Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Bộ trưởng Bộ Y tế: Làn sóng dịch lần này có thể kéo dài hơn các lần trước
D.Ngân - 25/05/2021 08:41
 
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, thời gian của làn sóng dịch thứ 4 có thể sẽ kéo dài hơn đợt dịch trước đây.

Phức tạp, kéo dài

Lo ngại về làn sóng dịch lần này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định tình hình bệnh nhân trong đợt dịch này cũng khác ở Đà Nẵng. Biến chủng có nguồn gốc ở Ấn Độ, ngoài việc lây lan nhanh, một số trường hợp bệnh nhân trẻ, không có bệnh lý nền, nhưng diễn biến nặng, được hỗ trợ thở oxy, thở máy, thậm chí được can thiệp ECMO.

Đợt dịch thứ 4 này sẽ có những diễn biến phức tạp, đặc biệt tại 2 địa bàn là Bắc Ninh và Bắc Giang. 

Cũng chung lo ngại về biến chủng mới, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, 2 biến chủng của SARS-CoV-2 đang rất phổ biến tại Việt Nam là B.1.1.7 (được phát hiện lần đầu tại Anh) và B.1.617.2 (tìm thấy đầu tiên tại Ấn Độ).

Trong khi chủng ở Anh có mức độ lây lan cao hơn 1,7 lần các chủng trước, ông Long đánh giá chủng tại Ấn Độ còn có tốc độ lây nhanh, mạnh với phạm vi rộng hơn.

"Hiện biến chủng virus tại Ấn Độ xuất hiện chủ yếu ở các ca mắc tại Việt Nam trong đợt bùng phát dịch này. Cùng thời điểm, chúng ta phát hiện rất nhiều ổ dịch khác nhau. Tất cả yếu tố này khiến vấn đề lây nhiễm trở nên phức tạp hơn", ông Long nhận định.

Cũng theo người đứng đầu ngành y tế, Việt Nam đang có 2 hình thái lây nhiễm chính gồm trong khu công nghiệm và ngoài cộng đồng.

Ở Bắc Giang, tình trạng lây nhiễm virus diễn ra chủ yếu ở khu công nghiệp. Số ca mắc Covid-19 tại địa phương tăng rất nhanh trong thời gian ngắn và đã lây ra cộng đồng.

Trong khi đó, tại Bắc Ninh, các ca mắc Covid-19 chủ yếu xuất hiện và lây nhiễm ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, sự lây nhiễm đang có dấu hiệu xâm nhập khu công nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, một số yếu tố về lây nhiễm virus trong khu công nghiệp như số lượng công nhân đông, mật độ làm việc dày, không gian kín, hẹp, hay quản lý việc di chuyển, cư trú của công nhân cũng là thách thức với các địa phương này.

“Đợt dịch thứ 4 này sẽ có những diễn biến phức tạp, đặc biệt tại 2 địa bàn là Bắc Ninh và Bắc Giang. Thời gian có thể sẽ kéo dài hơn đợt dịch trước đây", người đứng đầu Bộ Y tế nhận định.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho hay thời gian qua, Bộ Y tế đã chuẩn bị tất cả hướng dẫn, kịch bản để đảm bảo việc bầu cử được diễn ra an toàn. Các kịch bản bầu cử trong bệnh viện, khu cách ly, tổ chức bầu cử cho bệnh nhân Covid-19 hay bầu cử trong trạng thái bình thường mới đều được lên sẵn và đã diễn ra trên thực tiễn.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

"Bộ Y tế đã giao trách nhiệm cho sở y tế địa phương, thủ trưởng các đơn vị y tế trên toàn quốc triển khai mọi biện pháp chuyên môn, từ đó kiểm soát tốt tình hình. Qua kiểm tra, chúng tôi cũng đánh giá các địa phương làm rất tốt, từ đó góp phần tạo nên thắng lợi cho kỳ bầu cử vừa qua", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Về phía chuyên gia y tế, theo đánh giá của PGS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, biến chủng Ấn Độ có tốc độ lây truyền rất nhanh. Nhiều ca bệnh từ thời điểm tiếp xúc F0 đến khi dương tính chỉ có 2-3 ngày.

Trong đợt dịch mới bùng phát, không chỉ ghi nhận nguồn lây từ ngoài cộng đồng, mà virus còn xâm nhập các bệnh viện tuyến trung ương. Do các cơ sở y tế này tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ các tỉnh, thành phố khác nhau nên sau khi dịch bùng phát đã ảnh hưởng đến rất nhiều địa phương.

PGS. Nguyễn Viết Nhung nhận định, thời điểm hiện tại, Bắc Giang, Bắc Ninh là trọng yếu. Vì vậy, cần tập trung chú ý dập dịch ở các địa phương này.

Trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần nắm được con đường lây nhiễm của virus để có biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình phù hợp.

Theo ông, dù là biến chủng nào, SARS-CoV-2 vẫn lây truyền theo con đường hô hấp, thông qua hình thức giọt bắn. Trong môi trường kín, kém thông gió, virus sẽ lơ lửng trong không khí lâu hơn, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Vì vậy, người dân cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn 5K của Bộ Y tế. Trong đó, chuyên gia này đặc biệt nhấn mạnh việc giữ khoảng cách và đeo khẩu trang đúng quy định.

“Ở ngoài cộng đồng, có thể đeo khẩu trang vải, nhưng khi vào bệnh viện, cơ sở y tế, bắt buộc phải sử dụng khẩu trang y tế và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch”, ông Phu nhấn mạnh.

Cần chiến lược xét nghiệm hiệu quả

Cấp bách nhất lúc này là chống dịch tại các điểm nóng như Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Bắc Giang cần hoàn thiện chiến lược xét nghiệm để hoạt động hiệu quả hơn dựa trên năng lực nội tại của địa phương, lẫn tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Cần đặc biệt tập trung tăng tốc việc rà soát, sàng lọc các khu công nhân đang cư trú ở gần các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng yêu cầu tỉnh tính toán phương án tối ưu việc lấy mẫu trong khu cách ly tập trung và xét nghiệm, thí điểm việc sử dụng test nhanh tự thực hiện cho những trường hợp cách ly.

Cụ thể, cần căn cứ vào tình hình thực tế của từng khu vực, thực hiện xét nghiệm mẫu đơn khi lấy mẫu ngày thứ nhất, ngày cuối và test nhanh hoặc cứ 3- 5 ngày xét nghiệm mẫu gộp từ 10 -15 mẫu trong thời gian thực hiện cách ly.

Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu mẫu xét nghiệm, trên cơ sở sử dụng tốt phần mềm do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tập huấn thì cần phải tập trung lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm, thực hiện đào tạo tốt các nhóm và cung cấp đầy đủ trang thiết bị,…

Đồng thời, cần lên kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị thực hiện xét nghiệm mẫu, sau đó, chuyển thông tin về một đầu mối là CDC tỉnh để quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn giao Bộ phận thường trực khẩn trương xây dựng khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối việc doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại trong Khu công nghiệp.

Đối với điểm nóng tại huyện Việt Yên, Thứ trưởng đề nghị cần đặc biệt tập trung tăng tốc việc rà soát, sàng lọc các khu công nhân đang cư trú ở gần các khu công nghiệp của tỉnh. Chủ động khoanh vùng, truy vết, thực hiện tốt việc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm đạt hiệu quả cao.

Để phòng chống dịch, lãnh đạo Hà Nội các cơ quan chứ năng siết chặt quản lý cơ sở cách ly tập trung, trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, trong các khu cụm công nghiệp.

Các địa phương cần cụ thể hóa trách nhiệm của tổ Covid-19 cộng đồng và các lực lượng như công an khu vực, tổ trưởng tổ dân phố trong việc quản lý người về từ vùng có dịch, người hết thời gian cách ly tập trung, công nhân trong các khu công nghiệp, người nước ngoài cư trú trên địa bàn.

Theo yêu cầu của lãnh đạo Hà Nội, trừ lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch ở tuyến đầu phải thường trực 24/24/7, đối với các cơ quan đơn vị của TP tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành, cho nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà (chỉ đến cơ quan khi thực sự cần thiết).

Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị tiếp tục mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng/khu vực nguy cơ, trong đó tập trung xét nghiệm cho công nhân trong các khu/cụm công nghiệp; xét nghiệm sàng lọc cho những người làm việc trong các cơ quan chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng, chống dịch của Thành phố.

Hà Nội cũng đề nghị Tập đoàn Vingroup chủ động xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ cư dân trong Khu đô thị Times City; các doanh nghiệp chủ động xét nghiệm sàng lọc cho người lao động bằng test nhanh.

Tăng tần xuất xét nghiệm đối với các trường hợp F1 từ 4 lần theo quy định lên 6 lần (xét nghiệm vào các ngày: ngày thứ nhất, ngày thứ 4, ngày thứ 7, ngày thứ 14, ngày thứ 20 trong khu cách ly tập trung và lần thứ 6 sau khi kết thúc cách ly tập trung 1 tuần - ngày thứ 28).

Theo bản tin sáng 25/5 của Bộ Y tế các tỉnh, thành phố có thêm bệnh nhân là Bắc Giang (45), Bắc Ninh (2), Hà Nội (4), Lạng Sơn (4) và Hà Nam (2).

Tại Hà Nội, 3 người là F1 của nữ bệnh nhân Đ.B.L. (trú tại Park 11, Times City, Hoàng Mai).

Người còn lại là nhân viên y tế tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, đã được cách ly. Bác sĩ tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 và có kết quả xét nghiệm lần một âm tính vào ngày 20/5. Ngày 21/5, nhân viên y tế này có biểu hiện rát họng và ho khan nên được cách ly phòng riêng lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và có kết quả dương tính.

Bắc Giang tiếp tục là tỉnh có số lượng bệnh nhân cao nhất cả nước. Những người mắc mới đều là F1, trong khu phong tỏa, liên quan khu công nghiệp Quang Châu.

Liên quan khu công nghiệp này, tỉnh Lạng Sơn cũng phát hiện thêm 4 bệnh nhân. Họ đã được cách ly.

Ca bệnh ghi nhận tại tỉnh Hà Nam là F1, trong đó, một người ở khu phong tỏa, một trường hợp đã được cách ly; liên quan ổ dịch tại xã Công Lý, huyện Lý Nhân.

Hai người mới mắc Covid-19 ở Bắc Ninh cũng là F1, liên quan khu công nghiệp, đã được cách ly.

Trong số các bệnh nhân mới ở Hà Nội, một người là bác sĩ Bệnh viện Bắc Thăng Long, tham gia điều trị người mắc Covid-19.

Như vậy, tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 2.405 bệnh nhân Covid-19 trong nước. 6 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị và Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng, Việt Nam đang điều trị cho 2.258 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 1.439 ca không có triệu chứng (tương đương 63,6%). Bên cạnh đó, 29,5% bệnh nhân (667 người) có triệu chứng lâm sàng nhẹ.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hà Nội: Từ 12h ngày 25/5, nhà hàng ăn, uống chỉ được bán mang về
Tối 24/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành công điện khẩn số 11/CĐ-UBND về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư