Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Biên chế sẽ chỉ giảm, không tăng
Hà Quang - 02/12/2014 08:56
 
() Đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kinh tế 11 tháng: Không có biểu hiện giảm phát
Những điểm nổi bật kinh tế 11 tháng năm 2014
  Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên  
  Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông báo những nội dung quan trọng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014. Ảnh: Hà Quang  

Năm 2015 không tăng biên chế

Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát trong thực thi công vụ, thực thi pháp luật và công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm.

Xem tường thuật chi tiết nội dung Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014 tại đây.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, trong năm 2015, không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án liên quan đến thực trạng bổ nhiệm hàm chức danh quản lý, lãnh đạo tại các Bộ, ngành hiện nay.

Xem chi tiết trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trước Quốc hội về vấn đề tinh giản biên chế tại đây.

Về biên chế cán bộ, báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội sáng 17/11/2014 cho biết, Chính phủ đã phê duyệt tổng biên chế trong các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2014 trên nguyên tắc giữ ổn định biên chế công chức đến năm 2016. Xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, trong tinh giản biên chế, bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng.

Các đối tượng thuộc diện tinh giản

Trong Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế được ban hành mới đây, Chính phủ quy định, cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

2- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

3- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn;

4- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác.

5- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

6- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp;

Bộ Chính trị đã thông qua phương án tinh giản biên chế với những giải pháp mạnh

Bộ Chính trị đã thông qua phương án tinh giản biên chế với những giải pháp mạnh

() Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, Bộ Chính trị đã thông qua đề  án tinh giản biên chế với những giải pháp mạnh.

7- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định 5 trường hợp tinh giản biên chế khác bao gồm:

Thứ nhất: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ) dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

Thứ hai: Viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

Thứ ba: Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Giám đốc, Phó giám đốc, Kế  toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004;

Thứ tư: Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, khi thôi làm đại diện phần vốn nhà nước, nhưng không bố trí được vị trí công tác mới;

Thứ năm: Những người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư