Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Ba thách thức của Việt Nam xuyên suốt trên chặng đường phát triển
Anh Trung - 19/05/2019 08:04
 
Theo báo cáo sơ bộ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về đánh giá quốc gia đa chiều, Việt Nam còn khá nhiều thách thức xuyên suốt cần giải quyết trên chặng đường phát triển thời gian tới.
Tập trung đầu tư vào lĩnh vực có năng suất cao, sử dụng công nghệ sạch sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả hơn. Ảnh: Đức Thanh
Tập trung đầu tư vào lĩnh vực có năng suất cao, sử dụng công nghệ sạch sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả hơn. Ảnh: Đức Thanh

Điểm mặt 3 thách thức

Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều do OECD thực hiện nhằm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Tuy vậy, Báo cáo không chỉ đánh giá riêng về tăng trưởng kinh tế hay xã hội, mà đã vẽ một bức tranh khá toàn diện về mọi mặt phát triển của Việt Nam.

Với việc chuyển hướng nhiều hơn sang cách tiếp cận tổng thể, đa ngành, sử dụng một loạt chỉ số về hạnh phúc và mục tiêu phát triển bền vững theo tiêu chí 5P của Chương trình Nghị sự 2030, Báo cáo sơ bộ của OECD đã chỉ ra hàng loạt tồn tại mà Việt Nam phải đối mặt trên con đường phát triển.

Điều này cũng phù hợp với bài toán mà Việt Nam đã đặt ra với OECD. Tại Toạ đàm Cao cấp về các ưu tiên phát triển cho Việt Nam tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đã một lần nữa nhắc lại vấn đề này. Đó là, Báo cáo cần phải đưa ra được cái nhìn tổng thể và những giải pháp mới lạ để Việt Nam sau 10 năm tới, khi nhìn lại, có thể hài lòng với những gì đã làm được.

“Những nút thắt của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ qua là gì và nguyên nhân do đâu? Những giải pháp và định hướng ưu tiên đột phá tới đây sẽ là gì? Những đột phá cũ như nhân lực và hạ tầng... có cần thiết nữa không? Đổi mới sáng tạo cần được xác định ưu tiên ở mức nào? Văn hóa đã từng được coi là động lực của phát triển, vậy nó đã trở thành động lực chưa và làm cách nào để nó trở thành động lực? Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế ra sao? Môi trường trong mối quan hệ với phát triển như nào?”, hàng loạt câu hỏi đã được Thứ trưởng đặt ra với phía OECD.

Dù mới trải qua đánh giá sơ bộ, tại Toạ đàm, các đại diện OECD cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại trên con đường tiến lên phía trước của của Việt Nam, có thể tóm gọn với 3 thách thức xuyên suốt. Đó là, con đường tăng trưởng sử dụng quá nhiều tài nguyên cần được cải thiện và phải đạt mức tăng năng suất; năng lực tài chính hạn chế đang là thách thức trong tương lai và năng lực quản lý, quản trị còn hạn chế.

Trong phần phát biểu của mình, ông Mario Pezzini, Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD đã khẳng định, Việt Nam cần vượt qua những thách thức trên bằng cách phát huy sức mạnh nội lực của mình.

“Không hề có một mô hình hay con đường duy nhất để đạt được sự phát triển. Điều chúng ta cần làm là thông qua kinh nghiệm người khác, không phải sao chép nguyên bản. Tính học hỏi là rất quan trọng. Việt Nam cần tìm được nguồn cảm hứng từ kinh nghiệm của quốc gia khác, cũng như những thách thức Việt Nam đang gặp phải sẽ là nguồn cảm hứng cho các nước khác phát triển sau này”, ông Mario nói.

Những khuyến nghị ban đầu

Từ những thách thức đã điểm mặt, các đại diện của OECD đã đưa ra nhiều khuyến nghị với phía Việt Nam để giải quyết từng thách thức.

Theo đó, Việt Nam cần phát triển một nền kinh tế mang tính hội nhập và hiệu quả hơn; phải tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có năng suất cao nhất và sử dụng công nghệ sản xuất sạch; mở rộng kết nối doanh nghiệp trong nước với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đảm bảo môi trường thể chế minh bạch hơn và tin cậy; đặc biệt chú ý xây dựng nguồn vốn con người với tư cách là chìa khóa của phát triển trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng hiện nay.

Đại diện phía OECD cũng cho rằng, Việt Nam cần cải thiện năng lực tài chính cho sự phát triển, vì dân số già hóa đồng nghĩa với nhu cầu lớn trong đầu tư và chi tiêu. Trong khi đó, tình hình tài chính với mức nợ công cao vẫn đang là một trở ngại.

Đồng thời, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, điều hành phục vụ sự phát triển bền vững. Đây là tập hợp các vấn đề như cách thức quản lý, điều hành của Chính phủ, chế độ tiền lương, sự phối hợp giữa các cơ quan và các cấp chính quyền, tổ chức cung cấp các dịch vụ công, chế độ hưu trí và các chính sách an sinh xã hội, quản lý phát triển đô thị và môi trường.

“Cuối cùng, cũng giống như Báo cáo Việt Nam 2035, điều cần nhấn mạnh ở đây là một cơ chế đảm bảo cho người dân tham gia vào quy trình xây dựng và giám sát việc thực thi pháp luật cũng như trách nhiệm giải trình của Nhà nước”, đại diện OECD khuyến nghị.

Đánh giá về Báo cáo sơ bộ do phía OECD đưa ra, ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để có thể có đóng góp tốt hơn cho việc xây dựng Chiến lược Phát triển 10 năm tới (2021 - 2030) và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), các nghiên cứu tiếp theo cần cung cấp thêm thông tin về một số giải pháp cụ thể thông qua giới thiệu các kinh nghiệm quốc tế đối với từng lĩnh vực.

“Chẳng hạn, các mô hình  đào tạo nhân lực hiệu quả, cách thức cung cấp dịch vụ y tế đảm bảo cho mọi người đều có thể tiếp cận dễ dàng với giá cả hợp lý, các chính sách phát triển thị trường tài chính đa dạng, các kênh dẫn cho khoa học và công nghệ vào sản xuất và tổ chức đời sống xã hội, hình thành môi trường thuận lợi cho mỗi người dân có thể tiếp cận được các nguồn lực phát triển, từ đó được chia sẻ các thành quả từ sự phát triển…”, ông Bùi Tất Thắng gợi mở.

Việt Nam cần phát triển một nền kinh tế mang tính hội nhập và hiệu quả hơn; phải tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có năng suất cao nhất và sử dụng công nghệ sản xuất sạch.
OECD: Căng thẳng thương mại đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư