Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Bệnh viện ứng phó thế nào khi thiếu thuốc, vật tư?
D.Ngân - 09/11/2023 18:51
 
Theo một số bệnh viện, để ứng phó với tình trạng thiếu thuốc, vật tư họ đang phải tiến hành nhiều giải pháp cấp bách.

Là bệnh viện hạng đặt biệt, mỗi ngày tiếp đón vài nghìn bệnh nhân khám và điều trị, Bệnh viện Bạch Mai đang phải tìm kiếm các giải pháp khắc phục khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư.

Theo một số bệnh viện, để ứng phó với tình trạng thiếu thuốc, vật tư họ đang phải tiến hành nhiều giải pháp cấp bách.

Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đến thời điểm này, Bệnh viện Bạch Mai đã trúng nhiều gói thầu và mua sắm khoảng gần 4.000 tỷ đồng bao gồm trang thiết bị, vật tư (hơn 1.700 tỷ đồng), thuốc (hơn 2.000 tỷ đồng) phục vụ cho công tác điều trị.

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trong khó khăn, tập thể Bệnh viện xác định luôn đặt mục tiêu phải cố gắng nỗ lực vì người bệnh. Bệnh viện đã đoàn kết, thống nhất, tập trung vào mua sắm, đấu thầu.

Cũng theo ông Đào Xuân Cơ, từ tháng 1/2023 đến nay, cơ sở y tế này đã đấu thầu, trúng thầu với số lượng khá lớn thiết bị, vật tư tiêu hao, cũng như thuốc để phục vụ khám chữa bệnh.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã trúng thầu gói thiết bị như gói thiết bị 4 máy cộng hưởng từ và 2 máy CT. Với các thiết bị mới này và các máy đang sửa chữa đến năm 2024, Bệnh viện có gần chục máy cộng hưởng từ bệnh nhân đến khám vừa tiết kiệm thời gian, chi phí rất lớn.

Bệnh viện cũng trúng thầu mua sắm được 2 gói thiết bị hệ thống nội soi đường tiêu hóa, đã có được gói thầu máy siêu âm X quang phục vụ công tác chiếu chụp. Tuần trước chúng tôi đã hoàn thành mua sắm 7 hệ thống phẫu thuật nội soi.

Số bệnh nhân cần nội soi từ 600- 800 ca/ngày, thậm chí cả nghìn ca nếu đủ thiết bị bệnh nhân không phải chờ. Trước đây 7- 8h sáng đã hết số nội soi nhưng hiện tại không còn người bệnh phải chờ.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, từ nay đến cuối năm, các thiết bị này được lắp đặt xong thì người bệnh đến Bạch Mai không phải chờ đợi khám chữa bệnh, đặc biệt là vấn đề chụp chiếu.

Song song với đó, các cơ quan chức năng cũng đã giúp bệnh viện thực hiện các thủ tục để đưa các thiết bị trước đây "đắp chiếu" do liên quan đến các vụ án vào tiếp tục sử dụng. Hiện nay, hầu hết các thuốc thiết yếu cơ bản đã đảm bảo.

Để có được kết quả nêu trên theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở đã kiện toàn Ban Phòng chống tham nhũng và giáo dục công tác phòng chống tham nhũng đến cán bộ làm công tác đấu thầu, mua sắm, để có thể tự tin mua sắm, không vướng vào vấn đề 'hoa hồng' với các nhà thầu.

Bên cạnh đó, trong các hợp đồng thầu, Bệnh viện đưa hẳn vào bài thầu vấn đề phòng chống tham nhũng với các công ty tham gia mua sắm.

Bệnh viện luôn tạo điều kiện bình đẳng, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp đủ điều kiện tư pháp tham gia đấu thầu, nhưng cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng, không mua chuộc cán bộ của Bệnh viện.

Nếu chúng tôi phát hiện các doanh nghiệp mua chuộc cán bộ, sẽ dừng hợp đồng, báo các cơ quan chức năng hỗ trợ Bệnh viện về vấn đề tư pháp.

Khâu này hết sức quan trọng, tránh tình trạng cán bộ thông đồng với các doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi có thương thảo hết sức chặt chẽ với các doanh nghiệp về vấn đề này.

Ngoài ra, Bệnh viện giáo dục cán bộ không được phép thông đồng với doanh nghiệp. Vì vậy, một loạt gói thầu của bệnh viện đã giảm được giá so với giá kế hoạch giảm từ 15-30%, nhờ đó giảm được ngân sách của nhà nước và ngân sách từ quỹ phát triển bệnh viện.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng mong muốn các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ Bệnh viện tạo môi trường trong sạch, công khai, minh bạch để hoạt động mua sắm, đấu thầu diễn ra một cách thuận lợi.

Với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức theo ông Dương Đức Hùng, Giám đốc, trong mua sắm, đấu thầu những gì thuộc về quy định của pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thì phải tuân thủ.

Những nội dung thuộc quy định của Bệnh viện, Ban lãnh đạo thống nhất cần phải rà soát, nếu những nội dung nào có thể rút ngắn để đẩy nhanh tiến độ mua sắm, phải rút ngắn ngay.

Trên thực tế, thời gian qua nhiều quy định trong quy trình đấu thầu, mua sắm của Bệnh viện đã được rút ngắn. Cùng đó, Ban Giám đốc giao các nhóm chuyên môn cụ thể như nhóm dược, nhóm vật tư có khoảng thời gian nhất định để thực hiện các công đoạn của việc đấu thầu, mua sắm.

Song song đó, Bệnh viện yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm phải báo cáo số liệu, đề xuất cụ thể. Ví dụ một số vật tư chỉ còn khoảng 3 ngày là hết, đơn vị phải gửi báo cáo về bộ phận vật tư, sau đó Ban Giám đốc hội ý, họp Hội đồng Khoa học để bàn thảo, nhận định việc thiếu này là thực sự cấp thiết, có ảnh hưởng đến cấp cứu, chữa trị bệnh nhân nặng, hồi sức hay không.

"Khi tập thể thống nhất việc này là cấp thiết và quyết định hình thức mua sắm theo tình huống khẩn cấp, Bệnh viện sẽ giao bộ phận chuyên môn tiến hành mua sắm để sớm có vật tư theo quy định", TS. Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, cũng theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện vận dụng cơ chế đặc thù. Đơn cử ví dụ với thuốc paracetamol trên thị trường hiện có muôn hình vạn trạng, khi đấu thầu mua sắm nếu không có hàng, Bệnh viện vận dụng có thể mua thay thế cùng hoạt chất.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, theo ông Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện cho biết, Bệnh viện đã vận dụng các giải pháp nên đã cơ bản đáp ứng tốt được cung ứng hóa chất, vật tư, sinh phẩm trong quá trình điều trị.

Ví dụ, trong đấu thầu, khi có kết quả thầu Bệnh viện đã chuẩn bị ngay kế hoạch đấu thầu kế hoạch đợt mua sắm sắp đến. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng có các dự báo về tình hình bệnh nhân, trang thiết bị, kỹ thuật… Nên dù sau dịch Covid-19 số lượng bệnh nhân tăng đột biến, cơ sở cũng vẫn cơ bản đảm bảo được nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh".

Tuy vậy, người đứng đầu Bệnh viện Trung ương Huế cho biết thêm, trong quá trình đấu thầu cũng có thể thiếu một số mặt hàng. Tuy nhiên, khi nhận thấy điều này, Bệnh viện đã có những giải pháp như lọc mặt hàng đó ra để đấu thầu lại; mua sắm trực tiếp; chào hàng cạnh tranh… để kịp thời, nhanh chóng có được những thuốc, hóa chất, vật tư.

"Thêm vào nữa, trong trường hợp thiếu do đứt gãy nguồn hàng hay do nhà cung cấp không có thì chúng tôi áp dụng sử dụng các loại thuốc, vật tư có tác dụng tương tự để thay thế cho thuốc, vật tư đang thiếu", Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế thông tin.

TPHCM: Làm rõ tình trạng thiếu hụt vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến việc thiếu vắc xin cho trẻ em tại cơ sở công lập.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư