Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Các đại dự án giao thông chạy nước rút ngay từ đầu năm
Anh Minh - 20/02/2021 13:30
 
Bất chấp Covid-19, từ mùng 6 Tết Nguyên đán, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã tổ chức ra quân để có những bước nước rút ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2021.
Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang được rốt ráo triển khai. Ảnh: A.M

Nước rút

Không phải ngẫu nhiên mà Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chọn để tổ chức lễ ra quân đầu năm Âm lịch 2021 trong số 26 công trình, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang triển khai trên khắp địa bàn cả nước.

“Ngoài việc đây là một trong những công trình quy mô lớn được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn đầu tư công, dự án này còn có tiến độ tốt nhất trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Khởi công gói thầu đầu tiên vào quý III/2019, Dự án đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất 2/11 gói thầu xây lắp trong tháng 9/2021 và hoàn thành toàn bộ vào tháng 1/2022.

Ông Nguyễn Vũ Quý, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 1/2021, tổng giá trị thực hiện lũy kế toàn Dự án là 1.768,37 tỷ đồng/5.449 tỷ đồng, đạt 32,5% giá trị hợp đồng; giải ngân toàn Dự án đạt 2.966/2.992 tỷ đồng, bằng 99,13% kế hoạch.

Để đảm bảo mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2021, Ban Quản lý khẳng định, nhân sự của chủ đầu tư và tư vấn giám sát đã đảm bảo quân số 100% trở lại công trường.

“Chúng tôi sẽ tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị tập trung tăng ca, bù phụ tiến độ với quyết tâm hoàn thành và vượt tiến độ theo yêu cầu”, ông Quý nhấn mạnh.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ GTVT về tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 2/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã quán triệt, xây dựng cơ bản là lĩnh vực xương sống. Vì vậy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, ngay từ ngày đầu tiên đi làm trở lại (mùng 6 Tết), các dự án phải tổ chức ra quân làm việc ngay.

Tăng tốc chuẩn bị dự án mới

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, trong năm 2021, ngành GTVT được phân giao khoảng 46.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, cao hơn 10% so với năm 2021, nên nếu các chủ dự án không quyết liệt triển khai sớm thì sẽ dẫn tới “nguy cơ no dồn, đói góp”, đẩy áp lực giải ngân vào cuối năm.

Ngay trước khi nghỉ Tết nguyên đán, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 ngày 4/2/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư 2 dự án thành phần Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Tại tờ trình này, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ quyết nghị để Bộ GTVT triển khai thực hiện việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh 2 dự án thành phần và thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư trong giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng theo quy định; đồng thời, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí đủ vốn để thực hiện, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

“Đối với 2 dự án nói trên, Bộ GTVT đặt mục tiêu khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên vào đầu tháng 6/2021 để kịp cùng 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công khác cùng hoàn thành vào năm 2023”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Rút kinh nghiệm từ Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có độ trễ lớn do mãi đến đầu năm 2020 mới hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, việc triển khai 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đang được Bộ GTVT triển khai rất rốt ráo.

“Đây là 10 dự án thành phần còn lại trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Bộ GTVT xác định là ưu tiên số 1 trong giai đoạn 2021 - 2025 để góp phần nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến TP. Cần Thơ”, ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT cho biết.

Theo tính toán của Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào khoảng 113.148 tỷ đồng. Trường hợp đầu tư theo hình thức PPP, theo quy định tại khoản 2, Điều 69, Luật PPP thì phần vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư. Như vậy, phần vốn nhà đầu tư huy động tối thiểu khoảng 56.574 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 11.315 tỷ đồng, vốn huy động tín dụng khoảng 45.259 tỷ đồng), phần vốn nhà nước tham gia tối đa 56.574 tỷ đồng.

“Ngoài việc tiếp tục áp dụng những cơ chế đối với các dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020, chúng tôi mong cơ quan có thẩm quyền cho phép cân đối nguồn vốn riêng cho dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam không nằm trong tổng nguồn vốn phân bổ để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực giao thông vận tải trong giai đoạn 2021 - 2025”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất.

Trong ngày đầu tiên đi làm sau nghỉ Tết, các ban quản lý dự án phải xuống công trường để đôn đốc thi công các gói thầu đang triển khai. Các thứ trưởng phụ trách các dự án phải xem xét, xử lý đối với những đơn vị có biểu hiện trì trệ trong triển khai nhiệm vụ trong những ngày đầu năm mới”.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT

Đề xuất thẩm định Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu trị giá 18.805 tỷ đồng
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP, loại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư