ngân hàng: Ám ảnh nợ xấu và lãi dự thu quay trở lại
Hà Tâm - 18/05/2021 08:12
 
Rất nhiều áp lực đang bủa vây ngân hàng trong bài toán kiểm soát nợ xấu và hạch toán lợi nhuận các quý tới.
Trong bối cảnh Covid-19 đang quay lại, các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng để tăng sức chống chịu trong tương lai

Cảnh báo nợ xấu quay lại

Covid-19 đang làm suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng, nợ xấu tăng lên rõ rệt. Ông Nguyễn Trọng Du, Phó chánh thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020, nợ xấu toàn hệ thống luôn được duy trì dưới 2%. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, từ tháng 8/2020, nợ xấu đã tăng lên trên 2%.

Trong văn bản vừa được gửi tới các tổ chức tín dụng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nêu rõ: “Qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động năm 2020, NHNN nhận thấy, một số tổ chức tín dụng có những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như: nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng so với cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn so với năm trước; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019…”.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, năm 2020, hơn 70% ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng. Xu hướng này chưa dừng lại trong quý I/2021, khi nợ xấu tuyệt đối không ngừng tăng cao.

Đáng chú ý nhất là nợ xấu của ACB tăng 60,5%, Vietcombank tăng 47,2%, MB tăng 28,8%, HDBank tăng 20,3%, NamABank tăng 19,2%, PGBank tăng 10,6%...

Tính đến ngày 31/3/2021, tổng dư nợ xấu của 26 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính là hơn 93.200 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2020. 

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB thừa nhận, rủi ro và chất lượng tài sản ở hoạt động cho vay năm 2021 là một câu hỏi rất lớn. “Chúng tôi kỳ vọng năm 2021 sẽ kiểm soát được nợ xấu dưới 1% theo Nghị quyết trình Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, thực tế thì nợ xấu diễn biến theo mức độ tác động của dịch bệnh và một số yếu tố tác động khách quan khác”, ông Hùng Huy cho biết.

Mặc dù tự tin có thể kiểm soát được nợ xấu, song ông Hùng Huy cũng tỏ ra lo ngại với khách hàng hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Được biết, dư nợ khách hàng cho vay lĩnh vực này tại ACB là 9.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo vừa đưa ra, Phòng nghiên cứu Global Research của HSBC nhận định, đã đến lúc cần đánh giá lại sức khoẻ của ngành ngân hàng Việt Nam. Theo nhóm nghiên cứu của HSBC, rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang gia tăng. Tính cả các “khoản cho vay bị suy giảm giá trị”, nợ xấu ước tính tăng từ dưới 5% vào năm 2019 lên 7% năm 2020. 

Không chỉ nợ xấu nội bảng tăng lên, mà nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu của các ngân hàng cũng đang khá lớn. Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, chính sách cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN khiến một phần nợ xấu đang ở dạng tiềm ẩn và sẽ dần dần hiện hình khi thời hạn của các thông tư này kết thúc.

Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay (17/5), các ngân hàng buộc phải trích lập dần cho các khoản nợ cơ cấu này. Theo ông Thịnh, trong bối cảnh Covid-19 đang quay lại, các ngân hàng phải chấp nhận hy sinh nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng để tăng sức chống chịu trong tương lai. Lợi nhuận tăng trưởng quý I/2021 là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng tăng trích lập dự phòng những quý tới.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng tỏ ra lo ngại về dư nợ cho vay những lĩnh vực bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, khách sạn… Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng MB cho rằng, kể cả cơ cấu thời gian trả nợ thêm 12 tháng, thì doanh nghiệp các lĩnh vực này vẫn chưa thể trả nợ và cần chính sách đặc thù.

Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị, Chính phủ có giải pháp khoanh nợ thời hạn tối đa 2 năm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. 

Lãi dự thu làm “ảo” lợi nhuận nhà băng

Bên cạnh nợ xấu gia tăng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng vừa cảnh báo các ngân hàng thương mại vì lãi dự thu năm 2020 tăng lớn so với năm 2019. Lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai, chưa thu được tiền thật, nhưng vẫn ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, chỉ hơn 20 ngân hàng, lãi dự thu năm 2020 đã tăng tới 12% (hơn 170.000 tỷ đồng). Năm 2020, nhiều ngân hàng ghi nhận mức lãi dự thu tăng vọt so với năm 2019, mức tăng là 20 - 40% tại VIB, TPBank, LienVietPostBank, SCB…, thậm chí là hơn 100% tại NamABank.

Bước sang quý I/2021, lãi dự thu của nhiều ngân hàng vẫn tăng khá mạnh. Chẳng hạn, lãi dự thu của NamABank tăng 34,5%, của  VietinBank và Vietcombank tăng xấp xỉ 17%, của SeABank tăng 26,4%... Đáng mừng là, lãi dự thu của đa số ngân hàng còn lại, như ACB, MB, VPBank, SCB, Sacombank, BIDV… đều đi ngang hoặc giảm nhẹ. Dù vậy, mức lãi dự thu trong tổng thu nhập của các ngân hàng còn khá lớn.

Ngoài ra, quan sát báo cáo tài chính của một số ngân hàng trong nhiều năm, có thể thấy, nhiều khoản lãi dự thu được “treo” trong thời gian khá dài, cho thấy rủi ro nợ xấu tiềm ẩn cũng như tính thực chất của lợi nhuận.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, với những ngân hàng có thu nhập chủ yếu từ tín dụng, nhưng lãi dự thu lớn, nhà đầu tư phải cẩn trọng về chất lượng lợi nhuận khi lựa chọn đầu tư cổ phiếu.  

Liên quan đến việc xử lý nợ xấu và lãi dự thu, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trong văn bản ban hành mới đây, đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định, nghiêm túc thực hiện việc dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung…

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể tăng lên mức 2,5 - 3% cuối năm 2021 cùng với trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro tăng thêm trong 3 năm theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (có hiệu lực từ 17/5/2021). Dù mức độ rủi ro và sức chịu đựng của thị trường tài chính Việt Nam đang ở trung bình khá, song nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn là rất tiềm ẩn, nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.

- TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
Ngân hàng đang tái cơ cấu, xử lý nợ xấu khó được cho chia cổ tức
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đang tái cơ xấu, xử lý nợ xấu tồn đọng sẽ khó được chia cổ tưc mà phải tập trung mọi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư