Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
Bộ Y tế làm gì để giải quyết vấn nạn thiếu thuốc?
D.Ngân - 29/10/2024 15:38
 
Vấn nạn thiếu thuốc là một thách thức lớn đối với ngành Y tế và để cải thiện tình trạng này, Bộ Y tế đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ với kỳ vọng việc này sớm chấm dứt.

Nói về những giải pháp mà Bộ Y tế đã tiến hành thời gian để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, theo ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ y tế, Bộ y tế liên tiếp tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến các quy định mới của pháp luật về đấu thầu trực tiếp và trực tuyến đến từng cơ sở y tế. Bên cạnh đó, Bộ đã làm việc trực tiếp với một số cơ sở y tế địa phương hướng dẫn trực tiếp.

Bộ Y tế đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc.

Qua kiểm tra rà soát, Bộ Y tế thấy rằng có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện do nguyên nhân là trong đầu năm 2024, các bệnh viện áp dụng Luật Đấu thầu mới nên việc áp dụng còn chậm trễ. Một số gói thầu đưa ra những quy định chưa phù hợp dẫn đến không lựa chọn được nhà thầu, phải hủy thầu để đấu thầu lại.

Về cơ bản các vướng mắc chủ yếu từ phía cơ sở y tế trong quá trình thực thi là do chưa có cách hiểu thống nhất. Một số địa phương đã ban hành quy định phân cấp triệt để cho các cơ sở y tế, các bệnh viện quyết định việc mua sắm nhưng cũng có một số địa phương lại phân cấp ở mức vừa phải.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian mua sắm vì phải qua các bước trình duyệt, thẩm định trung gian.

Ông Hoàng Cương cho biết thêm, những vướng mắc phát sinh kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu được ban hành không phải là nguyên nhân chủ chốt.

Bằng chứng là rất nhiều địa phương, bệnh viện đã đấu thầu và không gặp vướng mắc, tuy nhiên, một số bệnh viện khác lại có khó khăn.

Cũng theo ông Cương, các rào cản của địa phương tập trung chủ yếu xoay quanh các nội dung như thủ tục thẩm định, phê duyệt tại một số địa phương còn phức tạp; có địa phương còn chưa phân cấp triệt để cho các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm;

Việc thu thập báo giá, thông tin để xác định giá gói thầu còn có cách hiểu chưa thống nhất như việc xác định giá gói thầu theo báo giá cao nhất, thấp nhất hay trung bình; khó khăn trong việc phê duyệt dự toán ngân sách dành cho mua sắm;

Chưa kể, việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa mà nhà thầu nêu trong hồ sơ dự thầu; một số bệnh viện chưa mạnh dạn quyết định mua sắm cho 2-3 năm thay vì chỉ đấu thầu theo từng năm như trước đây.

Hiện Chính phủ giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ tiếp tục rà soát, để đề xuất sửa đổi theo thẩm quyền đối với nội dung trong quá trình thực hiện còn vướng mắc hoặc chưa phù hợp với thực tế.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.

“Chúng tôi đang triển khai nhiệm vụ này. Sắp tới, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp vướng mắc của các bệnh viện để ban hành sổ tay, theo tinh thần cầm tay chỉ việc. Các bệnh viện có thể tham khảo để thực hiện đấu thầu, mua sắm. Tránh việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đẩy nhiệm vụ của mình lên cấp trên", ông Cương cho biết.

Ngoài các giải pháp mà Bộ Y tế đang thực hiện, theo lãnh đạo Bộ Y tế, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, giảm phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu, Bộ Y tế đã khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất thuốc.

Các chính sách hỗ trợ và ưu đãi thuế cũng được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển ngành Dược. Bộ Y tế cũng đã tìm kiếm hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nước khác để hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ sản xuất thuốc, nhằm nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Một số ý kiến thì đề xuất cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành dược là một trong những ưu tiên hàng đầu. Và nhằm đẩy mạnh quá trình này, Bộ Y tế đã khuyến khích các viện nghiên cứu và doanh nghiệp dược phẩm hợp tác để phát triển các loại thuốc mới và cải tiến quy trình sản xuất.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục về an toàn sử dụng thuốc và tình hình thiếu thuốc để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Việc này giúp người dân hiểu rõ hơn về vấn đề và có thể hợp tác với các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, cơ quan này đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực cung cấp thuốc, từ việc làm giả thuốc đến việc không tuân thủ quy định về giá thuốc.

Đà Nẵng thông tin về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện
Theo Sở Y tế Thành phố Đà Nẵng, tình trạng thuốc thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện vẫn đến từ việc đấu thầu khó khăn và “chờ kết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư