Nhà đầu tư bất động sản đang "hoa mắt"
Trong vòng 7 tháng đầu năm 2015, TP. HCM thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI vào bất động sản, chiếm 50% tổng vốn FDI vào địa phương này trong cùng thời gian. Rất dễ nhận thấy, TP. HCM đang là địa bàn lý tưởng để vốn ngoại rót vào thị trường địa ốc.
Nhiều nhà đầu tư đang nghe ngóng các cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn. Ảnh: Lê Toàn
Nhiều nhà đầu tư đang nghe ngóng các cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn. Ảnh: Lê Toàn

Không chỉ dừng lại ở đầu tư vốn trực tiếp, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án tại TP. HCM diễn ra khá sôi động, bằng cả phương pháp trực tiếp hoặc gián tiếp. Đơn cử như việc Quỹ Creed Group (Nhật Bản) vừa ký hợp đồng hợp tác đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment; Ibeworth Pte. Ltd đầu tư 140 tỷ đồng mua 7,1 triệu cổ phiếu phổ thông của Nam Long; GEM chi 20 triệu USD mua cổ phiếu của Hoàng Quân…

Với việc Luật Kinh doanh bất động sản 2014 vừa có hiệu lực, bất động sản Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường hứa hẹn nguồn cung dồi dào trong tương lai cũng chính là thời điểm tâm lý khách hàng tại TP. HCM có phần chững lại, nhằm nghe ngóng thêm thông tin.

Đối với khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở ngay, họ sẽ không có nhiều sự lựa chọn, phải tiếp tục tìm kiếm các dự án đã đi vào sử dụng, hoặc đang được triển khai của các nhà đầu tư uy tín. Trong khi đó, những nhà đầu tư thứ cấp dường như chưa muốn quyết định vội, bởi họ muốn “nghe ngóng” thêm khi thấy vốn ngoại đang rót “tới tấp” vào bất động sản tại TP. HCM.

Quỹ Creed Group đã khá thông minh khi công bố thông tin cam kết mua 20% cổ phần;  đầu tư vào dự án theo tỷ lệ 50/50; đồng thời cung cấp các khoản vay lãi suất 5%/năm để An Gia Investement mua các dự án mới. Có thể thấy, việc vừa bơm tiền, vừa cho vay với lãi suất thấp giúp các dự án do Creed và An Gia đầu tư giảm bớt được gánh nặng chi phí tài chính, đồng nghĩa với giá thành dự án được giảm đáng kể, tăng thêm lợi thế bán hàng.

Về phía Creed, lãi suất 5%/năm cũng là một món hời khi tại Nhật Bản, lãi suất cho vay không quá 1%/năm. Hơn nữa, ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed cho biết: “Sản phẩm mà Creed Group tập trung phát triển nhắm đến đối tượng khách hàng thu nhập trung bình. Đây là nhóm khách hàng chiếm số lượng lớn, nhu cầu nhà ở cao và phân khúc này đang có dấu hiệu phục hồi ổn định”.

Nhắm vào các công ty có quỹ đất sạch đang là chiến lược phát triển của các nhà đầu tư nước ngoài, nên việc “đói vốn, thiếu tiền” của các doanh nghiệp không phải là vấn đề mà họ lo ngại. Đây cũng là lý do các quỹ không ngại rót tiền vào bất động sản mà các doanh nghiệp Việt Nam đang sở hữu. Sau đó, cơ cấu lại nguồn cung và định hướng lại sản phẩm là việc mà các doanh nghiệp bất động sản cùng với đối tác của mình sẽ làm trong thời gian tới.

Người mua luôn hy vọng có mức giá hợp lý hoặc rẻ hơn so với hiện tại. Chẳng hạn, Dự án City Gate Towers của Công ty Năm Bảy Bảy (quận 8), tưởng chừng như phải “đắp chiếu” đã được hồi sinh khi Creed “bơm tiền” và đang đưa ra mức giá 14,5 triệu đồng/m2. Mức giá này tương đối hợp lý nếu xét tới vị trí, thiết kế và kiến trúc của tòa nhà. Trong một vài năm nữa, sẽ có thêm nhiều dự án dạng này được tung ra thị trường, nên tâm lý người mua đang chững lại.

Chị Thái Hằng, người đang chọn mua căn hộ với giá 14 triệu đồng/m2 tại huyện Bình Chánh, cho biết: “Nếu giá tại các dự án được rót vốn ngoại hợp lý thì tôi sẽ chuyển sang mua căn hộ tại dự án dạng này. Tính ra chỉ đắt hơn vài chục triệu một căn, nhưng lại có bể bơi, phòng tập gym, sân chơi trẻ em, siêu thị, nhà hàng…, thay vì có mỗi căn nhà như các dự án hiện tại”.

Hơn nữa, tiến độ thanh toán của nhiều dự án kéo dài đến 30 tháng, chẳng hạn như City Gate Tower, cũng là một điểm thu hút khách hàng. Sau đợt đầu đóng 15% giá trị căn nhà, mỗi tháng khách hàng chỉ phải đóng thêm từ 1 - 2,5%. Thời gian đóng tiền cũng tương đương thời gian dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, nên không sợ bị chiếm dụng vốn. Như vậy, dự án dạng này đã “loại” được các đối thủ có ngân hàng bảo lãnh tín dụng, khi câu chuyện “nuôi” con nợ để đòi nợ của ngân hàng còn chưa ngã ngũ.

Mục tiêu của các nhà đầu tư thứ cấp thường không phải là đầu tư dài hơi. Dự án nào hot họ mới tìm đến để có thể nhanh chóng kiếm lợi nhờ chênh lệch giá. Chính vì vậy, với làn sóng vốn đầu tư ngoại tấp nập đổ vào bất động sản Việt Nam vừa qua, nhiều người đang tạm dừng quyết định xuống tiền để chờ các dự án hấp dẫn hơn, khi vốn ngoại thực sự ngấm vào doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản