Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 30 tháng 11 năm 2024,
Bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng
Nguyễn Lê - 30/11/2024 16:20
 
Bổ sung 55.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương vào dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024, đồng thời bổ sung tương ứng vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024.
.
Phiên bế mạc Kỳ họp thứ tám của Quốc hội.

Chiều 30/11, trong phiên bế mạc, Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ tám với 100% các vị đại biểu có mặt tán thành, quyết định nhiều nội dung cấp bách, quan trọng. 

Tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng

Tại nghị quyết chung, Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể là bổ sung 55.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương vào dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024, đồng thời bổ sung tương ứng vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024.

 Trong đó bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như Tờ trình số 54/TTr-CP của Chính phủ.

Số còn lại trong phạm vi nguồn 55.000 tỷ đồng sau khi đã bổ sung cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 2.980 tỷ đồng trong cân đối ngân sách nhà nước năm đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 105/2023/QH15, giao Chính phủ quyết định bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương như Tờ trình số 54/TTr-CP của Chính phủ. Chính phủ khẩn trương thực hiện phân bổ nhiệm vụ chi này cho các Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm tính kịp thời.

Tại nghị quyết này, Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai 3 dự án quan trọng của Văn phòng Trung ương Đảng như đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 56/TTr-CP ngày 27/11/ 2024. Giao Chính phủ chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam với số tiền 20.695.100.980.000 đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Nghị quyết chung cũng quy định tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Giao Chính phủ tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm bảo đảm  nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định; khẩn trương ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử, bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hoá vào Việt Nam, trước mắt chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư sân bay Long Thành

Về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nghị quyết nêu nội dung điều chỉnh quy mô, thời gian thực hiện Giai đoạn 1 quy định tại khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội: “Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến ngày 31/12/2026 hoàn thành và đưa vào khai thác”.

Cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Điều chỉnh quy mô Giai đoạn 1 quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 95/2019/QH14 của Quốc hội như sau: “Đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm”. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 95/2019/QH14 của Quốc hội.

Quốc hội cũng đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP ngày 25/ 11/2024 của Chính phủ. Giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.

Ngoài ra, Quốc hội còn đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giao Chính phủ chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật, nghiên cứu trình Quốc hội thông qua điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2025.

Tái khởi động Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận
Trước nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn trong xu hướng tăng cao, Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục chủ trương đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư