Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Các chỉ tiêu nợ được kiểm soát chặt chẽ
Thùy Dương (TTXVN/BNEWS) - 05/11/2018 09:24
 
Việc trả nợ được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Bộ Tài chính, việc quản lý, huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công, nợ Chính phủ trong giai đoạn 2016-2018 đã đạt nhiều kết quả tích cực, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng và tổ chức triển khai các công cụ quản lý nợ chủ động, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ các năm 2016, 2017 và 2018 trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm.

Việc trả nợ được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn. Nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương đã được các đơn vị sử dụng vốn vay chủ động bố trí nguồn để hoàn trả trực tiếp cho các chủ nợ trong và ngoài nước. Các chỉ tiêu nợ được kiểm soát chặt chẽ và về cơ bản nằm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trên cơ sở kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với GDP năm 2018 ước đạt 5.555 nghìn tỷ đồng, dự kiến tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2018 ở mức 61,4% GDP; nợ của Chính phủ ở mức 52,1% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 49,7% GDP. Về cơ cấu nợ công, dự kiến đến cuối năm 2018, nợ Chính phủ chiếm 84,8%; nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 14,2% và nợ chính quyền địa phương chiếm gần 1%.

Trong số 6 chỉ tiêu cơ bản về nợ được Quốc hội phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020 nói trên, 5 chỉ tiêu đã được đảm bảo thực hiện.

Riêng chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ở mức 36%, tăng 6,3% so với năm 2016, vượt giới hạn cho phép (dưới 25%) chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong năm 2017 tăng mạnh. Việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng là nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống.

Trong giai đoạn 2016-2018, một trong những thành công của hoạt động quản lý nợ công là cơ cấu vay của Chính phủ được tiếp tục thực hiện theo hướng tăng dần tỷ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần mức vay nước ngoài.

Giai đoạn này, Chính phủ huy động dự kiến 1.143,3 nghìn tỷ đồng vốn vay cho bù đắp bội chi và đầu tư phát triển, trung bình 381,1 nghìn tỷ đồng/năm, tăng nhẹ so với mức trung bình giai đoạn 2011-2015 (khoảng 376,4 nghìn tỷ đồng), chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước, vay nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Theo Bộ Tài chính, huy động vốn vay trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Tỷ lệ vay trong nước trung bình giai đoạn 2016-2018 đáp ứng khoảng 76% nhu cầu huy động vốn của Chính phủ, so với mức 73% trong giai đoạn 2011-2015. Trong cơ cấu nợ Chính phủ, tỷ trọng dư nợ trong nước chiếm khoảng 60% và nợ nước ngoài khoảng 40% ước tính vào cuối năm 2018.

Về tình hình thực hiện giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ giai đoạn 2016-2018, ước tổng thực hiện giải ngân vốn vay nước ngoài cho đầu tư công trung hạn cho giai đoạn này là 171,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% tổng huy động vốn vay của Chính phủ. Hạn mức còn lại của giai đoạn 2019-2020 là 128,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm phần dự phòng chung, còn lại gần 16 nghìn tỷ đồng và dự phòng 10% trên số vốn được giao của các cơ quan chủ quản.

Mặc dù tỷ trọng giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong vốn đầu tư công và vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước có xu hướng giảm (từ 36,6% vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước năm 2010 xuống còn 32% năm 2016 và 27,8% năm 2017) nhưng đây vẫn là nguồn vốn quan trọng trong bối cảnh ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp trong khi nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng rất lớn.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Quốc hội về việc hạn chế phát hành trái phiếu quốc tế theo Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, kể từ năm 2016 đến nay, Chính phủ không triển khai nghiệp vụ phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.

Trong nước, việc huy động vốn cũng khá khả quan. Bộ Tài chính cho biết, về cơ cấu, trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài từ 10-30 năm ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng khối lượng phát hành hàng năm và cao hơn so với giai đoạn trước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 trung bình khoảng 16%.

Trung bình giai đoạn 2016-2018 trên 55%. Kỳ hạn còn lại danh mục trái phiếu Chính phủ tăng dần và cao hơn giai đoạn trước, năm 2011 là 3,2 năm, năm 2016 là 6 năm, 9 tháng năm 2018 là 6,7 năm. Lãi suất phát hành bình quân giảm dần và thấp hơn giai đoạn trước. Cụ thể, năm 2011 là 12%/năm, năm 2016 là 6,7%/năm, 9 tháng năm 2018 là 4,5%/năm, góp phần tiết kiệm chi phí huy động cho ngân sách Nhà nước.

Cũng theo Bộ Tài chính, cơ cấu nhà đầu tư tiếp tục được đa dạng hóa, tỷ trọng nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại giảm. Cụ thể đến cuối năm 2017, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại là 53,1% (trước là 90%); các doanh nghiệp chứng khoán, bảo hiểm là 46%.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, việc huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công còn một số điểm cần tiếp tục giám sát chặt chẽ và lưu ý.

Cụ thể, với cơ chế huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài theo nhu cầu đề xuất của các bộ, ngành và địa phương như hiện nay, khả năng kiểm soát tổng mức vay vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn (tối đa 300 nghìn tỷ đồng) gặp khó khăn, gây sức ép lên trần bội chi, trần nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ của ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài còn có những hạn chế, bất cập; giải ngân vốn còn chậm. Nhiều địa phương có tổng vốn giao hàng năm giai đoạn 2016-2018 vượt số vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 được giao; vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có xu hướng tăng cao.

Nhằm thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính cho biết tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý nợ công, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, nâng cao quản lý việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay trên cơ sở kế hoạch đầu tư công, kế hoạch vay trả nợ công trung hạn và hàng năm, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nợ công.

Ngoài ra, tiếp tục tái cơ cấu nợ công, thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn trong nước, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách; tăng cường quản lý cho vay lại chính quyền địa phương, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Ban hành Nghị định về quản lý rủi ro đối với nợ công
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công, trong đó, quy định về quản lý rủi ro đối với nợ công.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư