Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Bơi trong thế giới phẳng
Khánh Linh - 31/01/2011 00:00
 
  Là đại gia phân phối tại Việt Nam, nhưng ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái vẫn đau đáu về một thương hiệu phân phối nội địa.
TIN LIÊN QUAN

Thương hiệu Việt vẫn rất xa

Cách đây 4 năm, vào năm 2007, khi 4 đại gia phân phối là Satra, Saigon Coop, Hapro và Phú Thái Group nắm tay cho ra mắt Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) với tổng vốn đầu tư lên tới 6.000 tỷ đồng, nhiều người kỳ vọng về điển hình mới trong liên kết doanh nghiệp Việt Nam. Khi đó, mọi người nói nhiều đến sự liên kết để doanh nghiệp Việt Nam mạnh, chứ chưa nghĩ tới một thương hiệu Việt cạnh tranh với thế giới như những người trong cuộc kỳ vọng.

Còn nhớ, trong kế hoạch của VDA, sau vòng 10 năm sẽ phát triển 150 siêu thị và đại siêu thị mới trên toàn quốc. 4 năm trôi qua, liên kết của các doanh nghiệp mạnh nhất dường như chưa mạnh, thưa ông?

Bản thân chúng tôi cũng đang đi tìm câu trả lời. Sự đồng thuận trong HĐQT của VDA vẫn rất cao. Tham vọng lớn để trở thành một thương hiệu Việt trong lĩnh vực phân phối bán lẻ của khu vực và thế giới vẫn rất nung nấu. Chỉ có điều, tất cả những điều này chưa đủ để làm nên sự thành công của VDA.

Cho đến giờ, chúng tôi vẫn đặt câu hỏi để tìm hướng trả lời, rằng tại sao VDA có tiền, có nhân lực, có tiềm lực, có ý tưởng của các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành mà vẫn chưa thành công. Hiện tại, mới có một siêu thị ở Đà Nẵng và một tổng kho hàng hoá ở Cần Thơ được thành lập. Tiền có mà không dễ giải ngân.

Không lẽ, sự liên kết của doanh nghiệp lại khó như vậy. Các ông có thấy rằng, sự chậm trễ của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này đang là cơ hội cho các thương hiệu, tập đoàn lớn của thế giới?

Có lẽ, tôi nên kể lại câu chuyện này. Ngay sau khi thành lập VDA, chúng tôi đã xúc tiến ngay các buổi gặp với lãnh đạo nhiều địa phương, mọi việc đều rất thuận. Nhưng khi bắt đầu vào việc thật mới thấy khó. Trong lĩnh vực này, địa điểm là quan trọng nhất, nhưng thời gian để tiếp cận đất đai ở các địa phương nhanh cũng phải tới 2 năm, chưa kể các trung tâm kinh tế lớn. Chi phí cho tiếp cận đất đai quá lớn, đáng nói là, trong đó quá nhiều loại không thể giải trình được. VDA là một công ty cổ phần, nó phải hoạt động một cách rõ ràng, minh bạch và chúng tôi cũng muốn mọi hoạt động của VDA rõ ràng, minh bạch.

Khi làm việc với lãnh đạo một địa phương (xin phép không nói tên) để tìm đất cho đại siêu thị của VDA, chúng tôi mới cảm nhận được điều mà nhiều doanh nghiệp đã than phiền, đó là doanh nghiệp Việt Nam luôn phải xếp sau những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngay cả trong tiếp cận đất đai. Nhìn những đại siêu thị bán buôn của nước ngoài án ngữ những địa điểm đẹp trong thành phố, nhìn sự hồ hởi của lãnh đạo địa phương về những dự án thành lập các siêu thị của nước ngoài, chúng tôi băn khoăn không hiểu tham vọng về thương hiệu phân phối Việt Nam có quá sức không?

Cạnh tranh quốc tế quá gần

Phân phối bán lẻ là một trong những ngành chịu cạnh tranh gay gắt nhất sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Áp lực mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt không hẳn là sự có mặt của các thương hiệu hàng đầu thế giới ngay khi thị trường trong nước mở cửa, mà chính là sự bành trướng nhanh và bài bản của các thương hiệu này. Mặc dù số lượng các thương hiệu ngoại tại thị trường Việt Nam vẫn đếm được trên đầu ngón tay như Metro Cash & Carry (Đức), Bourbon (Pháp), Parkson (Malaysia) Lotte Mart (Hàn Quốc)… nhưng số lượng, sức hút và cả sức ép của các trung tâm thương mại, siêu thị gắn thương hiệu quốc tế này đang thu hẹp đáng kể thị phần của các doanh nghiệp trong nước.

Có phải doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa vượt qua được điểm yếu liên kết. VDA chưa thành thương hiệu Việt khi mà các đại gia góp vốn vẫn lo nhiều hơn cho các thương hiệu riêng?

Có thể, nhiều người không tin, nhưng người kinh doanh nói chung có một đặc điểm, đó là đã đặt ra kế hoạch thì sẽ nỗ lực thực hiện bằng được. Điều này không hẳn vì mục tiêu kiếm tiền, vì tôi tin rằng, nếu chỉ vì kiếm tiền, tôi và nhiều đồng nghiệp không quá vất vả, trăn trở như vậy.

Cạnh tranh trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ là tất yếu, chúng tôi không thể né tránh, cũng không cưỡng lại được xu thế.

Bài toán mà chúng tôi tính toán là sự bành trướng của thương hiệu phân phối và bán lẻ tại Việt Nam đang tác động vô cùng mạnh mẽ tới cả thị trường, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ đứng trước nguy cơ bị thâu tóm, doanh nghiệp sản xuất cũng đang chịu sức ép về giá cả, sự chi phối về các điều kiện hợp đồng không mấy sòng phẳng từ các doanh nghiệp này.

Nhiều người cho rằng, thực tế đó buộc phải chấp nhận khi năng lực cạnh tranh không đạt được, nhưng đằng sau sự yếu thế của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ là sự bất ổn của cả hệ thống sản xuất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và thế giới cũng đã bắt đầu nói nhiều về sự thuộc địa hàng hoá trong thế giới ngày càng phẳng...

Thực tế thì, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn quá nhỏ và khi gió to vẫn khó vững vàng?

Chúng tôi thừa nhận là doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự khoẻ mạnh, trong cơ thể vẫn còn bệnh nọ, bệnh kia, có thể yếu về vốn, nguồn nhân lực, định hướng phát triển, liên kết lỏng lẻo...

Ngay cả khi cuộc chơi WTO đã qua 4 năm, tôi tin chắc là, nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới thấm cái gọi là thách thức của nền kinh tế không biên giới, hay thế giới phẳng. Năm nay, khó khăn vẫn còn quá nhiều. Bất ổn kinh tế vĩ mô khiến nhiều doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh. Điều đó chưa đáng ngại bằng việc nhiều doanh nghiệp không tính toán được kế hoạch kinh doanh dài hạn.

Một nền kinh tế mà doanh nghiệp chỉ tính ngắn hạn, thì doanh nghiệp không thể lớn được, không thể cạnh tranh được chứ nói gì đến một nền kinh tế mạnh. Hơn thế, nền kinh tế này sẽ chỉ hợp với những nhà đầu cơ, chứ không có chỗ cho những nhà kinh doanh tâm huyết cống hiến.

Tôi cho rằng, điều mà các doanh nghiệp cần hiện nay là có thông tin rõ ràng, đầy đủ và chính xác về các định hướng phát triển kinh tế, phát triển ngành của Chính phủ, của các địa phương. Đó là chính là đèn biển để các doanh nghiệp định hướng trong thế giới phẳng mênh mông như hiện tại.

Với VDA, với tư cách là Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, chúng tôi sẽ đặt lên bàn Chính phủ một kế hoạch phát triển mạnh mẽ, với sự chung sức của Chính phủ trong nỗ lực phát triển thương mại nội địa.

Có thể hiểu là doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang cần sự hỗ trợ để lớn lên?

Chắc chắn, chúng tôi cần hỗ trợ về sự minh bạch của chính sách phát triển, sự sòng phẳng trong tiếp cận đất đai, sự tính toán cẩn trọng vì lợi ích quốc gia trong các cam kết hội nhập...

Có thể, thông tin về việc chỉ cần 2 tỷ USD để mua toàn bộ các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối bán lẻ của Việt Nam sẽ nói lên nhiều điều. 2 tỷ USD là hai tháng lợi nhuận trung bình của “đế chế” Wal-Mart (Mỹ). Nếu không có sự hâu thuẫn quyết liệt từ Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tự mình vẽ lên bức tranh sáng cho thị trường phân phối, bán lẻ trong nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư