Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 31 tháng 07 năm 2024,
Bộ Y tế đề xuất quyền tự quyết về số con cho các cặp vợ chồng
D.Ngân - 10/07/2024 11:42
 
Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật Dân số nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới, trong đó có đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng.

Tại Dự án luật này, Bộ Y tế đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng, cá nhân, đảm bảo phù hợp điều kiện sức khỏe, thu nhập.

Ảnh minh họa.

Trước đó, tại tờ trình đề nghị xây dựng Luật Dân số gửi Chính phủ, Bộ Y tế nêu rõ, kết quả công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới...

Còn theo báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Dân số gửi Chính Phủ, Bộ Y tế nêu rõ, mặc dù nước ta đã đạt mức sinh thay thế và giữ được mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc từ năm 2006 nhưng chưa thật sự vững chắc.

Tổng tỷ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ; năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, giảm thấp nhất trong 12 năm trở lại đây và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Mức sinh còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, sự chênh lệch này chưa được thu hẹp rõ rệt; khu vực kinh tế, xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế, xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế.

Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển; trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.

Hiện nay có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Duyên hải miền Trung, có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước.

Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng này càng được củng cố, lan rộng.

Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ.

Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao với quy mô dân số là 39,8 triệu người, chiếm 41,4% dân số cả nước, nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục,… làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của các địa phương này so với các các địa phương, khu vực khác.

Chính sách hạn chế mức sinh kéo dài giải quyết được vấn đề quy mô nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy, trong đó phải kể đến: tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng;

Chất lượng dân số bị ảnh hưởng do những người chưa có điều kiện nuôi dạy con tốt còn sinh nhiều con. Ngược lại, nếu không khống chế được quy mô dân số sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đầu tư cho đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập bình quân trên đầu người nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Từ số liệu Điều tra mức sống dân cư của Việt Nam chứng minh được rằng, do quy mô gia đình giảm đi đã làm tăng thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi người thuộc gia đình nhóm 1 là 17%, nhóm 2 là 15%, nhóm 3 là 16%, nhóm 4 là 11% và nhóm 5 là 16%; tính chung cho tất cả các nhóm là 14%.

Chính quy mô gia đình giảm làm tăng thu nhập bình quân đầu người của nhóm 1 lên 17% giai đoạn 2002-2010 đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta.

Điều này có nghĩa là mức sinh giảm, quy mô gia đình nhỏ dần góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo cũng như làm cho các gia đình trở nên khá giả hơn.

Theo báo cáo Tổng điều tra Dân số 1/4/2019, TFR theo mức sinh ngũ phân vị thì chỉ ở nhóm nghèo nhất có mức sinh cao (2,4 con); 4 nhóm còn lại (nghèo (2,03), trung bình (2,03), giàu (2,07), giàu nhất (2,0) đều trong khoảng từ 2,0 đến 2,07.

Căn cứ ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Xã hội, đồng thời qua việc lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức sau thẩm tra của Uỷ ban Xã hội, Bộ Y tế đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Dân số, đề xuất trình Chính phủ bao gồm:

Chính sách 1: Duy trì mức sinh thay thế. Chính sách 2: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Chính sách 3: Thích ứng với già hóa dân số, dân số già. Chính sách 4: Phân bố dân số hợp lý.

Chính sách 5: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính sách 6: Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Về các giải pháp và đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan, Bộ Y tế đề xuất các giải pháp.

Trong đó có các giải pháp là các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân. Được tư vấn, cung cấp thông tin, tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.

Các cặp vợ chồng, cá nhân có nghĩa vụ bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi, dạy con tốt; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc,văn minh; bình đẳng trong thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình; bảo vệ sức khoẻ và thực hiện các biện pháp phòng, tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS.

Khuyến khích mỗi cặp vợ chồng và cá nhân tự nguyện thực hiện các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước về công tác dân số phù hợp với từng thời kỳ.

Các biện pháp thực hiện chính sách đã được rà soát để bảo đảm tính quy phạm, khả thi khi triển khai thực hiện; đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ để duy trì vững chắc mức sinh thay thế (quy định lồng ghép các nội dung về điều chỉnh mức sinh; các chính sách hỗ trợ; cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình; chính sách mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ; tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục...).

Bộ Y tế lý giải, quy định quyền quyết định số con của cặp vợ chồng, cá nhân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến công tác dân số, các cam kết chính trị mà Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương về quyền sinh sản.

Hiến pháp năm 2013 quy định tại khoản 2, Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do vấn đề dân số có liên quan mật thiết đến quyền con người nên việc quy định những nội dung liên quan đến quyền con người tại Pháp lệnh Dân số chưa phù hợp với Hiến pháp.

Việc quy định qyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ, chồng trong việc sinh con ở Luật Dân số sẽ giúp bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật.

Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ năm 1979 - CEDAW (Việt Nam là thành viên từ năm 1982) quy định các quốc gia thành viên “có nghĩa vụ tiến hành tất cả các biện pháp phù hợp nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong tất cả các vấn đề liên quan đến hôn nhân và quan hệ gia đình và đặc biệt sẽ đảm bảo, trên cơ sở bình đẳng giữa nam và nữ, quyền tương tự nhau được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số con và khoảng cách giữa các lần sinh".

Căn cứ vào lời văn và mục tiêu, mục đích của Công ước, quy định này khẳng định quyền bình đẳng giữa nam và nữ, yêu cầu các quốc gia thành viên xóa bỏ phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Quy định này không trực tiếp khẳng định quyền của phụ nữ được quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh.

Vì vậy, cùng với việc thực hiện định hướng của Đảng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thực hiện Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền con người, việc không quy định số con sẽ phù hợp với các cam kết chính trị Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương và tác động tốt với dư luận quốc tế.

Thực hiện giải pháp 1 giúp tạo điều kiện để giáo dục chuyển từ bề rộng sang bề sâu; có điều kiện dành nguồn lực của gia đình để nuôi dưỡng trẻ và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tốt hơn. Duy trì mức sinh thay thế (phương án mức sinh trung bình) sẽ có những tác động xã hội chủ yếu sau:

Một là, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta ngày càng tăng. Nếu năm 2011 nước ta bước vào quá trình già hóa (tỷ lệ dân 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số) trong suốt thời kỳ dự báo, dân số già (dân số 65 tuổi trở lên) của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 7,4 triệu người vào năm 2019 lên đến 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069.

Việt Nam bắt đầu thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2% với nhiều vấn đề về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe và sử dụng lao động người cao tuổi.

Hai là, theo dự báo này thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” tiếp tục kéo dài tới năm 2039 tạo điều kiện phát triển kinh tế. Kết quả này cũng xảy ra tương tự đối với phương án thấp và phương án trung bình.

Ba là, khi số con ít thì có điều kiện dành nguồn lực của gia đình để nuôi dưỡng trẻ và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tốt hơn, tăng chi phí dành cho y tế.

Bốn là, duy trì mức sinh thay thế giúp bảo đảm được tốt hơn hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, đáp ứng cơ bản quyền an sinh của người dân, bảo đảm được phòng ngừa rủi ro.

Các lĩnh vực: giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch, tiếp cận thông tin đạt kết quả tích cực. Giảm thiểu rủi ro. Các chế độ bảo hiểm xã hội có thể bao quát hầu hết các chế độ bảo hiểm xã hội theo thông lệ quốc tế bao gồm cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; từng bước mở rộng đối với cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động, khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức.

Khắc phục rủi ro. Các chính sách về trợ giúp xã hội thường xuyên và trợ giúp xã hội đột xuất được bảo đảm tốt hơn. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên.

93,35% dân số Việt tham gia bảo hiểm y tế
Ngày 1/7 Bộ Y tế đã tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 15 năm “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam” 1/7/2009 - 1/7/2024.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư