Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Bộ Y tế chỉ đạo điều tra vụ ngộ độc thực phẩm tại Vũng Tàu
D.Ngân - 28/11/2024 10:24
 
Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn bánh mỳ mua ở cửa hàng "Cô Ba" tại ngã tư Bến Đình, phường 7, TP.Vũng Tàu.

Đến thời điểm hiện tại có 135 người mắc với các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt và phải nhập viện để điều trị.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 2982/ATTP-NĐTT ngày 27/11/2024 về việc điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm gửi Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên;

Bệnh nhân bị nghi ngộ độc đang được chăm sóc tại cơ sở y tế.

Tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân;

Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc, điều tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng;

Tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Tăng cường tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ;

Thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024, Công văn số 3113/BYT-ATTP ngày 07/6/2024 và Công văn số 6495/BYT-ATTP ngày 22/10/2024 của Bộ Y tế về việc triển khai Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm theo quy định.

 Về các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua, theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vi khuẩn Salmonella gần đây đã xuất hiện liên tục trong các vụ ngộ độc lớn ở Việt Nam.

Salmonella là thủ phạm khiến hàng trăm người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng ở Quảng Nam và nhiều vụ ngộ độc tập thể ở Nha Trang, trong đó có vụ hơn 360 người phải nhập viện sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh, đường Bà Triệu và hơn 600 học sinh, cán bộ nhân viên trường Ischool Nha Trang nhập viện sau bữa ăn trưa, trong đó có 1 ca tử vong; vụ ngộ độc sau đêm Trung thu ở TP.HCM.

Vi khuẩn Salmonella thường gây ra bệnh tiêu chảy nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể bao gồm máu, xương và khớp xương.

Về số ca ngộ độc thực phẩm, thông tin từ Bộ Y tế, trong năm 2024 số ca mắc ngộ độc thực phẩm tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có những vụ ngộ độc lên tới vài trăm người.

Đáng lo ngại là có vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc. Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, 5 năm trở lại đây trung bình mỗi năm ghi nhận 100 vụ ngộ độc thực phẩm.

Năm 2024 là 12 năm Luật An toàn thực phẩm được ban hành và đi vào thực thi, bên cạnh đó còn có nghị định 15 và thông tư của các bộ, ngành cùng tham gia quản lý thực phẩm.

 Tuy nhiên, ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra và lo ngại nhất là ở các khu công nghiệp đông người. Việc cung cấp suất ăn cho trường học vẫn có vấn đề. Các bữa cỗ kể cả ở thành thị lẫn nông thôn cũng vẫn đọng lại nỗi lo âu về ngộ độc thực phẩm.

Giới chuyên gia y tế cho biết thực phẩm kém vệ sinh là một trong những nguyên nhân chính gây ra những tác hại kinh hoàng, không chỉ là ngộ độc cấp tính có thể chết người ngay mà sự nhiễm các chất độc hại dưới ngưỡng, theo thời gian có thể gây ra các loại bệnh không biết trước, như ung thư, rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, kể cả quái thai.

Mất an toàn thực phẩm có nhiều nguyên nhân như chồng chéo trong quản lý nhà nước, địa phương thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát, người chăn nuôi trồng trọt sử dụng chất tăng trọng, tăng trưởng không được phép, người kinh doanh buôn bán, chế biến hám lợi và cuối cùng là người sử dụng thiếu thận trọng (tuy rằng điều đó là rất khó).

Được biết, hiện có tới 3 ngành gồm Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng tham gia quản lý lĩnh vực thực phẩm, mỗi bộ, ngành một số mặt hàng.

Chính vì vậy mà có sự chồng chéo, đan xen giữa các nhóm hàng, khi có sự cố chưa rõ trách nhiệm nên quản lý thiếu hiệu quả.

Như vậy, nếu để bảo đảm thực phẩm an toàn, cần xây dựng được "chuỗi"; mất an toàn dẫn đến ngộ độc thực phẩm trên thực tế cũng đã hình thành "chuỗi", vậy nên để giải quyết gốc rễ vấn đề này cần có các biện pháp đồng bộ.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm do botulinum
Ngộ độc thực phẩm do botulinum có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu thực hiện đúng các biện pháp an...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư