Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ Giao thông đề xuất lùi thời hạn tăng phí đường bộ 23 dự án BOT Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14
Anh Minh - 06/01/2016 07:49
 
Các nhà đầu tư đang khá lúng túng với đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc lùi thời hạn tăng phí đường bộ cho 23 dự án BOT trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 tới ngày 1/6/2016.

Lùi tăng phí, nhà đầu tư buồn

Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông là một trong những nhà đầu tư đầu tiên không muốn lùi thời hạn tăng phí qua 2 trạm thu phí Km1887+600 và Km1945 +440 đường Hồ Chí Minh để hoàn vốn cho Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817 - Km887 Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh Km1876 - Km1946).

Trong văn bản gửi Bộ GTVT 3 ngày sau khi đề xuất tạm lùi thời điểm thu phí của Bộ được đưa ra, BOT Đức Long Đắk Nông muốn tiếp tục giữ nguyên lộ trình tăng phí kể từ ngày 1/1/2016.

Trước đó, vào ngày 25/12/2015, Bộ GTVT đã có Văn bản số 17178/BGTVT - TC gửi 23 nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT (đã có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016) tạm lùi thời hạn tăng phí đến ngày 1/6/2016, đồng thời căn cứ tình hình thực tế, chỉ số trượt giá để tính toán điều chỉnh mức phí cho phù hợp, thỏa thuận với UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT để đề nghị Bộ Tài chính xem xét quyết định điều chỉnh Thông tư thu phí sử dụng đường bộ, dự thảo phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh cho phù hợp.

Việc lùi thời hạn tăng phí 23 Dự án BOT trên QL 1 và QL14 khiến các chủ đầu tư lo không thu hồi được vốn đầu tư. Ảnh: Đ.T
Việc lùi thời hạn tăng phí 23 dự án BOT trên QL 1 và QL14 khiến các chủ đầu tư lo không thu hồi được vốn đầu tư. Ảnh: Đ.T

Ngoài lý do mang tính kỹ thuật là vé theo mệnh giá cũ đã hết, thời gian in vé mới tốn ít nhất 12 ngày, theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông, nhà đầu tư này khó có thể lùi thời hạn tăng phí thêm 6 tháng nữa, do áp lực từ hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng tài trợ vốn vay.

Nếu chiểu theo Thông tư số 114/TT - BTC ngày 10/8/2015 của Bộ Tài chính quy định mức thu phí sử dụng đường bộ qua 2 trạm thu phí của Đức Long - Đắk Nông, kể từ ngày 1/1/2016, nhà đầu tư được phép áp dụng mức thu cao gấp 3,5 lần mức thu phí đường bộ quy định tại Thông tư số 90/2004/TT - BTC ngày 7/9/2004 của Bộ Tài chính.

Cụ thể, mức thu mới qua 2 trạm  này sẽ dao động từ 35.000 đồng/lượt và 1.050.000 đồng/tháng đối với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt cộng cộng đến 200.000 đồng/lượt và 6 triệu đồng/tháng đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet.

Cũng giống như Đức Long Đắk Nông, Tập đoàn Trường Thịnh - nhà đầu tư của 2 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 qua Quảng Bình cho rằng, việc tạm dừng tăng phí đến 1/6/2016 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tín dụng của ngân hàng và doanh nghiệp dự án, bởi kể từ ngày công trình được đưa vào khai thác, nhà đầu tư đã phải thực hiện nghĩa vụ trả lãi và nợ gốc.

Trong khi đó, lộ trình tăng phí gấp 3,5 lần mức thu phí cơ bản của Thông tư 90 được xác lập rất rõ trong hợp đồng BOT ký bởi nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chính là cơ sở xây dựng phương án tài chính Dự án, cũng như hợp đồng tín dụng tài trợ vốn vay.

“Nếu không có nguồn thu trả nợ thì sẽ bị nợ quá hạn và rơi vào nhóm nợ xấu, làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư”, ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Thịnh cho biết.

Quả bóng trong chân ngân hàng

Cần phải nói thêm rằng, ngay cả khi đã nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính, thì nhiều nhà đầu tư vẫn đợi thông tin cuối cùng từ Bộ GTVT đối với vấn đề nhạy cảm này. “Mặc dù không có tính pháp lý cao bằng các thông tư ấn định lộ trình tăng phí, nhưng nếu Bộ GTVT không giải thích lại chủ trương mang tính khuyến cáo này, rất nhiều chủ phương tiện sẽ không chấp hành mức thu phí mới”, một nhà đầu tư lo ngại.

Nhà đầu tư này cũng cho biết là việc có lùi thời hạn thu hay điều chỉnh mức thu, nhà đầu tư sẽ phải chờ ý kiến của các ngân hàng. Bởi đối với dự án BOT giao thông, thì tiếng nói của các ngân hàng thường khá “gang thép”, do họ tài trợ từ 75% - 80% tổng mức đầu tư công trình.

Hiện Bộ GTVT tiếp tục bảo vệ quan điểm lùi thời hạn tăng phí nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người tham gia giao thông.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, trong quá trình thương thảo hợp đồng dự án, Bộ GTVT và các nhà đầu tư đã căn cứ vào dự kiến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và mức phí trần quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 để đưa ra lộ trình tăng mức phí cho từng giai đoạn (trong đó có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016).

“Nhờ sự điều hành chặt chẽ, sát sao, hiệu quả của Chính phủ nên CPI tăng thấp hơn nhiều so với mức dự kiến. Đây là cơ sở quan trọng nhất để lùi thời hạn và đàm phán lại mức phí mới”, ông Trường cho biết.

Liên quan đến ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng, để lùi thời hạn tăng phí tại 23 trạm thì phải sửa 23 thông tư, ông Trường cho rằng, về mặt pháp lý thì 23 thông tư hay hàng trăm thông tư, nếu cần thay đổi vẫn phải thay đổi. “Nhưng thay đổi đó như thế nào để phù hợp với thực tiễn thì phải cân đối giữa ba yếu tố: hoàn vốn của nhà đầu tư, sức chịu đựng của người dân và sức tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Trường phân tích.

Cũng theo ông Trường, phương án xây dựng mức phí BOT hiện khá hợp lý, phụ thuộc vào các yếu tố: tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp; khả năng thu  hồi vốn của nhà đầu tư. Ba yếu tố này hình thành nên cơ chế giá. “Theo rà soát, từ năm 2002 trở lại đây cứ 3 đến 5 năm phải điều chỉnh giá để phù hợp với tốc độ tăng CPI. Từ năm 2002 tới nay mới tăng phí 2 lần, không tính cho đường cao tốc. Lần đầu tăng 10.000 đồng/lượt cho 1 xe tiêu chuẩn (xe 12 chỗ trở xuống) lên  20.000 đồng/lượt, đến nay là 30.000 đồng/lượt tính theo xe tiêu chuẩn”, ông Trường giải thích.

Sắp nâng phí đường bộ trên Quốc lộ 5
Mức thu phí sử dụng đường bộ tại 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5 để hoàn vốn cho Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ được điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư