-
Lợi nhuận quý IV2024 của Sacombank tăng 68% -
Agribank tham gia hai dự án lớn về tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu -
Kinh doanh tích cực, TPBank được kỳ vọng tăng trưởng cao -
Thẻ Eximbank: Chìa khóa mở ra trải nghiệm độc đáo tại HOZO 2024 -
Chỉ số DXY vượt mốc 108 điểm, tỷ giá tăng áp lực -
USD neo cao trên đỉnh 13 tháng, giá vàng trồi sụt mạnh
Vàng nhẫn tăng khoảng 2 triệu đồng/lượng, giá thu mua nhiều nơi cao hơn vàng miếng
Tuần qua, vàng thế giới tiếp tục xác lập kỷ lục mới. Trong khi giá bán ra đối với sản phẩm vàng nhẫn ngày càng tiệm cận vàng miếng SJC, nhiều hãng vàng đã sớm nâng giá thu mua vàng nhẫn vượt xa.
Trong phiên thứ Sáu, giá vàng thế giới đã giảm gần 0,5% để khép lại tuần qua ở mức 2.658 USD/ounce do áp lực chốt lời sau khi vàng liên tục xác lập đỉnh cao mới. Tính chung cả tuần, vàng vẫn tăng 1,45%. Từ đầu năm, kim loại quý này cho hiệu suất gần 29%. Tương tự giá vàng giao ngay, hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12/2024 thậm chí có thời điểm vượt mốc 2.700 USD/ounce vào giữa tuần (26/9) và quay đầu giảm về mức 2.681 USD/ounce khi đóng cửa tuần qua.
Diễn biến giá vàng tại Bảo tín minh châu (Nguồn: BTMC) |
Giá vàng thế giới tăng lan toả sức nóng đến nhiều nơi. Tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải - sàn giao dịch vàng vật chất lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm giao dịch vàng lớn nhất châu Á, giá vàng xô đổ các kỷ lục trước đây và tiến gần hơn đến cột mốc 600 nhân dân tệ/gram.
Tại Việt Nam, dù giá vàng miếng SJC niêm yết tại các tổ chức “bất động”, vàng nhẫn vẫn tăng nóng. Giá bán ra đối với sản phẩm vàng nhẫn ngày càng tiệm cận vàng miếng SJC. Còn ở chiều mua vào, nhiều hãng vàng đã sớm nâng giá thu mua vàng nhẫn vượt xa.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), vàng miếng SJC tiếp tục đi ngang ở mức 81,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Hãng vàng này thu mua vàng nhẫn ở mức 81,5 triệu đồng/lượng, ngang ngửa giá mua vào đối với vàng miếng SJC; trong khi bán ra tại mức 83 triệu đồng/lượng. Trong khi, ở nhiều hãng vàng khác, chênh lệch mua – bán đã thu hẹp đáng kể. Tại DOJI, giá vàng nhẫn được công bố ở mức 82,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83,45 triệu đồng/lượng (bán ra). Bảo tín Minh Châu cũng công bố giá thu mua ở mức 82,54 triệu đồng/lượng. Chỉ trong vỏn vẹn một tuần, giá vàng đã tăng khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng.
Đây đã là tuần thứ ba liên tiếp giá vàng quốc tế đi lên. Xu hướng tìm đến kênh trú ẩn an toàn của vàng được củng cố khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ đầu năm 2020 hôm 19/9 với mức giảm 50 điểm cơ bản. Không kể các lần giảm lãi suất trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lần gần nhất Fed hạ lãi suất tới 50 điểm cơ bản là vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch hiện đang đặt cược khả năng cắt giảm tới 50 điểm cơ bản vào tháng 11 với tỷ lệ lên tới 56,7%. Còn lại, 43,3% đặt cược vào khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản. Các nhà giao dịch tự tin với khả năng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất sau động thái đầu tiên.
Ở kỳ họp tháng 9 vừa qua, theo biểu đồ Dot Plot - phản ánh trực quan về các dự báo lãi suất của các thành viên của FOMC, phần lớn các thành viên kỳ vọng lãi suất quỹ liên bang sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản trong hai cuộc họp cuối cùng của năm 2024 và giảm thêm 100 điểm cơ bản trong năm 2025, 50 điểm vào năm 2026.
Triển vọng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã hỗ trợ cho hiệu suất kỷ lục của vàng. Trong khi Fed có những bước đi đầu tiên hạ lãi suất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa qua công bố các chính sách quy mô lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, một loạt động thái nới lỏng chính sách tiền tệ được đưa ra như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%, ước tính giúp các ngân hàng tại Trung Quốc dự kiến có thêm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 142 tỷ USD) phục vụ cho các khoản vay mới. Đồng thời, lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày giảm thêm 0,2%; lãi suất cho vay trung hạn giảm 0,3%; và lãi suất cho vay cơ bản giảm 0,2% - 0,25%. Bên cạnh đó còn là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thông qua các khoản vay mua nhà hay giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán…
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tổng cộng đã bơm ròng 65.384 tỷ đồng ra thị trường qua kênh cầm cố. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh cho vay trên thị trường diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng bật tăng những phiên gần đây. Trong tháng 8 và tháng 9/2024, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần cắt giảm lãi suất trên thị trường OMO, đưa lãi suất trên thị trường này giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4%/năm.
Dù vậy, lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lên. Kết thúc tuần qua, lãi vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng (chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch trên thị trường liên ngân hàng) là 4,24%, tăng 0,7% so với tuần trước.
Giá vàng có thể bứt phá lên mức cao
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất USD 0,5% và dự báo giảm thêm trong thời gian tới sẽ hỗ trợ tích cực giá vàng. Đáng chú ý, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, mãi lực vàng tăng vào cuối năm, giá vàng có thể bứt phá lên mức cao so với hiện nay.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam |
Việc Fed giảm lãi suất USD đã được dự báo, nhưng mức giảm 0,5% là tương đối lớn và có khả năng giảm tiếp. Động thái này tác động ra sao đến giá vàng?
Theo các dự báo đưa ra, từ nay đến cuối năm, Fed sẽ còn 2 đợt giảm lãi suất USD vào tháng 11 và tháng 12/2024 tới, với mức giảm mỗi lần khoảng 0,25%, tức giảm tổng cộng 1% trong năm 2024. Năm 2025, Fed có thể giảm thêm 1-1,5% và tiếp tục giảm thêm trong 2026.
Sau lần Fed cắt giảm lãi suất USD vừa qua, giá vàng đã quay đầu giảm còn hơn 2.500 USD/ounce, sau khi tăng lên 2.600 USD/ounce. Khi giá vàng tăng lên mức cao 2.600 USD/ounce, nhiều nhà đầu tư chốt lời, bán ra nhiều hơn, nên giá vàng giảm xuống là điều dễ hiểu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2026, lãi suất USD giảm sẽ tác động lên sức khỏe USD, Chỉ số Dollar Index đi xuống và vàng được hưởng lợi, nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển tài sản vào “hầm trú ẩn vàng”.
Chỉ số Dollar Index khả năng giảm xuống mức bao nhiêu sau khi Fed giảm lãi suất?
Lãi suất USD được dự báo tiếp tục được Fed cắt giảm xuống 2-3% trong tương lai. Thậm chí, nếu lạm phát Mỹ xuống thấp, ngân hàng Trung ương Mỹ tiếp tục xem xét cắt giảm lãi suất. Trong quá khứ, Fed từng giảm lãi suất USD chỉ còn 0,25-0,5%, nên không có điều gì đáng ngạc nhiên nếu lãi suất USD về lại mức này.
Chỉ số Dollar Index hiện tiệm cận mức 100 điểm cũng có thể giảm thêm hoặc tăng trở lại, nhưng khả năng sẽ trong xu hướng giảm, bởi lãi suất USD đang được Fed cắt giảm dần. Một khi sức khỏe của USD đi xuống, các nhà đầu cơ, đầu tư sẽ tìm đến kênh an toàn cho đồng vốn, đó chính là vàng.
Theo ông, khả năng giá vàng sẽ tăng lên mức bao nhiêu vào cuối năm nay?
Giá vàng được dự báo còn tăng lên mức 2.700 USD/ounce trong những tháng cuối năm nay, do nhu cầu về vàng tăng trong quý IV. Dù những tháng gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tạm dừng mua vàng, nhưng một số ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục mua vàng. Cụ thể, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào khoảng 400 tấn vàng trong nửa đầu năm nay, dự báo cả năm đạt mức 800 tấn vàng.
Đáng chú ý là, tình hình địa chính trị trên thế giới cho thấy, còn nhiều căng thẳng ở một số quốc gia Trung Đông, nên nhiều nhà đầu tư vẫn muốn giữ tài sản cho đồng vốn ở “hầm trú ẩn vàng”. Do đó, triển vọng của vàng còn sáng trong thời gian tới và mức giá 3.000 USD/ounce có thể cũng không còn quá xa trong năm 2025.
Từ năm ngoái đến nửa đầu năm nay, giá vàng đã tăng hơn 30-35%, nên theo tôi, để đạt được mức 3.000 USD/ounce, giá vàng cần tăng thêm khoảng 25% là điều không quá khó, nếu các yếu tố trên tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Với tỷ suất lợi nhuận cao, thì rủi ro khi đầu tư vào vàng cũng sẽ tương ứng, nhất là đối với thị trường nội địa không được liên thông với thị trường quốc tế, thưa ông?
So với các kênh đầu tư khác, vàng hiện vẫn được xem là kênh đầu tư “sáng”. Trung bình giá vàng tăng không dưới 25% trong một năm, lợi nhuận thu về cao hơn các kênh đầu tư chứng khoán, tiết kiệm… Điều này cho thấy, cầu vàng trên thế giới tiếp tục tăng cao.
Tuy nhiên, theo tôi, cũng như các kênh đầu tư khác, để an toàn và hạn chế rủi ro, nhà đầu tư không nên “bỏ trứng vào một rổ”, mà có thể chia nhỏ danh mục đầu tư và rót vốn vào những kênh mà nhà đầu tư có sự hiểu biết, cũng như tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Xu hướng tỷ giá giảm sau khi Fed giảm lãi suất
Diễn biến tỷ giá và lãi suất VND phản ánh xu hướng tích cực sau quyết định giảm 0,5% lãi suất USD mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Sau hơn một năm giữ lãi suất tham chiếu ở mức 5,25-5,50%, Fed đã bỏ phiếu thống nhất cắt giảm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 17-18/9, đưa lãi suất tham chiếu xuống còn 4,75-5%. Mức giảm 50 điểm phần trăm có vẻ đồng thuận với quan điểm ôn hòa hơn căn cứ theo định giá của thị trường, chứng minh cho lập trường ôn hòa hơn của thị trường.
Điều đáng nói là, sau động thái trên của Fed, tỷ giá và lãi suất VND đã phản ứng tích cực. Cụ thể, ngày 25/9, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.134 VND/USD, giảm 12 VND so với hôm 24/9. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đi xuống, Vietcombank giảm 40 VND ở cả chiều mua và bán; Eximbank giảm 80 VND ở chiều mua và 60 VND ở chiều bán…
Nguyên nhân một phần do giá USD thế giới quay đầu sụt giảm, Chỉ số USD-Index ngày 25/9 rớt xuống dưới ngưỡng 100 điểm và chỉ còn 99,95 điểm, giảm 0,65 điểm so với hôm trước đó. Đồng bạc xanh bị nhiều nhà đầu tư bán tháo sau khi Fed chính thức giảm lãi suất.
Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, giá USD thế giới giảm kéo theo tỷ giá trong nước giảm sau thời gian dài tăng cao. Việc Fed cắt giảm lãi suất USD lần này cũng làm đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất tiết kiệm VND trong nửa đầu năm 2024.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB cho rằng, Fed có khả năng giảm thêm 0,5% lãi suất trong năm nay. “Chúng tôi duy trì kỳ vọng cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản vào năm 2025 (cắt giảm 25 điểm cơ bản mỗi quý). Mức lãi suất USD cuối cùng mà chúng tôi dự báo là 3,25% dự kiến đạt được vào đầu năm 2026, trong khi quan điểm dài hạn của Fed là 2,9%”, ông Suan nói.
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, HSBC dự báo, Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp chính sách từ nay tới cuối năm, cũng như 4 cuộc họp tiếp theo vào năm sau, đưa phạm vi lãi suất tham chiếu xuống còn 3,25 - 3,50% vào tháng 6/2025. Điều này sẽ tác động tích cực lên tỷ giá và lãi suất VND.
Các chuyên gia của Ngân hàng UOB cho rằng, cùng chung diễn biến với các đồng tiền trong khu vực, VND đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, phục hồi 3,2%, đạt mức 24.630 VND/USD. Tuy nhiên, áp lực từ sức mạnh của USD đang giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn của VND. Đà tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam được thúc đẩy bởi cả hoạt động sản xuất và thương mại nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2025.
UOB kỳ vọng, chính sách tiền tệ ổn định từ Ngân hàng Nhà nước với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng hỗ trợ cho VND. Tuy nhiên, đà tăng thêm của VND khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự quý III/2024. Dự báo, tỷ giá ở mức 24.500 VND/USD trong quý IV/2024, 24.300 VND/USD trong quý I/2025, 24.100 VND/USD trong quý II/2025 và 23.900 VND/USD trong quý III/2025.
“NHNN có thể áp dụng cách tiếp cận theo trọng tâm hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong khu vực của họ, thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Chúng tôi dự đoán, NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%, trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác”, ông Suan Teck Kin nói.
Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), việc Fed giảm lãi suất USD vừa qua và dự kiến còn hai lần cuối năm nay sẽ tác động tích cực và giảm áp lực lên tỷ giá. Thực tế, áp lực lên tỷ giá đã giảm đáng kể trong tháng 8/2024 nhờ sự suy yếu của USD khi thị trường gần như đạt được kỳ vọng Fed giảm lãi suất.
Ngân hàng quốc doanh trắc trở tăng vốn
Từ đầu năm đến nay, trong khi khối ngân hàng thương mại cổ phần rầm rộ tăng vốn thì nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vẫn giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là việc tăng vốn phải qua quá nhiều vòng xét duyệt, trong khi việc bán vốn gặp nhiều trắc trở thị trường.
Trong phiên họp diễn ra tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết và phương án bổ sung hơn 20.000 tỷ đồng vốn nhà nước cho Vietcombank. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc tăng vốn sẽ giúp Vietcombank nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, khẳng định vai trò “sếu đầu đàn” trong ngành tài chính - ngân hàng.
Trước đó, tại buổi làm việc với các ngân hàng thương mại cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngân hàng phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á.
Thực tế, không chỉ với Vietcombank, việc tăng vốn hiện nay rất cấp bách với tất cả ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác, bao gồm VietinBank, Agribank và BIDV. Nhóm ngân hàng này giữ vị trí chủ lực trong bơm vốn cho nền kinh tế, là cánh tay nối dài của NHNN trong thực hiện chính sách tiền tệ và tín dụng, luôn đi đầu trong giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém…
Tuy vậy, trong khi các ngân hàng TMCP tư nhân dễ dàng thực hiện kế hoạch tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, thì khối ngân hàng TMCP nhà nước phải trải qua quá trình xét duyệt lâu dài để nhận được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. Điều này khiến nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh ngày càng tụt lùi trong cuộc đua thứ hạng về vốn điều lệ so với các ngân hàng TMCP tư nhân. Vốn điều lệ của nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như Techcombank, VPBank… đang “vượt mặt” khối ngân hàng TMCP nhà nước.
Ngoài Vietcombank đang chờ đợi để được tăng vốn, thì BIDV, VietinBank và Agribank cũng thấp thỏm chờ được tăng vốn. Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, BIDV thông qua phương án phát hành thêm gần 1,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ 21% số cổ phiếu đang lưu hành vào cuối năm 2023 và dự kiến chi tiếp 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2023. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tại VietinBank, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết, đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép Ngân hàng giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Các bước tiếp theo vẫn đang trong quá trình tiến hành. Ngân hàng cũng đề nghị được chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu để tăng vốn, nhưng chưa được chấp thuận.
Với Agribank, Nghị quyết Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2030 tương ứng số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng (năm 2023 là 6.753 tỷ đồng và năm 2024 là 10.347 tỷ đồng). Tuy nhiên, hiện Agribank mới được bổ sung 6.753 tỷ đồng (cuối năm 2023).
Ngoài chia cổ tức để tăng vốn, các ngân hàng TMCP nhà nước có thể tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài, song kế hoạch này không dễ thực hiện.
Đầu năm nay, Vietcombank đặt kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5%, trong khi BIDV đặt mục tiêu phát hành riêng lẻ 9%. Thương vụ dự kiến mang về cho mỗi ngân hàng hơn 1 tỷ USD. Tuy vậy, theo nguồn tin của Công ty chứng khoán MBS, kế hoạch của hai “ông lớn” này đều đang phải tạm hoãn.
Trong khi đó, VietinBank đã cạn room vốn ngoại, việc tăng vốn chỉ còn dựa vào cách chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành trái phiếu cấp 2.
Trước tình trạng thấp thỏm chờ tăng vốn hàng năm, lãnh đạo các ngân hàng thương mại trong nhóm Big 4 đề nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế dài hơi để các ngân hàng này có thể tăng vốn bền vững và chủ động hơn.
Theo lãnh đạo Agribank, ngay cả khi được cấp đủ 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2023, thì số vốn tăng thêm cũng chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của Ngân hàng”, Chủ tịch Agribank kiến nghị.
Trong khi đó, VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép Ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm trong vòng 5 năm (giai đoạn 2024 - 2028) để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hơn 65.000 tỷ đồng ra thị trường; 12 ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 9
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng ra thị trường 65.384 tỷ đồng qua kênh cầm cố. NHNN tăng hỗ trợ thanh khoản trong bối cảnh lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng tăng lên.
Trong phiên giao dịch hôm qua, NHNN tiếp tục bơm ròng 18.884 tỷ đồng qua kênh cầm cố. Tổng kết trong tuần, NHNN đã bơm ròng 65.384 tỷ đồng ra thị trường qua kênh cầm cố.
Việc ngân hàng Nhà nước tăng mạnh cho vay trên thị trường mở (những tuần trước, lượng chào thầu mỗi phiên của Ngân hàng Nhà nước chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng/phiên) diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng bật tăng những phiên gần đây.
Bất chấp động thái tăng bơm tiền của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lên. Kết thúc tuần qua, lãi vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng (chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch trên thị trường liên ngân hàng) là 4,24%, tăng 0,7% so với tuần trước.
Trong tháng 8 và tháng 9/2024, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần cắt giảm lãi suất trên thị trường OMO, đưa lãi suất trên thị trường này giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4%/năm.
Trước đó, trong tháng 4 và tháng 5/2024, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần tăng lãi suất trên thị trường OMO, đẩy lãi suất trên thị trường này tăng từ mức 4% lên mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã có thời điểm chạm gần mốc 5%/năm.
Việc Fed cắt giảm lãi suất 0,5% ngày 18/9 đã khiến áp lực tỷ giá trong nước bớt căng thẳng, lãi suất huy động trên thị trường dân cư tiếp tục tăng, song đã bớt “nóng” so với 3 tháng gần đây.
Trong tháng 9/2024, có tổng cộng 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động trong khi tháng 7, tháng 8, tháng 9 có tới trên dưới 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động mỗi tháng.
Thống kê của NHNN cho thấy, trong tháng 8/2024, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước đang ở mức: 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,6-3,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-4,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,3-6,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8-9,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).
Lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1-5,0%/năm đối với ngắn hạn; 6,3-7,3%/năm đối với trung và dài hạn.
Kéo dài cơ cấu nợ, tham mưu thực hiện khoanh nợ cho khách hàng thiệt hại bởi bão lũ
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Trong Chỉ thị, Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Trong đó, cần chủ động nghiên cứu những tác động, ảnh hưởng của cơn bão số 3 đến việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là hạn mức tín dụng, nhu cầu vốn và thanh khoản cho nền kinh tế nói chung, NHTM nói riêng để có các giải pháp điều hành phù hợp.
Thứ hai, phải kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình, mức độ ảnh hưởng của khách hàng vay vốn bởi bão lũ để đề xuất các chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng phù hợp, kịp thời góp phần tích cực, hiệu quả hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn; tiếp tục tham mưu cho Thống đốc NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.
Thứ ba, tham mưu cho Thống đốc NHNN báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng bị thiệt hại nặng nề về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả bão lũ xảy ra trên phạm vi rộng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/5/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và các văn bản hưởng dẫn của NHNN.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông ngành ngân hàng, tăng cường hiệu quả phối hợp để tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Ngân hàng Nhà nước Trung ương đến NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, giữa NHNN với các đơn vị báo chí trong ngành và các TCTD nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN về các giải pháp và kết quả triển khai của ngành ngân hàng hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Thông tin kịp thời, thường xuyên về các kết quả hỗ trợ của các TCTD đối với người dân, doanh nghiệp.
Thứ năm, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3; cùng với việc xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, NHNN yêu cầu chủ động phối hợp với các sở, ngành và cơ quan liên quan nắm bắt mức độ ảnh hưởng của bão lũ đối với khách hàng vay vốn, đánh giá thiệt hại vốn vay của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để: (i) tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; (ii) chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 theo quy định pháp luật. Báo cáo số liệu thiệt hại về NHNN (qua Vụ Tín dụng CNKT) trước ngày 25/9/2025 và cập nhật thường xuyên số liệu này.
Đồng thời, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phải chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố để chỉ đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trên địa bàn thực hiện hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thủ tục khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 6/9/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và hướng dẫn của NHNN tại Công văn số 663/NHNN-TD ngày 28/1/2021 và quy định pháp luật có liên quan.
Với các tổ chức tín dụng, NHNN chỉ đạo khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão để triển khai kịp thời với trách nhiệm cao nhất, khẩn trương nhất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 theo chỉ đạo của NHNN tại Công văn số 7417/NHNN-TD ngày 9/9/2024.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho vay khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành.
Thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 và các văn bản hướng dẫn của NHNN về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Chủ động báo cáo NHNN chi nhánh trên địa bàn để báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thủ tục khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 và các văn bản hướng dẫn của NHNN về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 và Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hướng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng các chương trình, các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới theo quy định hiện hành trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ phiền hà, khẩn trương xét duyệt cho vay mới và tạo điệu kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay nhất là vấn đề tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh sau bão. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc đối với an toàn của TCTD, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Đồng thời, kịp thời thông tin về các chính sách, giải pháp của NHNN và ngân hàng mình; chủ động xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh theo quy định; kịp thời đề xuất báo cáo Thống đốc NHNN, cơ quan chức năng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Các tổ chức Hiệp hội trong ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò kết nối các TCTD, tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa các ngân hàng thành viên trong triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Giao dịch lừa đảo đã giảm 50% sau một tháng áp dụng xác thực sinh trắc học
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước -NHNN) cho hay, lượng giao dịch lừa đảo trong tháng 8/2024 đã giảm 50% so với con số trung bình 7 tháng đầu năm sau khi NHNN áp dụng xác thực sinh trắc học.
Theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 1/7/2024, khách hàng khi chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay, sau khi áp dụng Quyết định 2345, đến nay đã có 38 triệu tài khoản ngân hàng và 1 triệu ví điện tử đã được đối chiếu sinh trắc học. Số lượng giao dịch lừa đảo qua tài khoản ngân hàng cũng giảm rõ rệt. Cụ thể, lượng giao dịch lừa đảo trong tháng 8/2024 đã giảm 50% so với con số trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo gian lận được phát hiện chỉ còn 682 tài khoản, giảm 72% so với số lượng trung bình của 7 tháng đầu năm 2024.
Mục tiêu chính của NHNN khi đưa ra Quyết định 2345 là đảm bảo người thực hiện giao dịch phải là chính chủ tài khoản ngân hàng, tài khoản ví, chủ thẻ, qua đó góp phần ngăn chặn tình trạng lợi dụng, thuê mượn tài khoản để gian lận, lừa đảo. NHNN khẳng định, tốc độ thu thập thông tin sinh trắc học sẽ tăng lên nhanh chóng.
Theo quy định của Thông tư 17/2024/TT-NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán, từ 1/1/2025, khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng thanh toán chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử (online) khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tuỳ thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức). Như vậy, đến năm 2025, tất cả chủ thẻ, chủ tài khoản đều phải hoàn tất đối chiếu sinh trắc học thì mới thực hiện được giao dịch bằng phương tiện điện tử.
"Điều này không có nghĩa là tất cả giao dịch phải đối chiếu kiểm tra sinh trắc học, nhưng là điều kiện cần để đăng ký mobile banking, internet banking là khách hàng phải hoàn tất đối chiếu sinh trắc học. Việc áp dụng xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng. Thực tế, từ khi áp dụng Quyết định 2345 về xác thực sinh trắc học, lượng giao dịch qua Napas vẫn như trước, chứng tỏ quy định về xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng đến thanh toán không dùng tiền mặt, trải nghiệm khách hàng mà lại mang đến hiệu quả tích cực trong phòng chống lừa đảo, gian lận", ông Tuấn khẳng định.
Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm cao (A05) Bộ Công an cũng đánh giá, qua những thống kê ban đầu từ phía ngân hàng, A05 nhận thấy quy định xác thực sinh trắc học đã có tác dụng hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng tài khoản cá nhân để chuyển tiền.
Tuy vậy, ông Bách cảnh báo, từ khi NHNN áp dụng xác thực sinh trắc học với tài khoản cá nhân, hiện nay, đối tượng lừa đảo đang chuyển đổi chiêu thức, "dụ" người dân chuyển tiền vào tài khoản doanh nghiệp.
Cụ thể, đối tượng phạm tội lập doanh nghiệp ảo, mở tài khoản của doanh nghiệp ảo để lừa người dân chuyển tiền vào các tài khoản lừa đảo này. Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh đã bị lừa mua các sản phẩm làm đẹp, tham gia đầu tư qua mạng, nhận quà tặng... và chuyển tiền lừa đảo vào các tài khoản doanh nghiệp "ma" này.
Gánh nặng dự phòng nợ xấu có nguy cơ tăng vọt tại các ngân hàng
Nếu không có cơ chế hỗ trợ, năm nay, hàng loạt ngân hàng sẽ đứng trước nguy cơ trích lập dự phòng nợ xấu đột ngột tăng vọt, ăn mòn lợi nhuận.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tuần qua, dư nợ thiệt hại bởi bão lụt tại các tỉnh phía Bắc là 115.00 tỷ đồng. Tính đến tuần này, con số thiệt hại có thể đã lên tới 1% dư nợ của toàn hệ thống. Như vậy, nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng tăng lên là rất lớn. Đặt trong bối cảnh nợ xấu tăng nhanh từ đầu năm, áp lực với các ngân hàng càng thêm căng thẳng.
Báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần cuối tuần qua, Phó thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, tính đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng TMCP tư nhân tại thời điểm cuối tháng 6/2024 lên tới 7,77%.
Trước tình hình này, lãnh đạo của hàng loạt ngân hàng kiến nghị NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ. “Hiện tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống còn ở mức cao, do đó, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, Chính phủ nên xem xét việc gia hạn hiệu lực của Thông tư 06/2024/TT-NHNN về cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ tới sau ngày 31/12/2024 với các hướng dẫn cụ thể hơn về giãn, hoãn, thời hạn trả nợ”, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank kiến nghị.
Tương tự, Tổng giám đốc Agribank kiến nghị NHNN kéo dài cơ chế cơ cấu nợ thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ lụt, trên cơ sở cân đối dòng tiền của khách hàng, không giới hạn thời điểm giải ngân, áp dụng đối với khoản nợ đến hạn trước ngày 30/6/2025.
Không chỉ nợ xấu có nguy cơ gia tăng, mà việc thu hồi, xử lý nợ năm nay với các ngân hàng cũng gặp khó hơn các năm trước do Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Việc xử lý tài sản đảm bảo hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình tố tụng và bán tài sản đảm bảo - thường kéo dài rất lâu.
Theo ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB, tình trạng trên khiến các ngân hàng gặp khó khăn vì phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng cho biết, tình trạng trên khiến các ngân hàng bị kẹt dòng tiền, ảnh hưởng đến việc tái tài trợ cho nền kinh tế, cũng như hỗ trợ khách hàng.
Trước tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân và áp lực của các tổ chức tín dụng, gần như chắc chắn NHNN sẽ cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Tất nhiên, việc kéo dài cơ cấu nợ sẽ khiến bức tranh nợ xấu ngày càng khó lường, nợ xấu chưa tăng nhanh ngay lập tức, song nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu sẽ ngày càng tăng. Đây là lý do theo cơ chế hiện hành, NHNN yêu cầu các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 100% cho khoản nợ được giãn, hoãn.
Nếu cơ chế này được tiếp tục, khi NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ sang năm 2025, nợ xấu năm nay và năm 2025 có thể chưa tăng vọt, song các ngân hàng sẽ đứng trước áp lực tăng vọt trích lập dự phòng rủi ro. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận, mà còn ảnh hưởng đến dòng tiền của các ngân hàng. Do đó, nhiều ngân hàng kiến nghị NHNN cần có cơ chế phù hợp với trích lập dự phòng rủi ro.
“Các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ một số cơ chế chính sách để ngân hàng có thể tái đầu tư, hỗ trợ tốt hơn đối với khách hàng, bao gồm cơ chế hỗ trợ tài chính và cơ chế trích lập, phân bổ dự phòng rủi ro phù hợp cho các tổ chức tín dụng”, lãnh đạo một ngân hàng thuộc nhóm Big 4 đề xuất.
Trước đó, Nghị quyết 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 của Chính phủ cũng giao NHNN căn cứ quy định tại khoản 4, Điều 147, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3.
Liên quan tới vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, NHNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, nghiên cứu, bổ sung những nội dung liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro (làm căn cứ cho việc xây dựng cơ chế), giãn, hoãn thời hạn trả nợ (dành riêng cho đối tượng chịu thiệt hại từ bão số 3), để sớm trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đề xuất cơ chế đặc biệt về dự phòng rủi ro, các ngân hàng cũng kiến nghị các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, xem xét các biện pháp thay thế thu giữ tài sản đảm bảo, có hướng dẫn cụ thể về khởi kiện với cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo… Việc thu hồi nợ không chỉ đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng, mà còn giúp các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ vòng quay đồng tiền, tái đầu tư cho nền kinh tế.
Có đến 50% trái phiếu bất động sản nguy cơ chậm trả 12 tháng tới
Khả năng trả nợ của nhiều chủ đầu tư đang suy yếu do đòn bẩy tài chính tăng nhanh hơn dòng tiền hoạt động. Việc phụ thuộc nhiều vào các khoản vay ngắn hạn gây ra rủi ro tái cấp vốn đáng kể.
Theo báo cáo của VIS Rating, tình hình vay nợ của các doanh nghiệp bất động sản tăng cao trong nửa đầu năm 2024. Khả năng trả nợ của một số công ty có thể gặp khó trong giai đoạn tới.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng nợ của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do việc phát triển Dự án mới của Văn Phú (+54%), DIC Corp(+59%) và Khang Điền (+33%).
Tỷ lệ đòn bẩy sẽ tiếp tục tăng khi các chủ đầu tư huy động thêm nợ để phát triển dự án mới. Tỷ lệ nợ/EBITDA của ngành đã tăng lên 3,7 lần trong 6 tháng đầu năm, từ mức 2,7 lần trong năm 2023.
Ngoài ra, nguồn tiền mặt đã tăng 5%, dòng tiền hoạt động phục hồi nhẹ, nhưng vẫn ở mức âm trong nửa đầu năm.
Theo VIS Rating, hơn 2/3 chủ đầu tư niêm yết có dòng tiền để trả nợ từ mức yếu đến cực kỳ yếu, cụ thể là dòng tiền hoạt động dưới 5% tổng nợ, đặc biệt là những chủ đầu tư bị ảnh hưởng bởi các vấn đề pháp lý dự án.
"Việc phụ thuộc nhiều vào các khoản vay ngắn hạn gây ra rủi ro tái cấp vốn đáng kể", báo cáo của VIS Rating nêu.
Theo đó, tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng nợ của các chủ đầu tư niêm yết duy trì mức cao, khoảng 44% trong quý II, trong đó, các công ty có lượng tiền mặt hạn chế như Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang, Năm Bảy Bảy, Quốc Cường Gia Lai, Kosy có nhu cầu tái cấp vốn cao nhất.
Với khoảng 105.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn trong năm 2025, VIS Rating ước tính khoảng 50% trái phiếu đáo hạn của các chủ đầu tư trong 12 tháng tới có nguy cơ chậm trả gốc lãi, phần lớn liên quan đến các chủ đầu tư đã chậm trả gốc/lãi gần đây.
Phát hành trái phiếu bất động sản mới trong 8 tháng giảm 5% so với cùng kỳ. VIS Rating dự báo việc phát hành trái phiếu sẽ duy trì ở mức thấp do các yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn và những thay đổi sắp tới trong luật chứng khoán.
VIS Rating kỳ vọng 12-18 tháng tới, các chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển dự án mới và bổ sung vào nguồn cung nhà ở. Dòng tiền sẽ cải thiện từ hoạt động bán hàng nhanh hơn, nhưng các chủ đầu tư sẽ phải huy động thêm nợ để tài trợ phát triển dự án mới.
Trong nửa đầu năm, doanh số bán hàng mới của một số chủ đầu tư như Vinhomes, Khang Điền, Nam Long, Đất Xanh tăng trung bình 31% so với cùng kỳ năm trước. Việc đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển dự án và thúc đẩy nguồn cung nhà ở mới.
-
Thẻ Eximbank: Chìa khóa mở ra trải nghiệm độc đáo tại HOZO 2024 -
Cơ hội vay vốn tiền tỷ với lãi suất từ 0% dành riêng cho các chủ shop -
Chỉ số DXY vượt mốc 108 điểm, tỷ giá tăng áp lực -
USD neo cao trên đỉnh 13 tháng, giá vàng trồi sụt mạnh -
Sacombank tích cực triển khai các giải pháp thanh toán không tiền mặt cho giao thông xanh TP.HCM -
Ngân hàng đối mặt với rủi ro công nghệ -
Agribank vinh dự đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2022, 2023
- Nhà máy Quang Lân - Sơn Tuylips đồng hành cùng xu hướng "Marketing Xanh"
- Tủ đông Kangaroo là Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất 2024
- Chào bán phần vốn góp của Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa tại Công ty cổ phần Đầu tư Tín Nghĩa Á Châu
- Doanh nghiệp xuất nhập khẩu gia tăng lợi thế từ giải pháp Techcombank
- Đăng tin bất động sản dễ dàng, nhanh chóng với nền tảng Radanhadat.vn
- Giải pháp tài chính trọn gói dành cho doanh nghiệp SME và Start-up