Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bamboo Airways xin điều chỉnh giấy phép, tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng
Anh Minh - 28/03/2019 08:06
 
Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét phê duyệt cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không số 01/2018/GPKDVCHK được cấp vào tháng 11/2018.
Các tàu bay của Bamboo Airways tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Các tàu bay của Bamboo Airways tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Cụ thể, Bamboo Airways xin thay đổi phạm vi kinh doanh vận chuyển hàng không – khai thác trên 30 tàu bay và thay đổi vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng. Tại Giấy phép kinh doanh số 01, Bamboo Airways có số vốn điều lệ 700 tỷ đồng và được quyền khai thác tối đa 10 tàu bay.

Đại diện hãng hàng không hybrid duy nhất tại Việt Nam cho biết, trong năm đầu hoạt động, hình thức sở hữu đội bay của Bamboo Airways là thuê khô với dòng tàu bay A320/A321 và B787. Tuy nhiên, nhằm linh hoạt khai thác, hãng có thể xem xét khai thác A319 và A330. Sang các năm tiếp theo, Bamboo Airways dự kiến bổ sung đội tàu bay bằng hình thức thuê khô và thuê mua tài chính. Hiện hãng đã ký hợp đồng mua tàu bay của Boeing và Airbus với quá trình nhận tàu dự kiến từ năm 2019.

Số tiền đặt cọc thuê khô mà Bamboo Airways phải bỏ ra vào khoảng 1 triệu USD/tàu và thuê mua tài chính trung bình khoảng 3 triệu USD/tàu.

“Như vậy, số vốn ban đầu 55 triệu USD và thu nhập từ kết quả kinh doanh hoàn toàn đảm bảo cho hãng phát triển đội tàu bay lên con số 40 chiếc vào cuối năm 2019”, ông Trịnh Văn Quyết, Tổng giám đốc Bamboo Airways khẳng định.

Về nguồn nhân lực khai thác, Bamboo Airways đã ký biên bản ghi nhớ với Brookfield Aviation International (Anh) về tuyển dụng và cung cấp phi công với bằng cấp, kinh nghiệm đạt tiêu chuẩn làm việc cho hãng. Đối tác này cũng sẽ giúp Bamboo Airways tuyển đội trưởng phi công, kiêm người quản lý huấn luyện phi công và phi công kiểm tra, huấn luyện cũng như đội ngũ tiếp viên.

Bamboo Airways cho biết là sẽ đầu tư vào sân bay căn cứ Vân Đồn, Phù Cát với đường bay kết nối dự kiến là Hà Nội và Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cam Ranh, Thọ Xuân... Do vậy, các hoạt động bảo dưỡng ngoại trường và giám sát kỹ thuật của hãng sẽ diễn ra tại đây. Ngoài ra, Bamboo Airways đã ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài có đủ năng lực và chứng chỉ nhằm cung cấp dịch vụ kỹ thuật bảo dưỡng lớn cho tàu bay, động cơ và thiết bị. Đội ngũ nhân viên kỹ thuật được tuyển dụng tại Việt Nam sẽ được huấn luyện và đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam.

Ông Trịnh Văn Quyết cũng cho biết là hãng cũng đã làm việc xong với các cơ quan chức năng nhằm bố trí các sân đỗ cho đội tàu bay khoảng 40 chiếc của hãng, trong đó có tới 17 điểm đỗ tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Theo kế hoạch, năm 2019, Bamboo Airways dự kiến đạt doanh thu khoảng 866 triệu USD và sẽ tăng lên 1,777 tỷ USD vào năm 2021. Năm 2021 cũng là thời điểm Bamboo Airways thu dòng lợi nhuận dương đầu tiên (khoảng 32 triệu USD), tức là chỉ sau 3 năm cất cánh.

Bamboo Airways bay qua khung trời hẹp
Thị trường hành khách nội địa giảm tốc, trong khi các hãng hàng không vẫn tiếp tục đổ tải khiến dư địa cho các nhà đầu tư mới như Bamboo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư