Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Thăng: "Canh cánh món nợ lớn với nhân dân về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam"
Anh Minh - 22/08/2015 12:02
 
Sáng nay (22/8), Bộ GTVT long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Tập thể Bộ GTVT vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì
Tập thể Bộ GTVT vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì

"Bước vào thời kỳ đất nước Đổi mới và Hội nhập, ngành GTVT đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có để lớn mạnh khi được xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển, mang tính mở đường và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất được tổ chức trọng thể tại Hà Nội sáng nay.

Cách đây 70 năm, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Giao thông công chính. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 41, chuyển giao Nha Giao thông từ chính quyền cũ của thực dân Pháp, sang Bộ Giao thông công chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hành động khẩn trương, quyết đoán của Hồ Chủ tịch và Chính phủ Lâm thời trong việc hoàn thiện bộ máy của ngành Giao thông, là bằng chứng cho thấy Đảng và Nhà nước ta, ngay từ đầu, đã đặc biệt ưu tiên cho sự nghiệp phát triển giao thông vận tải. Bởi vì như chính Hồ Chủ tịch đã nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.

Kể từ thời điểm lịch sử ấy, ngành GTVT bắt đầu một hành trình đầy gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào, một lòng một dạ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và lời chỉ dạy của Bác Hồ, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ, GTVT đóng góp to lớn, mang tính chất quyết định cho những chiến thắng vĩ đại trên chiến trường. Thời bình, ngành GTVT cũng khẳng định là ngành mũi nhọn, tiên phong trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước tiến lên hiện đại với rất nhiều thành tựu được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận.

Bước vào thời kỳ đổi mới, GTVT lại được Đảng và Nhà nước chọn trao sứ mệnh "Đi trước mở đường". Tại các Hội nghị lớn của Đảng từ khóa VI đến khóa XI, đều nhấn mạnh đến mục tiêu phải xây dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông phát triển nhanh và bền vững. Giao thông vận tải trở thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mang tính chiến lược.

“Để vượt qua những thách thức đó, cùng một lúc Bộ GTVT phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải như tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; tạo cơ chế thu hút đầu tư ngoài ngân sách; siết lại kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành; khắc phục căn bệnh nan y là trì trệ trong tư duy; xóa bỏ triệt để hiện tượng chậm tiến độ xảy ra tại hàng loạt công trình; khắc phục tình trạng trây ì trong giải phóng mặt bằng; tìm kiếm cán bộ có năng lực thông qua phát hiện, đào tạo, thi tuyển”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên giải quyết, trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả được xác định là nhiệm vụ chủ chốt. Cùng với việc tập trung sử dụng hiệu quả 155.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được giao cho giai đoạn 2011-2015, giải ngân 6,2 tỷ USD nguồn vốn ODA, Bộ GTVT đã chủ động kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong nước, huy động được trên 200 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách để hoàn thiện và đầu tư mới hàng trăm công trình hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như các tuyến đường bộ cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Nội Bài - Lào Cai; Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Nội Bài - Nhật Tân. Đầu tư, hoàn thành các cầu có quy mô lớn như Vĩnh Thịnh, Nhật Tân, Bến Thủy 2, Thuận Phước, cầu Rồng, nút giao Ngã Ba Huế, cầu Rạch Chiếc, Cổ Chiên, Năm Căn. Đầu tư, nâng cấp hoàn thành hàng loạt các công trình cảng biển, cảng hàng không như Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không Phú Quốc, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ, Cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải.

Đặc biệt là dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và nâng cấp lên 4 làn xe toàn tuyến Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ là hai dự án lớn, rất phức tạp nhưng đều lần lượt vượt tiến độ là 18 tháng và 12 tháng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 10 ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được khoảng hơn 134.000 km đường giao thông nông thôn, hàng nghìn cầu dân sinh bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.

“Có thể khẳng định, nếu không có sự hậu thuẫn về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, với sự đồng thuận cao của nhân dân, nếu không mạnh mẽ thay đổi với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ không bao giờ có được mạng lưới giao thông như hiện chúng ta đang khai thác cùng với cả một danh sách dài khác về những công trình sẽ được khởi công, hoàn thành trong vài năm tới. Trên thực tế, những công trình đó đã góp phần rất lớn cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an ninh - quốc phòng và đưa nước ta từ vị trí 103, lên vị trí 74 (tăng 16 bậc so với năm 2012 và 29 bậc so với năm 2010) về năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2014.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng được cả xã hội ghi nhận, nhưng so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, so với mục tiêu mà đất nước hướng tới, so với chính mong muốn của chúng ta, thì hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay vẫn chưa đáp ứng được.

“Chúng ta vẫn còn canh cánh món nợ lớn với nhân dân về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hệ thống hạ tầng hiện tại cần phải hiện đại hơn nữa, thuận tiện hơn nữa, an toàn hơn nữa, đa dạng và tiết kiệm hơn nữa”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Cũng trong Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Ngành GTVT và Đại hội thi đua yêu nước, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nươcs Nguyễn Thị Doan đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Lãnh đạo và CBCNV-LĐ ngành GTVT.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư