Thứ Năm, Ngày 29 tháng 05 năm 2025,
Bộ Y tế đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản
D.Ngân - 28/05/2025 15:44
 
Trong dự thảo Luật Dân số đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Y tế đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ sinh con thứ hai từ 6 tháng lên 7 tháng.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng khẳng định quyền của cặp vợ chồng và cá nhân trong việc quyết định số con, thời gian và khoảng cách giữa các lần sinh.

Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số.

Theo Bộ Y tế, việc ban hành luật này sẽ giúp giải quyết các vấn đề dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, qua đó thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Dự thảo Luật Dân số tập trung vào 5 nội dung cơ bản. Đầu tiên là quy định quyền và nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con và các biện pháp duy trì mức sinh thay thế.

Theo đó, cặp vợ chồng và cá nhân được quyền quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, khác biệt so với Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã được sửa đổi bổ sung năm 2008.

Dự thảo cũng đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ sinh con thứ hai từ 6 tháng lên 7 tháng, sửa đổi khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019. Các trường hợp nghỉ thai sản khác vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, phụ nữ sinh đủ hai con ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định mới, bổ sung vào Luật Nhà ở năm 2023.

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con và các biện pháp phòng tránh vô sinh cho nam nữ trước khi kết hôn.

Các nội dung duy trì mức sinh thay thế, kế hoạch hóa gia đình được lồng ghép trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động, truyền thông được tăng cường nhằm thay đổi hành vi của người dân trong thực hiện chính sách dân số.

Thứ hai, dự thảo Luật tiếp tục tập trung giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức.

Chính phủ sẽ định kỳ công bố tình trạng mất cân bằng giới tính ở các địa phương và nâng mức xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng nhằm tăng tính răn đe. Song song đó, dự thảo thúc đẩy tuyên truyền nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, xóa bỏ định kiến giới, trọng nam hơn nữ, kỳ thị con gái hay con trai.

Thứ ba, luật đề ra các chính sách thích ứng với quá trình già hóa dân số. Cụ thể, xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà, cộng đồng và các cơ sở chuyên biệt; đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành lão khoa thông qua cấp học bổng, hỗ trợ học phí và kinh phí tập huấn; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi chưa có thẻ.

Các biện pháp thích ứng với dân số già cũng được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành và địa phương. Công tác truyền thông, giáo dục về vấn đề này cũng được đẩy mạnh.

Thứ tư, dự thảo quy định các biện pháp nâng cao chất lượng dân số. Các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, đồng thời khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ này.

Nhà nước hỗ trợ tư vấn, khám sức khỏe cho đối tượng chính sách và những vùng khó khăn. Dự thảo cũng quy định tầm soát, chẩn đoán và điều trị trước sinh, sơ sinh; bắt buộc sàng lọc một số bệnh theo quy định. Các cơ sở y tế chuyên khoa sản, nhi có trách nhiệm cung cấp dịch vụ tư vấn và sàng lọc phù hợp. Những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt cũng được Nhà nước hỗ trợ chi phí.

Ngoài ra, dự thảo Luật Dân số đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở và Luật Bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý của nhân dân và các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới. Luật Dân số mới hứa hẹn sẽ tạo tiền đề pháp lý quan trọng, đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong bối cảnh mới, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư