Doanh nghiệp Nhật đo nhiệt thị trường bê tông lắp ghép
Thế Hải - 02/12/2018 20:43
 
Sau các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất linh kiện điện tử…, doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Vốn Nhật tiếp tục chọn Việt Nam

Nhà máy HRC chuyên sản xuất bê tông lắp ghép tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) với 60% vốn Nhật Bản vừa được khánh thành hôm 27/11. Ông Akira Kondo, Chủ tịch Tập đoàn Hinokiya cho biết, đây là dự án đầu tiên trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Công ty Resco House, doanh nghiệp có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhà bê tông lắp ghép tại Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Hinokiya.

Mục tiêu của Tập đoàn Hinokiya là mang công nghệ bê tông đúc sẵn đến Việt Nam.
Mục tiêu của Tập đoàn Hinokiya là mang công nghệ bê tông đúc sẵn đến Việt Nam.

Được biết, kể từ khi có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn Hinokiya đã tìm kiếm đối tác và triển khai dự án rất nhanh. Công ty Resco House đã “bắt tay” Công ty cổ phần Ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng CJSC của Việt Nam để lập liên doanh vào tháng 8/2018.

Giai đoạn I của Dự án với công suất 50.000 m2/năm vừa được khánh thành sau chưa đầy nửa năm đầu tư xây dựng. “Ngay khi đi vào sản xuất ổn định, chúng tôi sẽ đầu tư tiếp giai đoạn II để khai thác tối đa cơ hội thị trường bê tông lắp ghép, phục vụ ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp tại Việt Nam”, ông Akira Kondo cho biết.

Việc mang công nghệ bê tông đúc sẵn đến Việt Nam là mục tiêu lớn của Tập đoàn Hinokiya, sau khi đã nghiên cứu kỹ nhu cầu và xu thế sử dụng bê tông lắp ghép trong xây dựng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đo nhiệt thị trường bê tông lắp ghép

Bê tông lắp ghép dạng đúc sẵn theo công nghệ Nhật Bản không phải là sản phẩm quá mới mẻ tại Việt Nam. Những năm qua, thị trường xây dựng đã đón nhận không ít sản phẩm bê tông lắp ghép từ nhiều nhà sản xuất trong và ngoài nước.

Cụ thể, năm 2013, Công ty TNHH Something Việt Nam (STV, thuộc Tập đoàn Something Group - Nhật Bản) cũng sớm có mặt tại Việt Nam, chuyên sản xuất, cung cấp dịch vụ xây dựng, thi công các công trình xây dựng theo công nghệ lắp ghép tường bê tông đúc sẵn.

Trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 30,8 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng vốn đầu tư; tiếp đến là Hàn Quốc và Singapore.
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Năm 2015, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cũng hoàn thành đầu tư giai đoạn I Nhà máy Sản xuất tấm tường bê tông lắp ghép Acotec Xuân Mai, với công suất 200.000 m2/năm. Theo kế hoạch, Công ty sẽ hoàn thành đầu tư giai đoạn II vào năm 2020, với công suất dự kiến lên đến 1 triệu m2/năm, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng không nung nói chung và tấm tường nói riêng tại Việt Nam.

Ưu điểm lớn nhất của công nghệ bê tông lắp ghép tấm lớn là giảm thiểu thời gian xây dựng, giảm chi phí nhân công, bảo vệ môi trường tốt nhất nhờ giảm nhu cầu sử dụng gạch đất nung, môi trường thi công sạch và xanh… Dù vậy, sản phẩm này chưa được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng lớn. 

Ông Nguyễn Hữu Tĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng CJSC, doanh nghiệp Việt Nam góp 40% vốn trong Liên doanh bê tông HRC thừa nhận, khi quyết định đưa công nghệ sản xuất bê tông Hynokya về Việt Nam, Ban lãnh đạo Công ty cũng ý thức rằng, tại Việt Nam đã và đang có nhiều công nghệ sản xuất bê tông lắp ghép, nhưng thành công thu được còn hạn chế do sự dè dặt của thị trường. 

“Vì vậy, trên con đường đưa những giá trị vượt trội và đồng bộ của sản phẩm ra thị trường, HRC đang và sẽ đứng trước những thách thức và khó khăn rất lớn”, ông Tĩnh cho biết.

Trong khi đó, với tâm thế của chủ tịch doanh nghiệp có thâm niên trong mảng vật liệu bê tông lắp ghép, ông Akira Kondo vẫn hy vọng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực, ngày càng nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn Việt Nam và đó là dư địa đáng kể để bê tông lắp ghép có cơ hội phát triển. 

Thêm một yếu tố nữa được đại diện Tập đoàn Hinokiya nhắc đến, đó là vật liệu mới sẽ ngày càng có đất sống tại Việt Nam, khi giải quyết được các vấn đề của ngành xây dựng (chi phí nhân công tăng cao, giá thành cạnh tranh). Đây sẽ là giải pháp tối ưu để thay thế các loại gạch xây truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản