Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ Tài chính sẽ chủ trì xây dựng cơ chế tài chính và huy động vốn cho điện
Thanh Hương - 05/09/2023 07:25
 
Bộ Công thương đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế tài chính, huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo Quy hoạch đã được duyệt, nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu điện của toàn xã hội.

Phân rõ nhiệm vụ các bộ ngành

Trong tờ trình 6046/TTr-BCT đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII gửi tới Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 31/8/2023, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để triển khai có hiệu quả Quy hoạch Điện VIII.

Theo đó, nhiệm vụ của Bộ Công thương là chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện Kế hoạch hiệu quả, tuân thủ theo đúng quy đinh của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ được đề nghị giao cho Bộ Công thương còn là chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo, sớm trình Quốc hội thông qua. Trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp.

Đồng thời chủ trì, tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư các nhà máy điện than đang trong quá trình triển khai đầu tư, rà soát kỹ các quy định của pháp luật các cam kết, thoả thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án.

Nhu cầu vốn cho ngành điện giai đoạn 2021 -2025 là 57,1 tỷ USD sẽ không sử dụng vốn đầu tư công

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn các chủ đầu tư thực hiện các dự án điện, hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, vốn ODA và các vốn đầu tư tư nhân cho phát triển ngành điện đồng bộ, cân đối, bền vững.

Với Bộ Tài chính, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính và cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo kịp Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện được duyệt nhằm đáp ứng đồng bộ và đầy đủ nhu cầu điện của toàn xã hội.

Đồng thời, giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương xây dựng các chính sách về giá điện theo cơ chế thị trường; cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích để thực hiện.

Cạnh đó là nhiệm vụ chủ trì, rà soát các văn bản pháp quy về thuế, tài chính, kế toán nhằm đảm bảo thi hành được các cơ chế tài chsinh, khuyến khích hỗ trợ thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ chỉ đạo các Tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng, doanh nghiệp đầu tư các dự án điện thuộc Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng một cách thuận lợi theo quy định của pháp luật.

Hơn 2.000 dự án năng lượng tái tạo đăng ký nhưng nhiều dự án chưa tính được hiệu quả

Trong tờ trình này Bộ Công thương cũng cho biết một số khó khăn.

Cụ thể, tại Quyết định số 500/QĐ-TTg có giao nhiệm vụ “đối với các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch, đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư sẽ được xem xét tiến độ cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan, bảo đảm an ninh, cân đối các nguồn, phụ tải hạ tầng lưới điện,m hiệu quả về kinh tế, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý”. Tuy nhiên Viện Năng lượng (cơ quan được Bộ Công thương giao lập Kế hoạch) báo cáo không có khả năng thực hiện yêu cầu này.

Nhiều dự án năng lượng tái tạo đăng ký dù chưa biết hiệu quả ra sao 

Theo thống kê, hiện có 23 dự án/phần dự án có quy mô công suất 2.360,42 MW các dự án dự án điện mặt trời đã được phê duyệt, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư.

Tuy nhiên theo tính toán cơ cấu nguồn điện của Đề án Quy hoạch điện VIII, tổng công suất các dự án có khả năng đưa vào là 1.500 MW. Ngoài ra, Viện Năng lượng cho rằng, vì không có đủ thời gian, thông tin, số liệu, một số tiêu chí (quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan; hiệu quả kinh tế, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý như nêu tại Quyết định 500/QĐ-TTg) chưa thể xác định được nên không đủ cơ sở để xác định rõ riếng độ của các dự án điện mặt trời đã có chủ đầu tư cũng như các dự án điện mặt trời mới.

Do đó, tư vấn lập kế hoạch đề xuất UBND các tỉnh tổng hợp xếp hạng dự án, báo cáo Bộ Công thương và Chính phủ nhằm lựa chọn các dự án để phát triển, đáp ứng tiêu chí tại Quyết định 500/QĐ-TTg, đảm bảo tối ưu tổng thể theo Quy hoạch Điện VIII.

Ngoài ra, hiện Đề án Kế hoạch đã tính toán đến cấp độ dự án với khoảng 1.019 công trình nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện (67 công trình nguồn và 952 công trình lưới truyền tải), đã phân kỳ đầu tư tới năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Tuy nhiên hiện các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác, thuỷ điện nhỏ không phân cấp đến mức độ dự án.

Nguyên do là bởi thiếu cơ sở xếp hạng ưu tiên trong đó có 2 tiêu chí quan trọng chưa xác định được là tình trạng pháp lý của dự án, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác cũng như giá điện và hiệu quả kinh tế xã hội của dự án.

Cạnh đó, số lượng các dự án năng lượng tái tạo cần đánh giá rất lớn, quy mô công suất đa dạng từ vài MW đến hàng nghìn MW. Theo văn bản của các địa phương cung cấp số liệu lập kế hoạch thì có trên 2.000 dự án; nhiều dự án chưa xác định được vị trí nên chưa biết phương án đấu nối vào lưới điện.

Ngoài ra nhu cầu đăng ký của các địa phương với nguồn thuỷ điện nhỏ, điện sinh khối, điện rác rất lớn so với lượng công suất tính toán tối ưu theo vùng của Quy hoạch Điện VIII, trong khi cơ sở xếp hạng các dự án này trên các mặt tình trạng pháp lý, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác, nguồn nguyên liệu – nhiên liệu, giá điện, hiệu quả kinh tế xã hội lại chưa có. Nên Kế hoạch mới chỉ tính toán đến cấp tỉnh.

Giải pháp cần phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII:
1. Giải pháp đảm bảo an ninh cung cấp điện đến năm 2025, 2030
2. Giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn cho phát triển ngành điện
3. Giải pháp về pháp luật, chính sách
4. Giải pháp về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai
5. Giải pháp về khoa học và công nghệ
6. Giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả
7. Giải pháp về phát triển nguồn lực
8. Giải pháp về hợp tác quốc tế
9. Giải pháp về tăng cường năng lực trong nước, nội địa hoá thiết bị ngành điện, xây dựng phát triển ngành cơ khí điện
10. Giải pháp về tổ chức quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực
11. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Các dự án điện khí hóa lỏng LNG: Những vướng mắc chờ gỡ
Không có bảo lãnh Chính phủ lẫn không có bao tiêu, nên các dự án điện từ khí LNG đang chuẩn bị đầu tư khó có thể triển khai đúng tiến độ và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư