Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Bà Trương Mỹ Lan xin “gỡ niêm phong” một số đồ dùng cá nhân
Việt Dũng - 27/09/2024 17:19
 
Quá trình điều tra, bà Lan đã bị thu giữ nhiều đồ dùng cá nhân như túi xách, áo quần, giày dép… hiện đang bị niêm phong. Bị cáo xin được "gỡ niêm phong" với lý do để lâu sẽ bị hư.

Ngày 27/9, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 tiếp tục với phần xét hỏi những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án để làm rõ đến các vật chứng, tài sản, đồ vật thu giữ và các quyền tài sản của những người này.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trình bày, quá trình điều tra bị kê biên nhiều tài sản. Trong đó, có 3 sổ tiết kiệm của con gái. Hiện con gái đang đi chữa bệnh, không có mặt tại Việt Nam.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại toà.

Cũng theo bà Lan, quá trình điều tra đã bị thu giữ nhiều đồ dùng cá nhân như túi xách, áo quần, giày dép… hiện đang bị niêm phong. Bị cáo Lan xin Hội đồng xét xử (HĐXX) gỡ niêm phong vì để lâu sẽ bị hư. Trong số đồ vật này có 2 túi Hermes bạch tạng. Một chiếc bị cáo Lan mua tại Ý và chiếc túi còn lại được một đại gia người Malaysia tặng. 

“Những chiếc túi này giá trị không đáng bao nhiêu, bị cáo muốn để lại cho con cháu làm kỷ niệm. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo xin lại những chiếc túi này”, bị cáo Lan nói.

Ngoài ra, bị cáo còn bị thu giữ một số máy tính bàn. Theo bà Lan, những thiết bị này không liên quan đến vụ án, dùng để lưu trữ hình ảnh gia tộc của mình trong suốt 50 năm qua. Ngoài ra, lúc bị bắt trên người có đeo một bộ nữ trang do mẹ bị cáo tặng làm kỷ niệm và là vật may mắn, gồm bông tai, mặt dây chuyền và nhẫn có đính kim cương hàng chục carat. Bị cáo Lan xin HĐXX xem xét kiểm tra lại.

Đối với những tài sản liên quan tới bị cáo và ông Chu Lập Cơ đang bị kê biên, ngăn chặn, phong tỏa trong vụ án thì bị cáo không có ý kiến.

Trả lời bà Lan, đại diện HĐXX cho biết, những vật chứng, đồ vật bị thu giữ sẽ có biên bản, lưu hồ sơ. HĐXX sẽ kiểm tra lại và đề nghị bị cáo Lan liên hệ người nhà kiểm tra.

Tiếp đó, bị cáo Ngô Thanh Nhã (em dâu của bà Lan) trình bày, quá trình điều tra bị thu giữ một sổ tiết kiệm trị giá 10 tỷ đồng. Tại toà, người phụ nữ này xin HĐXX trả lại để chồng bị cáo chữa bệnh vì đây là số tiền mà bị cáo Nhã và chồng tiết kiệm được trong nhiều năm.

Bị cáo Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn quản lý Acumen) cũng xin nhận lại giấy Chứng minh nhân dân, hộ chiếu và một máy tính xách tay, điện thoại và 6 tài khoản tại SCB tổng cộng 7 tỷ đồng. 

Theo bị cáo Công, đây là các tài khoản thanh toán, nhận lương và có nguồn gốc từ thu nhập tích lũy của bị cáo và vợ. Các tài khoản này đứng tên bị cáo, nhưng có chia sẻ ID, mật khẩu cho vợ bị cáo chi tiêu.

Tương tự, những bị cáo còn lại đề nghị HĐXX xem xét, trả lại những đồ vật, tài liệu mà các bị cáo này cho rằng không liên quan đến vụ án như giấy tờ tùy thân, điện thoại, máy tính…

Theo cáo trạng, trong vụ Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, tổng số tiền đã thu giữ trong vụ án là hơn 408 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn điều tra hơn 224 tỷ đồng; giai đoạn truy tố 183 tỷ đồng

Cơ quan điều tra đã phong tỏa 79 tài khoản của các bị can với tổng số tiền 92 tỷ đồng và 5.799 USD; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị can, người liên quan và các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỷ đồng và 261.914 USD.

Cơ quan chức năng cũng kê biên các tài sản nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất của bà Trương Mỹ Lan gồm thửa đất địa chỉ 181 Bến Chương Dương, quận 1, TP.HCM; lô đất CN1 Khu công nghiệp Nội Bài, TP. Hà Nội; 76 quyền sử dụng đất tại xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM…

Các bị cáo khai, Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhận và chuyển tiền ra nước ngoài
Sáng 26/9, Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên xét xử các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 với phần xét hỏi về hành vi "Vận chuyển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư