Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ban hành hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám, chữa bệnh
D.Ngân - 27/08/2022 07:36
 
Ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký Quyết định 2306/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập dịch đậu mùa khỉ trong cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh là rất cao. Để phòng ngừa, Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn như sau:

Cơ sở khám chữa bệnh triển khai sàng lọc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ khi có tại địa phương có thông báo ca bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng hoặc cơ sở khám chữa bệnh.

Đặt biển báo tại cổng vào của cơ sở khám chữa bệnh để người bệnh có thể nhận biết ngay hướng đi tới khu sàng lọc.

Ảnh minh hoạ

Khu vực sàng lọc cần được bố trí tại đơn vị khám bệnh và cấp cứu. Với những cơ sở khám chữa bệnh không có điều kiện bố trí khu sàng lọc trong nhà có thể thiết lập khu vực sàng lọc ngoài trời. + Buồng khám sàng lọc đảm bảo thông khí tốt.

Nhân viên y tế thực hiện sàng lọc mang phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp (khẩu trang y tế, mũ giấy, áo choàng phòng dịch và găng tay y tế).

Khi khám sàng lọc lưu ý khai thác tiền sử dịch tễ, các dấu hiệu triệu chứng của bệnh, nội dung câu hỏi sàng lọc cần cập nhật phù hợp với diễn biến tình hình bệnh dịch.

Yêu cầu người bệnh mang khẩu trang y tế nếu tình trạng người bệnh cho phép.

Cách ly người bệnh xác định nhiễm hoặc ca bệnh nghi ngờ. Trong quá trình vận chuyển người bệnh phải cho người bệnh mang khẩu trang, che các nốt phỏng và báo trước cho nơi sẽ chuyển người bệnh đến.

Buồng cách ly người bệnh phải được dán biển cảnh báo “Buồng cách ly” và nêu rõ các biện pháp cách ly cần áp dụng, giường bệnh cách nhau tối thiểu 1 mét.

Giảm thiểu tối đa người nhà hỗ trợ chăm sóc đối tượng người bệnh khác tại đơn vị có người bệnh đậu mùa khỉ, trong trường hợp thật cần thiết chỉ để lại một người nhà cố định.

Yêu cầu và hướng dẫn người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc, người cung cấp dịch vụ đeo khẩu trang, VST, vệ sinh hô hấp theo quy định ngay khi vào cơ sở khám chữa bệnh và trong suốt thời gian lưu lại tại cơ sở khám chữa bệnh.

Hạn chế vận chuyển người bệnh ra ngoài khu cách ly. Hạn chế người nhà và khách thăm vào khu vực cách ly. Trường hợp được phép vào khu vực cách ly phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm theo quy định.

Nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người xác định nhiễm, nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ, làm việc trong khu cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm, tiếp xúc với các dụng cụ, đồ vài, chất thải phát sinh từ khu vực điều trị người xác định nhiễm, nghi ngờ nhiễm phải mang các phương tiện phòng hộ cá nhân.

Vệ sinh tay, môi trường bề mặt. Tuân thủ các hướng dẫn, quy trình về vệ sinh môi trường bề mặt, xử lý dụng cụ y tế tái sử dụng hiện hành.

Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện, hóa chất. Thực hành vệ sinh, khử khuẩn bề mặt theo nguyên tắc từ khu vực sạch, đến khu vực nhiễm bẩn và từ trên xuống dưới.

Đặc biệt chú ý đến nhà vệ sinh và các bề mặt thường xuyên bị đụng chạm.

Sử dụng các dụng cụ dùng một lần hoặc các dụng cụ dùng lại nhưng phải được làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn theo đúng quy định.

Đồ vải phát sinh trong khu vực cách ly phải được thu gom trong thùng hoặc túi kín và chống thấm, không giũ đồ vải, vận chuyển an toàn và giặt khử khuẩn đồ vải trước khi dùng lại.

Nhân viên y tế thu gom, xử lý, vận chuyển dụng cụ và đồ vải bẩn phải mang phương tiện phòng hộ cá nhân gồm: găng tay cao su, áo choàng chống dịch, tạp dề, khẩu trang y tế và tấm che mặt.

Bố trí các buồng, hoặc khu vực để sàng lọc, cách ly người xác định nhiễm và nghi ngờ nhiễm. Trong trường hợp người bệnh nghi nhiễm chưa thể sàng lọc được thì ưu tiên cấp cứu, thực hiện cách ly và áp dụng các biện pháp phòng ngừa như trường hợp xác định nhiễm và nghi ngờ nhiễm.

Phụ nữ có thai không được tiếp xúc với người xác định nhiễm, nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ. Nếu bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ phải được theo dõi thêm của bác sỹ chuyên khoa Sản.

Nếu sản phụ sinh đẻ trong thời gian bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ, nhân viên y tế phải áp dụng tối đa các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi đỡ đẻ hoặc thực hiện các thủ thuật lấy thai.

Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được giám sát chặt chẽ để phát hiện kịp thời đậu mùa khỉ.

Cách ly mẹ và con trong giai đoạn bệnh đang tiến triển. Tạm dừng cho con bú trực tiếp trong giai đoạn bệnh đang tiến triển, nhưng vẫn có thể vắt sữa mẹ để nuôi dưỡng trẻ.

Nhân viên y tế trực tiếp thực hiện phẫu thuật hoặc một số thủ thuật đặc biệt (lọc máu, siêu âm, nội soi...) ở ngoài khu vực cách ly cần mang tối đa phương tiện phòng hộ cá nhân gồm áo choàng, kính bảo hộ hoặc tấm che mặt, khẩu trang N95.

Khu vực/buồng phẫu thuật, thực hiện thủ thuật và các phương tiện, dụng cụ, thiết bị phải được xử lý, vệ sinh, khử khuẩn ngay sau khi kết thúc.

Phòng ngừa phơi nhiễm đậu mùa khỉ khi trực tiếp chăm sóc người bệnh nghi ngờ nhiễm hoặc xác định nhiễm đậu mùa khỉ.

Phòng ngừa phơi nhiễm đậu mùa khỉ khi lấy các bệnh phẩm vi sinh và khi thực hiện các thực hành chăm sóc có tạo khí dung ở người bệnh nghi ngờ nhiễm hoặc xác định nhiễm đậu mùa khỉ.

Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm, phát hiện sớm, cách ly kịp thời nhân viên y tế có tiếp xúc gần, nghi ngờ nhiễm hoặc xác định nhiễm đậu mùa khỉ. Xử lý phòng ngừa sau phơi nhiễm.

Tăng cường nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ
Bộ Y tế đề nghị tăng cường nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư