Nhà nước sẽ can thiệp thị trường BĐS nếu giá biến động mạnh; Danh tính chủ tòa nhà dát kính vàng ở Hà Nội
Thanh Vũ - 10/08/2024 09:24
 
Không bắt buộc chủ trọ tại TP.HCM lập doanh nghiệp; Lãi vay cho người mua nhà ở xã hội có thể giảm 3 - 5%; Vùng ven Hà Nội tấp nập đấu giá đất; Hải Phòng công bố giá bán nhà ở xã hội, thấp nhất khoảng 14 triệu đồng/m2.

Đó là một số tin tức nổi bật về thị trường bất động sản trong tuần qua. 

Nhà nước sẽ can thiệp thị trường bất động sản nếu giá biến động mạnh

Bộ Xây dựng sẽ phải đánh giá tình hình thị trường bất động sản để làm cơ sở đề xuất điều tiết thị trường, đây là quy định được đặt ra tại Điều 34, Nghị định 96/2024/NĐ-CP và đã có hiệu lực kể từ ngày 1/8.

Đáng chú ý, theo quy định tại khoản 2, việc đề xuất các biện pháp điều tiết sẽ được thực hiện, khi chỉ số giá giao dịch bất động sản có sự biến động tăng, giảm trên 20% trong 3 tháng hoặc thị trường có các thay đổi ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.

Nhà nước sẽ can thiệp thị trường nếu chỉ số giá giao dịch bất động sản có sự biến động tăng, giảm trên 20% trong 3 tháng. Ảnh: Lê Toàn 


Trước đó, Điều 78 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 nêu rõ các biện pháp mà Nhà nước thực hiện để điều tiết thị trường bất động sản, gồm có:

Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở để thực hiện dự án bất động sản.

Điều chỉnh nguồn cung, cơ cấu thị trường bất động sản thông qua điều chỉnh mục tiêu, quy mô, tiến độ, cơ cấu sản phẩm của các dự án bất động sản.

Gia hạn nộp thuế cho các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có khó khăn đặc biệt trong từng thời kỳ.

Hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi đối với khách hàng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đối với các loại hình bất động sản cần hỗ trợ, ưu tiên phát triển.

Điều hành chính sách tài chính, tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản phù hợp tình hình thị trường trong từng thời kỳ.

Thực hiện điều hành chính sách khác để điều tiết thị trường bất động sản trong từng thời kỳ.

Lãi vay cho người mua nhà ở xã hội có thể giảm 3 - 5%

Tại họp báo thường kỳ ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xin ý kiến các bộ ngành điều chỉnh nội dung của chương trình gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. 

Theo đó, các thay đổi sẽ nhằm giúp người mua nhà ở xã hội được vay trung và dài hạn với mức lãi suất thấp hơn thị trường từ 3 - 5%, thay vì 1,5 - 2% như hiện tại.

"Bộ Xây dựng đã thống nhất với đề xuất này để tạo điều kiện cho người mua tiếp cận nguồn vốn ưu đãi", ông Dũng khẳng định. 

Vị Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết thêm rằng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến đồng thuận với nội dung đề xuất của NHNN và yêu cầu cơ quan này sớm hoàn thiện, trình phê duyệt nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Điểm mới trong quy định cải tạo chung cư cũ

Tại Điều 28, Nghị định 98/2024/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, nhiều “bài toán” khó trong việc đảm bảo quyền lợi của người dân đã tìm ra lời giải.

Đối với các hộ tại tầng 1, chủ sở hữu được bồi thường căn hộ tái định cư có diện tích bằng 1 - 2 lần diện tích sử dụng căn hộ bị phá dỡ. Đây là một trong những quy định tại Điều 28, Nghị định 98/2024/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Nhiều chung cư, khu tập thể cũ tại Hà Nội và TP.HCM đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Lê Toàn


Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ, trong trường hợp chủ sở hữu căn hộ tại tầng 1 có một phần diện tích căn hộ để kinh doanh thì khi tái định cư, chủ sở hữu sẽ được mua hoặc thuê phần diện tích sàn kinh doanh dịch vụ, thương mại tương ứng tại dự án mới. 

Đối với căn hộ từ tầng 2 trở lên, chủ sở hữu được bồi thường từ 1 đến 1,5 lần diện tích sử dụng căn hộ bị phá dỡ. 

Với trường hợp diện tích căn hộ tái định cư lớn hơn diện tích được bồi thường, chủ sở hữu chung cư phải nộp thêm tiền chênh lệch. Ngược lại, nếu căn hộ tái định cư có thiết kế nhỏ hơn diện tích căn hộ được bồi thường, chủ đầu tư phải thanh toán cho chủ sở hữu phần giá trị chênh lệch diện tích này.

Theo đó, giá trị chênh lệch sẽ bằng diện tích chênh lệch nhân với giá nhà ở xây dựng mới do UBND tỉnh ban hành.

Bên cạnh đó, với trường hợp chủ nhà không có nhu cầu tái định cư, mức bồi thường sẽ được quy đổi bằng tiền dựa trên giá bán của căn hộ tái định cư do chủ đầu tư đề xuất.

Đối với những cá nhân có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội và đáp ứng điều kiện để hưởng chính sách của phân khúc này sẽ được bố trí mua, thuê mua theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp căn hộ chung cư đang là tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, việc xử lý căn hộ tái định cư sau khi xây dựng lại hoặc việc xử lý khoản tiền được bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Không bắt buộc chủ trọ ở TP.HCM lập doanh nghiệp 

Tại họp báo kinh tế xã hội TP.HCM ngày 8/8, ông Lý Thanh Long, Chánh văn phòng Sở Xây dựng, đã có phản hồi liên quan đến tác động của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đối với hoạt động cho thuê trọ.

Theo đó, ông Long cho biết, dựa trên khoản 3 và 4 của Điều 9, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân cho thuê nhà trọ dưới mức quy mô nhỏ không phải tuân thủ các quy định của luật này nhưng vẫn cần kê khai nộp thuế theo quy định. 

Cụ thể, quy định về mức quy mô nhỏ đã được nêu tại Điều 7 Nghị định 96/2024/NĐ-CP. Trong đó yêu cầu cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không thuộc trường hợp phải lập dự án đầu tư; không thuộc trường hợp có giá trị quá 300 tỷ đồng trên một hợp đồng và không có số lần giao dịch quá 10 lần trong một năm (trường hợp giao dịch một lần trong một năm thì không tính giá trị).

Lý giải đề xuất giảm hạn mức đất ở tại TP.HCM

Cũng tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có văn bản giải thích về việc đề xuất giảm hạn mức diện tích giao đất ở tại TP. Thủ Đức, cùng các quận 7, 12 và Bình Tân.

Theo đại diện Sở TN&MT, các quận 2, 9 và Thủ Đức đã sáp nhập và thành lập TP. Thủ Đức. Đồng thời, quỹ đất dùng để thực hiện việc giao đất cho cá nhân hiện nay không còn nhiều. 

Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa tại các quận 7, 12, Bình Tân và TP. Thủ Đức diễn ra tương đối mạnh mẽ, có hiện trạng phát triển về nhà ở tương tự các quận 6, 8, Gò vấp và quận Bình Thạnh.

Bên cạnh đó, hiện mật độ cũng như quỹ đất xây dựng nhà ở tại các khu quy hoạch phát triển đô thị tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ cũng không hề thua kém các quận.

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng đất để xây dựng nhà ở trên toàn địa bàn TP.HCM rất cao nhưng quỹ đất ở chưa giao hiện còn thấp. 

Từ những lý do nêu trên, Sở TN&MT dự thảo quyết định theo hướng quy định giảm hạn mức diện tích giao đất ở và thu hẹp phạm vi đơn vị hành chính áp dụng tương ứng với từng diện tích giao đất theo hạn mức.

Cụ thể, các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và TP Thủ Đức là không quá 160 m2/cá nhân.

Thị trấn các huyện và khu quy hoạch phát triển đô thị tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ là không quá 200 m2 mỗi cá nhân.

Trong khi đó, tại những khu dân cư nông thôn thuộc các xã của huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ sẽ không quá 250 m2/cá nhân.

Vùng ven Hà Nội tấp nập đấu giá đất, giá khởi điểm chỉ 7,3 triệu đồng/m2

Vào ngày ngày 19/8, huyện Hoài Đức sẽ mở đấu giá 19 thửa đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Diện tích của mỗi thửa đất từ 74 - 118 m2, mức giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng/m2. Địa điểm tổ chức đấu giá là hội trường trung tâm văn hóa thông tin và thể thao huyện Hoài Đức.

Khu đất trên có phía Đông Bắc giáp đường giao thông trục thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên và Trường Mầm non Tiền Yên. Ngoài ra, khu đất cũng rất gần trường tiểu học và THCS của xã.

Sau đó hơn 1 tuần, vào ngày 29/8, huyện Phúc Thọ sẽ tổ chức buổi đấu giá 30 thửa đất thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc; cùng 9 thửa tại khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc. Buổi đấu giá dự kiến tổ chức tại hội trường trung tâm văn hóa thông tin và thể thao huyện Phúc Thọ.

Với khu Dộc Tranh, diện tích các khu đất từ 96 - 148 m2, mức giá khởi điểm từ 23,4 triệu đồng/m2. Còn tại khu Đồng Phươm, diện tích các khu đất đều dao động trong khoảng 134 m2, mức giá khởi điểm là 19,8 triệu đồng/m2.  

Các khu đất được đấu giá đều nằm cạnh khu dân cư và chỉ cách trường THCS cùng UBND xã khoảng 500 m. Hạ tầng kỹ thuật của hai khu về cơ bản đã được hoàn thiện, bao gồm hệ thống điện, cấp thoát nước, mạng viễn thông…

Tại Sóc Sơn, UBND huyện cũng đã ban hành quyết định về việc đấu giá quyền sử dụng 16 thửa đất tại khu Đầm Ngái, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu. Các lô đất có diện tích từ 110 - 220m2. 

Hiện trung tâm phát triển quỹ đất của huyện vẫn đang quá trình xác định mức giá khởi điểm và bước giá. Dự kiến, buổi đấu giá sẽ được tiến hành trong tháng 8/2024

Hải Phòng công bố giá bán nhà ở xã hội, thấp nhất khoảng 14 triệu đồng/m2

Mới đây, Sở Xây dựng TP. Hải Phòng đã công bố giá bán tại 3 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện mở bán.

Theo đó, mức giá thấp nhất được ghi nhận là 14,125 triệu đồng/m2 đối với dự án Hoàng Huy New City. Khu nhà ở xã hội này nằm tại huyện Thuỷ Nguyên và có quy mô 149 căn. Hiện công trình đã cất nóc và đang trong quá trình hoàn thiện.

Dự án nhà ở xã hội tiếp theo thuộc khu đô thị dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ, huyện An Dương. Về tiến độ, dự án đã cất nóc tòa nhà CT1 (296 căn) và đang thi công đến tầng 9 tòa nhà CT5 (236 căn); thi công đến tầng 7 tòa nhà CT6 (236 căn).

Dự án có tổng quy mô là 2.538 căn và hiện đang được mở bán 768 căn. Mức giá hiện nay rơi vào khoảng 16 triệu đồng/m2.

Dự án đủ điều kiện mở bán thứ 3 là khu nhà ở xã hội tại số 384 Lê Thánh Tông, quận Ngô Quyền. Dự án đã cất nóc tòa CT1, dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2024 và đang thi công đến tầng 23 tòa nhà CT3 (457 căn). Hiện dự án được mở bán 837 căn.

Về mức giá, dự án có giá bán khoảng 18,8 triệu đồng/m2. Con số cao nhất trong các dự án đủ điều kiện mở bán đợt này.

Đơn vị đứng đằng sau tòa nhà dát kính vàng ở Nam Từ Liêm, Hà Nội

Dự án QMS Top Tower là tòa nhà dịch vụ thương mại và nhà ở nằm trên đường Tố Hữu, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Trong thời gian qua, công trình này đã nhận được nhiều sự chú ý bởi thiết kế dát kính vàng. Hiện cộng đồng mạng đang truyền tay nhau những tấm ảnh tòa nhà phản quang “chói chang” dưới ánh mặt trời.

Bức ảnh "chói mắt" về tòa nhà QMS Top Tower đang được cộng đồng mạng truyền tay nhau trong thời gian qua.


Chủ đầu tư của dự án trên là Cổ phần Dịch vụ Trường học Quang Minh (Quang Minh QMS). Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2007 và có chủ sở hữu là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thuý Hường, sinh năm 1970. Bên cạnh Quang Minh QMS, bà còn đang là đại diện của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Du lịch biển đảo Trí Nguyên.

Quang Minh QMS là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động trong nước và quốc tế. Năm 2013, doanh nghiệp này lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với dự án tòa nhà hỗn hợp QMS Tower 1 tại quận Nam Từ Liêm với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn có một dự án bất động sản khác là công viên tri thức QMS. Công trình nằm tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm.

Dự án dát kính vàng hiện nay trên đường Tố Hữu đã được xây dựng từ năm 2018 và dự kiến hoàn thiện vào năm 2020. Tuy nhiên, sau khi cất nóc vào tháng 4/2020, dự án đột nhiên dừng thi công không rõ lý do và “đắp chiếu” trong thời gian dài.

Đến đầu tháng 8/2024, chủ đầu tư bất ngờ thông báo mở bán đợt đầu và hứa hẹn sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý I/2025. Mức giá khởi điểm cho các căn hộ tại đây khoảng 68 triệu đồng/m2.

Khi tra cứu mục sản phẩm trên website của công ty, người xem chỉ có thể tìm thấy các thông tin về dự án bất động sản QMS Top Tower. Dù trang web có một mục riêng về sản phẩm giáo dục, nhưng hiện tại phần nội dung này đang hoàn toàn bị bỏ trống.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản