Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bảo hiểm BIDV: Kế hoạch lợi nhuận 2022 đi lùi, cổ đông lớn đề xuất tăng mạnh cổ tức
Thanh Thủy - 13/04/2022 11:45
 
BIDV - cổ đông lớn sở hữu hơn 51% vốn Bảo hiểm BIDV đã đề xuất nâng mức cổ tức chi trả năm 2021 từ 12% lên 15% và nâng thêm kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Lợi nhuận
Bảo hiểm BIDV dự kiến trình kế hoạch lợi nhuận năm 2022 đi lùi.

Đề xuất tăng kế hoạch lợi nhuận năm 2022 lên 435 tỷ đồng

Theo tờ trình gửi đến các cổ đông vừa cập nhật, HĐQT Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (mã BIC – sàn HoSE) đã đề xuất điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận năm 2022 từ 385 tỷ đồng lên 435 tỷ đồng, đồng thời, nâng mạnh cổ tức chi trả năm 2021 từ 12% lên 15%, gấp 1,25 lần so với tờ trình ban đầu.

Với mức chi trả cổ tức trên, công ty sẽ dùng gần 176 tỷ đồng để thanh toán cho các cổ đông. Sau khi trích các quỹ cùng 3 tỷ đồng cho nguồn kinh phí hỗ trợ khách hàng tham gia bảo hiểm BIC Bình An (sản phẩm bảo hiểm gắn liền với các khoản vay của khách hàng cá nhân), lợi nhuận để lại chưa phân phối sẽ còn gần 27,6 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh mới đề ra mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm là 3.310 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch dù tăng lên 435 tỷ đồng, vẫn giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Giải thích về lý do chỉ đặt ra mức lợi nhuận khiêm tốn, lãnh đạo Bảo hiểm BIDV cho biết lợi nhuận mảng đầu tư tăng trưởng thấp trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp. Còn hoạt động kinh doanh bảo hiểm dự kiến giảm do công ty đẩy mạnh kinh doanh bán lẻ trong năm 2021 và tỷ lệ bồi thường sẽ tăng khi không còn hưởng các điều kiện thuận lợi như năm trước. Việc thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 là một trong các nguyên nhân khiến tần suất bồi thường giảm, kéo tỷ lệ bồi thường xe cơ giới thấp.

Trong năm 2022, công ty dự báo tỷ lệ bồi thường xe cơ giới và con người sẽ tăng và  hiệu quả kinh doanh bảo hiểm trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng do cạnh tranh khốc liệt về phí  và chi phí kinh doanh tăng cao. Đối với kế hoạch lợi nhuận mới, hội đồng quản trị cũng cho biết sẽ định kỳ theo dõi tình hình thực hiện và sẽ báo cáo đại hội cổ đông xem xét trong trường hợp không có khả năng đạt.

Bảo hiểm sức khỏe góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất

Năm 2021, BIC là doanh nghiệp bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí cao thứ hai trong nhóm top 10 thị phần với mức tăng 13,4%, chỉ đứng sao Bảo hiểm Quân Đội (+24,7%). Trong khi đó, tổng doanh thu phí toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ năm 2021 chỉ đạt 1,7%. Thị phần của Bảo hiểm BIDV tăng từ mức 4,3% năm 2020 lên 4,7% năm 2021, giữ vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng. Tuy vậy, khoảng cách thị phần với nhóm liền sau cũng đang thu hẹp.

Sản phẩm bảo hiểm con người tăng trưởng nhanh và tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng trong cơ cấu nghiệp vụ của Bảo hiểm BIDV, lên mức 31,9% từ mức 28% năm 2020. Trong năm 2021, nhóm nghiệp vụ tăng trưởng nhanh lần lượt là bảo hiểm hàng hóa (+38,4%), bảo hiểm con người (+29,2%), tàu thủy (+19,4%). Trong khi đó, sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới gần như đi ngang, chỉ tăng 0,9% so với năm 2020.

Hoạt động đầu tư tài chính năm 2021 đạt mức tăng trưởng tốt (15%) nhờ tăng trưởng cao của lợi nhuận đầu tư cổ phiếu. Hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính (ROI) ở cổ phiếu và hoạt động góp vốn đã tăng từ 6,79% năm 2021 lên 23,23% trong năm 2022, kéo bù mức ROI tụt lùi của tiền gửi (từ 7,13% giảm còn 5,73%).

Bảo hiểm BIDV ra mắt bảo hiểm an ninh mạng cá nhân
BIC bảo vệ cho giao dịch bên thứ ba gây ra thiệt hại tài chính bằng cách chuyển trực tuyến trái phép tiền các tài khoản ngân hàng trực tuyến, thẻ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư