Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Bộ Tài chính nêu quan điểm về điều tiết giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không
Bảo Như - 07/05/2023 11:27
 
Đang xuất hiện những ý kiến khác nhau về việc quy định khung giá, quy định giá trần hay bỏ quy định về giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ GTVT về các biện pháp điều tiết giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết bộ này đang khẩn trương tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội để hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật Giá sửa đổi theo ý kiến đại biểu Quốc hội và các ý kiến của các cơ quan liên quan để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc ngày 22/5/2023).

Liên quan đến biện pháp điều tiết giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không, Bộ Tài chính cho biết đang còn ý kiến khác nhau về việc quy định khung giá, quy định giá trần hay bỏ quy định về giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Theo Bộ Tài chính, tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam: Hãng hàng không phải thông báo theo yêu cầu của Bộ GTVT giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên đường bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải.”

Tại khoản 3 Điều 1 quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, đã xác định “Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ GTVT  là Nhà chức trách hàng không”.

Như vậy, Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không.

Căn cứ chức năng quản lý nhà nước về hàng không quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT đề xuất cụ thể biện pháp điều tiết giá của nhà nước đối với dịch vụ vận chuyển hàng không, trường hợp đề xuất dịch vụ dịch vụ vận chuyển hàng không tiếp tục thuộc danh mục Nhà nước định giá, đề nghị đề xuất cụ thể hình thức định giá.

Trong từng lựa chọn, đề nghị có đánh giá tác động cụ thể để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định bảo đảm khả thi, hiệu quả, không tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội.

“Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu gửi ý kiến về Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định”, Bộ Tài chính đề xuất.

Vào cuối tháng 3/2023, trong văn bản góp ý về dự thảo Luật Giá sửa đổi, Vietnam Airlines đã đề nghị đưa dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.

Theo đại diện Vietnam Airlines, điều 21, mục 2 Định giá của Dự thảo Luật Giá sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Tuy nhiên, theo Hãng hàng không quốc gia, dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hiện không phải là dịch vụ thiết yếu vì tỷ trọng vận chuyển đường hàng không nội địa thấp hơn nhiều so với đường bộ. Đó là chưa kể đến việc với kế hoạch phát triển đường cao tốc và đường sắt trong thời gian sắp tới, tỷ lệ này dự kiến tiếp tục giảm.

Một yếu tố khác khiến Vietnam Airlines kiến nghị đưa dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không ra khỏi danh mục các dịch vụ Nhà nước kiểm soát giá là thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã trở thành một thị trường có tính cạnh tranh ngày càng cao, về cơ bản không còn độc quyền nữa, nên giá dịch vụ phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Cụ thể, thị trường vận chuyển hành khách nội địa đã có sự tham gia của 6 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines, Vasco, với mức độ cạnh tranh cao cả về giá và chất lượng dịch vụ.

Trung bình năm 2022 tại thị trường nội địa, thị phần của các hãng hàng không không có hãng nào vượt quá 40% để giữ vị trí thống lĩnh, trong đó: Vietjet chiếm khoảng 40%, Vietnam Airlines khoảng 35%, Bamboo Airway khoảng 16%, Pacific Airlines khoảng 6%, Vietravel Airlines khoảng 2% và Vasco khoảng 1%. Khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, với nhiều lựa chọn hãng hàng không và sản phẩm đa dạng với mức giá phù hợp.

Giá vé máy bay tăng phi mã, du lịch “méo mặt”
Giá vé máy bay tới các thành phố du lịch tăng phi mã từng ngày, khi mùa cao điểm du lịch 30/4, 1/5 và mùa hè cận kề do cung không đủ cầu khiến doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư