Săn quỹ đất khai thác kho trung tâm dữ liệu
Vũ Anh - 10/09/2023 11:12
 
Trung tâm dữ liệu còn nhiều dư địa để phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng ngày càng khó tìm quỹ đất phù hợp ở những thị trường phát triển.
VNG đầu tư nghiêm túc cho trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, đón đầu động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số
VNG đầu tư nghiêm túc cho trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, đón đầu động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số.

Chạy đua xây dựng trung tâm dữ liệu

Nửa cuối năm 2022 là thời điểm hàng loạt “ông lớn” tung ra chiến lược đầu tư khủng vào trung tâm dữ liệu.

Amazon Web Service (AWS) - công ty con của Amazon, cung cấp các nền tảng điện toán đám mây theo yêu cầu cho các cá nhân, công ty và chính phủ, tìm cách củng cố vị thế của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng việc xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu nhỏ hơn.

AWS bổ sung mạng lưới các AWS Region (trung tâm dữ liệu khổng lồ) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng việc xây thêm các Local Zone (trung tâm dữ liệu địa phương nhỏ hơn). Theo kế hoạch, AWS sẽ xây dựng 10 trung tâm dữ liệu địa phương ở Australia, Ấn Độ, New Zealand, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Động thái của AWS không lạ, khi các đối thủ như Microsoft, Google, hoặc gã khổng lồ Alibaba và Tencent của Trung Quốc đã chạy đua để xây dựng những trung tâm dữ liệu lớn, trị giá hàng tỷ USD ở châu Á từ lâu.

Hà Nội và TP.HCM được xếp vào thị trường mới nổi, đang ở giai đoạn trưởng thành non trẻ, nhưng đã thu hút được sự quan tâm của các nhà khai thác trung tâm dữ liệu.

Các ông lớn này đã nhận ra cơ hội mới từ trung tâm dữ liệu. Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của AWS, ông Phil Davis cho rằng, các nước nhỏ hơn có thể không cần đến toàn bộ công suất của các trung tâm siêu dữ liệu. Họ cần cơ sở hạ tầng nội địa nhiều hơn. Đặc biệt, vấn đề chủ quyền dữ liệu giờ đã trở thành chủ quyền quốc gia mà bất cứ ai cũng thận trọng. Nhu cầu đó kích thích AWS đầu tư để có nhiều dự án nhỏ hơn trong tương lai.

Còn ở trong nước, Tập đoàn Công nghệ CMC cũng xây dựng trung tâm dữ liệu (Data Center) tại Khu chế xuất Tân Thuận TP.HCM, với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Data Center Tân Thuận của CMC có diện tích sàn sử dụng 12.000 m2 và xấp xỉ 3.000 m2 không gian dành cho thiết bị công nghệ thông tin với quy mô 1.200 tủ rack, có tổng công suất thiết kế lớn, lên tới 12.000 kW và hỗ trợ tới 3 triệu vCPU.

Cũng tại Khu chế xuất Tân Thuận, giữa tháng 12/2022, Công ty VNG đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu mới VNG Data Center, có diện tích sàn sử dụng đến 12.400 m2. Không tiết lộ số vốn đầu tư, nhưng VNG cho hay, trung tâm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nền tảng dịch vụ kỹ thuật số, lưu trữ dữ liệu an toàn và các giải pháp cloud. VNG dự kiến mức tăng trưởng của trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là 11% hàng năm trong 5 năm tới.

Viettel cũng ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud, là hạ tầng gồm 13 trung tâm dữ liệu có quy mô hơn 9.000 tủ rack trên diện tích sàn 60.000 m2. Tập đoàn này công bố sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng vào Viettel Cloud để mở rộng quy mô lên 17.000 tủ rack vào năm 2025. Đầu năm 2022, Viettel ký bản ghi nhớ với huyện Hóc Môn và Củ Chi về việc đầu tư 6.000 tỷ đồng xây dựng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại một trong hai huyện trên.

Các tập đoàn công nghệ và viễn thông lớn như FPT, VNPT cũng tăng tốc đầu tư mới và nâng cấp hệ thống trung tâm dữ liệu.

Chờ hoàn thiện khung pháp lý

Ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills khẳng định, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.

Theo Báo cáo Trung tâm dữ liệu châu Á - Thái Bình Dương của Cushman & Wakefield, các trung tâm dữ liệu khu vực này đang liên tục phát triển về quy mô, các nhà khai thác không ngừng tìm kiếm thị trường mới để mở rộng khi dự báo nhu cầu ngày càng tăng từ hoạt động số hóa và áp dụng trí tuệ nhân tạo.

Trong 6 tháng đầu năm nay, cùng với các thành phố như Auckland, Bengaluru, Brisbane, Busan, Canberra, Pune, Perth, Đài Bắc, thì Hà Nội và TP.HCM được xếp vào thị trường mới nổi, đang ở giai đoạn trưởng thành non trẻ, nhưng đã thu hút được sự quan tâm của các nhà khai thác trung tâm dữ liệu. Lý do vì nhu cầu của doanh nghiệp địa phương và ngành bán lẻ, vị trí địa lý nổi bật và giá thuê đất rẻ.

Các thành phố này hiện chỉ chiếm khoảng 6% tổng công suất hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn cung cấp trung tâm dữ liệu mới tại các thị trường này bị hạn chế do số lượng nhà khai thác còn thấp. Ông Pritesh Swamy, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn Trung tâm dữ liệu của Cushman & Wakefield APAC và EMEA cho rằng, cơ hội tăng trưởng cho khu vực này không hề nhỏ.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ CMC, từng bày tỏ giấc mơ về “bước phát triển mới để đưa Việt Nam tiến tới gần hơn mục tiêu trở thành digital hub mới ở châu Á - Thái Bình Dương”.

Hiện khu vực này đang có digital hub hàng đầu, theo thứ tự là Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản, bởi thế, đây không hề là mục tiêu dễ dàng cho Việt Nam. Công suất hiện tại của các trung tâm dữ liệu Việt Nam chỉ bằng hơn 5% công suất của các trung tâm dữ liệu Nhật Bản. Chưa kể, trên bước đường trở thành digital hub thứ tư ở châu Á, Việt Nam còn phải vượt qua các đối thủ “ngáng đường” trong khu vực là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hồng Kông, Hàn Quốc.

Trong khi đó, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi quy mô các trung tâm dữ liệu trong 3-5 năm tới, vượt qua Singapore và bám sát Trung Quốc để trở thành “trái tim dữ liệu” của châu Á.

Chuyên gia của Cushman & Wakefield nhận định, khung pháp lý cho trung tâm dữ liệu ở Việt Nam đang dần hoàn thiện, Chính phủ đang tích cực xây dựng các quy định rõ ràng hơn về bảo vệ dữ liệu và dịch vụ trung tâm dữ liệu trong nước, là điều kiện thuận lợi để phát triển trung tâm dữ liệu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản