Thứ Sáu, Ngày 23 tháng 05 năm 2025,
Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an, địa phương chống hàng giả
D.Ngân - 23/05/2025 15:06
 
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống hàng giả, đặc biệt là UBND các tỉnh và Sở Y tế.

Trong bối cảnh tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả trong ngành y tế ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là sữa giả, thực phẩm chức năng giả và thuốc giả, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Trực tuyến toàn quốc vào sáng ngày 23/5, nhằm kiểm điểm tiến độ thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các giải pháp cấp bách trong tháng cao điểm phòng chống hàng giả. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống hàng giả, đặc biệt là UBND các tỉnh và Sở Y tế.

Theo bà, công tác phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân liên quan trực tiếp đến việc quản lý chất lượng sản phẩm y tế, trong đó thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm đóng vai trò thiết yếu.

Bà Đào Hồng Lan khẳng định, việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không phải là công tác mới mẻ mà đã được triển khai liên tục và quyết liệt từ nhiều năm qua.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình buôn bán hàng giả trong lĩnh vực y tế ngày càng phức tạp và tinh vi, đặc biệt là với sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như Bộ Công an để làm rõ và xử lý các hành vi vi phạm.

Bộ Y tế cũng đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn tiếp theo với Bộ Công an để giải quyết triệt để vấn đề hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực y tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đang tập trung vào việc sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp lý, đồng thời xây dựng hai nghị định quan trọng để phân định thẩm quyền cho các cơ quan liên quan, từ đó tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong việc thực thi công tác kiểm tra, xử lý.

Người đứng đầu ngành Y tế cũng khẳng định rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này. Công nghệ có thể giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó giúp người dân và cơ quan chức năng phân biệt hàng thật, hàng giả.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi công nghệ làm giả ngày càng tinh vi.

Việc phối hợp với Bộ Công an để triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ giúp xác minh nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao niềm tin vào sản phẩm y tế.

Bộ trưởng cho rằng, công tác phòng chống hàng giả không thể chỉ diễn ra trong một tháng cao điểm mà phải là nhiệm vụ liên tục, quanh năm.

Việc phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm trong phòng chống hàng giả là một trong những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hàng giả tại các địa phương.

Theo PGS-TS.Nguyễn Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là thuốc và thực phẩm chức năng giả, đang trở thành mối lo ngại lớn đối với ngành y tế.

Ông cho biết, bệnh viện hàng năm mua sắm hàng nghìn tỷ đồng tiền thuốc và các sản phẩm y tế. Tuy nhiên, việc xuất hiện hàng giả có thể khiến cơ sở y tế trở thành nạn nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhi.

PGS.Điển đề xuất, để đảm bảo chất lượng các mặt hàng y tế, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giúp các cơ sở y tế có thể dễ dàng tra cứu thông tin về các sản phẩm, từ đó phát hiện và xử lý kịp thời các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, khi thu hồi sản phẩm, cần có hướng dẫn rõ ràng về cách thức thu hồi và xử lý, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong công tác phòng chống hàng giả.

Từ năm 2020 đến tháng 5/2025, ngành y tế đã tiến hành kiểm tra hơn 400 cơ sở thực phẩm, phát hiện 198 cơ sở vi phạm và xử phạt gần 24 tỷ đồng.

Trong năm 2024, ngành y tế cũng đã tổ chức gần 260 đoàn thanh tra, kiểm tra, và xử lý 46 vụ vi phạm trong lĩnh vực dược phẩm, với tổng số tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng nhận định rằng công nghệ làm giả ngày càng tinh vi và việc kiểm soát hoạt động kinh doanh trực tuyến vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cuộc chiến chống hàng giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực y tế là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và dài lâu. Bộ Y tế, cùng với các cơ quan chức năng, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng chống, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân về tác hại của hàng giả đối với sức khỏe.

Sự vào cuộc của toàn xã hội, từ chính quyền các cấp đến doanh nghiệp và người dân, là yếu tố quyết định để ngăn chặn triệt để tình trạng này, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo chất lượng sản phẩm y tế.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập 15 tổ kiểm tra liên quan lĩnh vực dược, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, sữa, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế...

Công tác này diễn ra trong tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ kéo dài từ nay đến 15/6.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư