Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bị “dọa” hạ tín nhiệm, ngân hàng Việt khẳng định thừa thanh khoản
Hà Tâm - 15/10/2019 09:27
 
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khẳng định, Moody’s xem xét hạ tín nhiệm 17 ngân hàng không phải dựa vào sức khỏe nhà băng. Thực tế, thanh khoản, đặc biệt là thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay.
Nếu khả năng Moody’s hạ bậc tín nhiệm xảy ra, ảnh hưởng lớn nhất là các ngân hàng sẽ phải huy động vốn với lãi suất cao hơn.
Nếu khả năng Moody’s hạ bậc tín nhiệm xảy ra, ảnh hưởng lớn nhất là các ngân hàng sẽ phải huy động vốn với lãi suất cao hơn.

Sức khỏe tốt kỷ lục vẫn có nguy cơ tụt hạng tín nhiệm

Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa thông báo xem xét hạ tín nhiệm quốc gia với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện là Ba3), với lý do chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ. Bị liên đới, 17 ngân hàng Việt cũng bị Moody’s xem xét hạ tín nhiệm.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều khẳng định, thực tế, Moody’s vẫn đánh giá cao sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt. Việc xem xét hạ tín nhiệm ngân hàng, doanh nghiệp hoàn toàn là do ảnh hưởng bởi hạ tín nhiệm quốc gia.  

“Như Vietcombank, hạn mức tín nhiệm đang ở mức tối đa, tức ngang bằng tín nhiệm quốc gia. Vậy nên, nếu tín nhiệm quốc gia bị hạ, thì tín nhiệm của Vietcombank cũng sẽ bị hạ xuống”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cũng cho hay, xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng, doanh nghiệp bao giờ cũng bị ảnh hưởng bởi xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Nếu xếp hạng tín nhiệm quốc gia nâng lên, thì xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp cũng được nâng lên và ngược lại.

“Tôi cho rằng, quyết định của Moody’s dựa trên yếu tố kỹ thuật hơn là đánh giá về khả năng, năng lực hay triển vọng. Thực tế, năng lực thanh khoản ngoại tệ Việt Nam đã cải thiện rất mạnh và đang rất vững so với thời điểm đầu năm, cũng như những năm trước đây”, ông Tùng nhận xét.

Theo ông Tùng, hàng loạt tổ chức quốc tế như ADB, WB… thường xuyên có đánh giá về Việt Nam và đều chung nhận định này. Thanh khoản ngoại tệ của quốc gia chưa bao giờ tốt như hiện nay, biểu hiện ở dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, vốn FDI, FII tăng mạnh, thậm chí NHNN phải tung tiền đồng ra mua bớt ngoại tệ vì đang dư cung. Dựa vào thanh khoản ngoại tệ, lẽ ra Việt Nam phải được nâng bậc chứ không phải hạ bậc.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, thời gian mà Moody’s xem xét là 3 tháng, điều này cũng khá lạ. Thông thường, các đơn vị tham gia xếp hạng sẽ được Moody’s xem xét đánh giá 6 tháng một lần, song lần này, Moody’s dự định xem xét trong 3 tháng. Điều này cho thấy, có thể Moody’s cũng nhận thấy, hạ mức tín nhiệm quốc gia với Việt Nam chưa phản ánh đúng thực chất.

Ngân hàng Việt có nguy cơ chịu lãi vay cao hơn

Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta Việt Nam) cho rằng, hiện Moody's chỉ xem xét, chưa phải là hạ tín nhiệm. Thực tế, hiện Việt Nam gần như không có rủi ro về khả năng thanh toán, bởi dự trữ ngoại hối dồi dào ở mức xấp xỉ 70 tỷ USD, tương đương gần 14 tuần nhập khẩu, thặng dư thương mại duy trì ở mức cao, đầu tư FDI tăng trưởng ổn định. Việc thanh toán các nghĩa vụ nợ của Việt Nam vẫn đang diễn ra bình thường…

Tuy nhiên, Yuanta Việt Nam cũng cảnh báo rằng, Moody's sẽ hạ tín nhiệm của Việt Nam, nếu quá trình điều tra xem xét kết luận khoảng trống về hành chính vẫn tồn tại và gây ra rủi ro về việc chậm trả nợ trong tương lai. Vì vậy, cảnh báo của Moody’s là động lực để Chính phủ khắc phục các vấn đề thể chế, thủ tục hành chính…

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán nhận định, nếu khả năng Moody’s hạ bậc tín nhiệm xảy ra, ảnh hưởng lớn nhất là các ngân hàng sẽ phải huy động vốn với lãi suất cao hơn (rủi ro tín dụng càng cao thì nhà đầu tư sẽ đòi hỏi lãi suất càng cao).

Dù vậy, không ít lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, ngay cả khi Moody’s hạ tín nhiệm ngân hàng do hạ tín nhiệm quốc gia, không phải nhà đầu tư nào cũng tăng lãi suất cho vay với ngân hàng Việt.

“Thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài tìm đến các ngân hàng Việt Nam để cho vay. Nếu Moody’s hạ tín nhiệm, quyết định có tăng lãi suất cho vay hay không phụ thuộc vào nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư thấy rằng, việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm là nguy hiểm cho khoản vay, họ sẽ nâng lãi suất cho vay. Còn nếu đánh giá việc hạ tín nhiệm này đơn thuần mang tính kỹ thuật, có thể họ cũng sẽ không tăng lãi suất cho vay, vì các nhà đầu tư cũng sợ mất cơ hội kinh doanh”, ông Tùng bình luận.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) bình luận, các chỉ báo riêng đo lường chất lượng tín dụng của các cổ phiếu ngân hàng trong danh mục theo dõi của 2 năm qua cải thiện ổn định. Việc điều chỉnh bậc tín nhiệm, nếu diễn ra, sẽ không phản ánh hợp lý các tiến bộ mà các ngân hàng đã thực hiện được thời gian qua.

Theo Bộ Tài chính, quyết định của Moody’s “dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp”. Khoản nợ mà Moody’s lấy cơ sở để hạ tín nhiệm Việt Nam là nợ được Chính phủ bảo lãnh, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Bộ Tài chính cho rằng, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Việt Nam chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Các chuyên gia dự báo, trong 3 tháng tới, Việt Nam sẽ làm việc chặt chẽ với Moody's để đảm bảo hạng tín nhiệm Ba3 của mình.

“Do kinh tế tốt lên, nên ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế muốn cho ngân hàng Việt Nam vay. Vì vậy, tôi cho rằng, ảnh hưởng của Moody’s xem xét hạ tín nhiệm với ngân hàng Việt Nam sẽ không nhiều. Tôi nghĩ, các ngân hàng cần quản lý thông tin tốt, giải thích thông tin đúng đắn cho người dân, nhà đầu tư”.

- Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB

[Infographic] Moody’s lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam
Trong báo cáo vừa công bố mang tên “Triển vọng Việt Nam: Khả năng phục hồi giữa sự bấp bênh của các thị trường mới nổi”, hãng xếp hạng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư